Giai thoại về nhóm nhạc từng thắp nến chơi đàn thập niên 70

Giai thoại về nhóm nhạc từng thắp nến chơi đàn thập niên 70

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Nhóm guitar cổ điển Thất tinh Hà Nội của ông từng được giới mộ nhạc xem như một huyền thoại.

Nói đến Nguyễn Tỵ mà không nhắc đến tài năng guitar của ông thì giống như mới vẽ chân dung được nửa mặt. Ông thực sự là một hiện tượng thú vị không chỉ của làng võ phía Bắc mà cả trong giới guitar cổ điển ở Thủ đô Hà Nội.

Xã hội - Giai thoại về nhóm nhạc từng thắp nến chơi đàn thập niên 70

Giây phút nghệ sĩ của người võ sư

Chúng tôi có hân hạnh được nghe ông đàn. Tướng nhìn oai phong đúng chất con nhà võ nhưng khi đã ôm cây đàn và thả hồn vào từng âm điệu du dương của âm nhạc trông ông lại đầy chất phong trần, nghệ sĩ. Võ sư Nguyễn Tỵ kể, trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, ông phải gác võ thuật sang một bên và sảy bước sang lĩnh vực nghệ thuật nhờ cây đàn guitar.

Mười bảy tuổi, trong một lần đi sơ tán, Nguyễn Tỵ tình cờ bị thanh âm nồng ấm của cây đàn guitar hớp hồn trong một tối thanh vắng ở xóm quê nghèo Thường Tín. Vậy là ông mê mẩn, theo học và đam mê lúc nào chẳng biết.

Trở về Hà Nội, ông mày mò tìm kiếm tài liệu, tự luyện tập ngón đàn. Ở ông có một điều kì lạ là cứ đam mê cái gì là phải chinh phục cho bằng được. Có những ngày, chàng thanh niên Nguyễn Tỵ ôm đàn từ 6h sáng đến 6h tối chỉ để luyện một đoạn khó trong bản nhạc.

Cách tập đàn của ông cũng rất khác: phớt lờ những cái căn bản để học những cái khó trước. “Tôi tập võ và tập đàn đều để chơi chứ không chủ tâm để thành nghề. Nhưng sau khi tham gia giải nghiệp dư và chuyên nghiệp được giải nhất. Vì vậy, một số người đến xin học rồi tôi trở thành người giảng dạy đàn guitar”, thầy Tỵ chia sẻ.

Có chung niềm đam mê, ông kết thân với nhóm bạn đều là dân nghiện guitar như Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc.... Giữa bom đạn ác liệt của những năm 60-70, nhóm guitar cổ điển Thất tinh Hà Nội (Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Đặng Quang Khôi và Vũ Trường Giang) đã được giới mộ điệu guitar cổ điển xem như một huyền thoại.

Không sẵn tài liệu, họ cùng nhau tìm tòi, luyện tập và đi khắp nơi biểu diễn, phát động phong trào guitar cổ điển ở miền Bắc. Giai thoại thắp nến chơi đàn (do mất điện trong một buổi công diễn hồi năm 1970) của nhóm Thất tinh được truyền tụng mãi trong giới guitar cổ điển Hà Nội mãi cho tới nay. Ham mê tìm tòi, khám phá và thật sự mong muốn phát triển phong trào guitar, cùng với các danh cầm khác như Tạ Tấn và Hải Thoại, Nguyễn Tỵ đã có công soạn các ca khúc như: Tiếng đàn Talư, Hà Nội mùa thu, Vui mở đường, Bài ca Hồ Chí Minh, Ngày mùa... thành những tác phẩm dành riêng cho cây đàn guitar cổ điển.

Một dạo, những tác phẩm ấy từng vang trên sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, cổ vũ tinh thần, nâng bước chân các chiến sĩ trên đường ra trận.

Xã hội - Giai thoại về nhóm nhạc từng thắp nến chơi đàn thập niên 70 (Hình 2).

Bốn nghệ sĩ còn lại của Thất cầm: (từ trái sang) Phạm Văn Phúc, Nguyễn Tỵ, Vũ Bảo Lâm, Quang Tĩn.

Đối với Nguyễn Tỵ, võ nghệ và âm nhạc tuy là hai loại hình khác nhau, nhưng tựu trung chỉ là một. Bởi cả hai đều cùng là nghệ thuật. Ông nói rằng, hoạt động cơ bắp không ảnh hưởng gì đến ngón đàn và quả tim đập vì nghệ thuật. Khi luyện võ, căng cơ, chỉ cần nghỉ ngơi 15 phút là lại chơi đàn bình thường.

Hai năm nay, Nguyễn Tỵ mỗi tuần chỉ đứng lớp một buổi vào sáng thứ bảy để tập huấn cho các huấn luyện viên của môn phái Nam Hồng Sơn. Ông dành nhiều thời gian hơn cho việc dạy đàn, chơi đàn và ngao du với những người bạn trong "Thất cầm" còn sống ở Hà Nội như Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc, Quang Tôn. Tình bạn của họ vẫn khăng khít, không gì thay đổi.

Lớp học đàn của Nguyễn Tỵ ở một con hẻm trên phố Hồng Mai vẫn nhộn nhịp học trò. Học trò thích cách dạy nhiệt tình, hồn hậu của thầy Nguyễn Tỵ. Ngay cả cái cách thầy giảng, lúc nào cũng có một nụ cười nhân hậu trên môi. Hình như càng có tuổi, tiếng đàn của ông càng trong trẻo, thanh thản và dịu êm hơn. Tiếng guitar và niềm đam mê võ thuật đã giúp cho tâm hồn Nguyễn Tỵ luôn được bình yên, yêu người, yêu đời.

Võ sư, nghệ sĩ, hai con người, hai tài năng cứ thế hòa trộn trong ông, không thể phân định bên nào trọng hơn. Có thể khẳng định, Nguyễn Tỵ là một trường hợp hiếm hoi vang danh trong cả võ thuật và âm nhạc. Sự kết hợp giữa võ thuật và nghệ thuật đã đem đến cho võ sư một sức khỏe dẻo dai và một tinh thần không tuổi.

Một thời sôi nổi, Nguyễn Tỵ đã sống với hai tình yêu, hai niềm đam mê: Võ học và âm nhạc. Ông bảo: Bây giờ có cho làm lại, mình sẽ vẫn chọn đúng hai thứ ấy. Và dẫu có phải thêm lần nữa trải qua nhiều khó khăn, vất vả để được gắn bó cùng lúc với cả hai niềm đam mê thì cũng là chuyện thường tình. Bởi đối diện với thử thách chính là lẽ sống của cuộc đời ông! Và cũng nhờ hai niềm đam mê ấy mà ông lọt được vào mắt xanh của một nữ giảng viên violon của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Giờ bà đã về hưu, hàng ngày chăm cháu và chăm cả lớp học đàn của ông. Cuộc sống của hai vợ chồng già vì thế mà luôn tràn đầy hạnh phúc, tiếng cười.

Trinh Phúc - Thanh Xuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.