Mặc dù hầu hết các gia đình khác đã di dời đến nơi khác để cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng, nhưng ông Nguyễn Trọng Hiến (SN 1956), trú tại khối 12, phường Hồng Sơn, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn nhất quyết “bám trụ” nhằm phản đối việc phân chia vị trí đất.
Nguyên do được ông Hiến giải thích là “có vấn đề không rõ ràng, minh bạch trong phương án cấp đất cho các hộ gia đình”. Theo ông Hiến, năm 1989, gia đình ông mua của Khu tập thể Xí nghiệp may Việt Đức một căn nhà với diện tích 63,1m2. Toàn bộ hồ sơ gia đình đã nộp lên UBND phường Hồng Sơn để xin làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy chưa có sổ đỏ, nhưng hằng năm gia đình ông Hiến đều nộp thuế sử dụng đất đầy đủ.
“Lô đất tôi mua ngay sát đường Cao Xuân Huy, TP.Vinh và sử dụng liên tục không hề có tranh chấp với ai. Do vị trí thuận lợi nên giá mua lúc đó cao hơn rất nhiều các nhà của công nhân khác, tiền thuế đất đóng hằng năm cũng nhiều hơn. Gia đình tôi cũng luôn chấp hành quy định của nhà nước, chưa bao giờ sai phạm gì. Thế nhưng chính quyền lại đẩy lô của tôi xuống, nhường cho người không đủ tiêu chuẩn”, ông Hiến nói.
Theo đó, thực hiện Đề án giải quyết các khu tập thể cũ trên địa bàn TP.Vinh của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2015, TP.Vinh phải hoàn thành việc xóa nhà tập thể. Với chủ trương giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất, UBND TP.Vinh đã đưa ra phương án cấp cho các hộ gia đình đã được Xí nghiệp may Việt Đức bán hóa giá 1 lô đất, có khấu trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Ngày 1/12/2006, UBND TP.Vinh phê duyệt Dự thảo phương án xác định nghĩa vụ tài chính khi thực hiện giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất đợt I cho 182 hộ gia đình, công nhân khu tập thể Xí nghiệp may mặc Việt Đức.
Tuy nhiên, trong thông báo này, gia đình ông Hiến bị đẩy xuống lối 2, nhường vị trí gần đường cho nhà khác. Đặc biệt, ông Nguyễn Công Tiến, Bí thư chi bộ và ông Hồ Viết Quảng, Khối trưởng khối 12 lại nghiễm nhiên có 2 vị trí ngay sát mặt đường, ngay trước nhà của ông Hiến (theo bản đồ quy hoạch).
Liên quan đến sự việc, bà Lê Thị Tâm (SN 1954), trú tại khối 12, phường Hồng Sơn, TP.Vinh, cũng cho rằng việc phân chia lô đất không hợp lý khiến gia đình bà bị ảnh hưởng.
Theo đó, vào năm 1973, bà được tuyển dụng làm công nhân Xí nghiệp may mặc Việt Đức. Đến năm 1991, bà Tâm nghỉ việc theo chế độ 176 của Xí nghiệp. Trong thời gian làm công nhân, năm 1989, bà mua một gian nhà ở tại khu tập thể cán bộ, công nhân viên tại phường Hồng Sơn. Sau đó, do nhà chật hẹp, gia đình đông người, nên năm 1994 bà Tâm mua lại một gian bên cạnh của chị Lê Thị Viết (công nhân cũ Xí nghiệp may mặc Việt Đức).
Tổng diện tích đất mang tên bà Lê Thị Tâm là 96m2, toàn bộ hồ sơ gia đình đã nộp lên UBND phường Hồng Sơn để xin làm thủ tục cấp giấy quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Tuy nhiên, trong quyết định thì bà Lê Thị Tâm chỉ được cấp 44,89m2. Cho rằng số đất còn lại (52,11m2) cũng là của gia đình nên bà Tâm đã nhiều lần phát biểu trong cuộc họp, viết đơn kiến nghị gửi UBND phường Hồng Sơn, UBND TP.Vinh nhưng vẫn chưa được nhận câu trả lời thỏa đáng.
Bà Tâm bức xúc cho biết: “Tôi mua nhà có giấy tờ đầy đủ, hằng năm đều đóng thuế đất đai, trong quá trình sống không hề có tranh chấp hay kiện tụng. Vậy mà phường chỉ xác nhận một nửa diện tích đất cho tôi (gian nhà bà Tâm mua năm 1989), còn hơn một nửa diện tích còn lại (gian nhà bà mua thêm vào năm 1994) thì lại không được. Việc này quá vô lý”.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn cho biết: “Đề án xóa nhà ở tập thể cũ trên địa bàn TP.Vinh được thực hiện với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm (dân tự giải phóng mặt bằng, Nhà nước không bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng). Tất cả mọi việc đều do người dân bàn bạc rồi thống nhất, rồi sau đó mới mới đưa lên để chúng tôi thẩm định, xét duyệt”.
Chính vì vậy, ông bí thư và khối trưởng được 2 suất đất trên mặt đường này, ngay tại vị trí gia đình ông Hiến đang sinh sống, cũng là do đã được sự đồng thuận nhất trí cao của bà con nhân dân trong khối. Còn việc ông Hiến được phân lô đất ở lối 2 theo bản đồ quy hoạch mới là đúng theo quy định.
Trao đổi về việc này, luật sư Nguyễn Văn Tùng, Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự cho biết, kiến nghị của ông Nguyễn Trọng Hiếu và bà Lê Thị Tâm là có cơ sở. Bởi trên cơ sở phân lô quy hoạch thì tận dụng hết diện tích để chia theo quy định. Trường hợp đất thiếu không đủ cho các hộ, người dân mới họp bàn bình xét các chế độ tiêu chuẩn theo tình hình của địa phương.
“Lô đất của gia đình ông Hiếu không vướng vào quy hoạch mở rộng đường khi thực hiện dự án. Ngoài ra, ông Hiếu có giấy tờ mua đầy đủ, nộp thuế và sử dụng liên tục nên đủ tiêu chuẩn để tiếp tục sử dụng lô đất cũ. Trong khi, 2 cán bộ không đáp ứng được những điều kiện trên mà vẫn được phân lô đất sát mặt đường thì rõ ràng không hợp lý”, luật sư Tùng nói.
Theo luật sư Tùng, ông Hồ Viết Quảng và ông Phan Công Tiến là cán bộ khối, do dân bầu lên và hưởng các chế độ do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, 2 người này không thuộc đối tượng được ưu tiên quy định tại Điều 6 của Quyết định số 78/2014/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
“Việc phân chia đất theo dự án thì đối tượng ưu tiên đầu tiên phải là những người đã sống trên mảnh đất đó nhiều năm, nộp thuế đầy đủ và không tranh chấp. Việc UBND phường đẩy người dân xuống lối 2, để cho cán bộ được các lô đất sát đường là trái quy định của pháp luật”, luật sư Tùng khẳng định.