Liên quan đến vấn đề sở GTVT TP.HCM muốn giảm ùn tắc giao thông ở giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình) bằng cách mở rộng hai đoạn đường có tổng chiều dài khoảng gần 1,5km với kinh phí đầu tư lên đến 2.606 tỷ đồng, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM.
PV: Thưa TS., vừa rồi sở GTVT TP.HCM đã đề xuất mở rộng hai đoạn đường ở giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình) với phí đầu tư lên đến 2.606 tỷ đồng. TS. nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Bách Phúc: Chuyện kẹt xe ở TP.HCM đã được công luận bàn rất nhiều trong hàng chục năm nay. Nhiều giải pháp đã được đề xuất, nhưng tất cả đều chỉ là những ý tưởng, theo kiểu định tính, thể hiện ý chí mà không chứng minh định lượng, thành ra không có sức thuyết phục. Vì vậy, các cơ quan công quyền cũng như người dân chỉ nghe, chỉ bàn, mà cuối cùng vẫn không ai có thể chấp nhận giải pháp nào. Cuối cùng, “kẹt” vẫn hoàn “kẹt”, “tắc” vẫn hoàn “tắc”, hơn nữa “kẹt” và “tắc” ngày càng trầm trọng hơn”.
Việc mở rộng hai đoạn đường ở ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, chỉ dài khoảng 1,5km mà lại đầu tư kinh phí lên đến 2.606 tỷ đồng thì câu chuyện vẫn vậy. Tôi cho rằng nên nghiên cứu xem xét kỹ càng, nghiêm túc trước khi ra quyết định. Trong khi nước ta còn nghèo, nguồn vốn đầu tư lại hạn hẹp nên phải tính toán sao cho tiết kiệm, hiệu quả và tối ưu.
PV: Để thực hiện được dự án trên, chúng ta tính toán đến những vấn đề nào?
TS. Nguyễn Bách Phúc: Dự án này chỉ đảm bảo giải quyết được ùn tắc ở một điểm cục bộ rất nhỏ trong bức tranh ùn tắc giao thông của thành phố. Để có một giải pháp giảm ùn tắc giao thông đúng đắn, khi đưa ra dự án, chúng ta cần phải tính toán đến các vấn đề như mức độ ảnh hưởng của giải pháp; tính toán đánh giá ưu khuyết điểm của giải pháp và cuối cùng là hiệu quả, hậu quả của nó.
Để thực hiện được dự án trên, trước hết phải trả lời được câu hỏi nguồn vốn ở đâu ra? Trước đây, chúng ta đưa ra rất nhiều dự án với kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng mà không hề tính toán xem vốn đấy lấy ở đâu ra, có ai đầu tư không, trong khi ngân sách lại hạn hẹp. Vì thế, đa phần các dự án này phải hoãn, chờ hoặc không làm được. Cho nên, khi đưa ra một dự án nào, tôi nghĩ các sở, ban, ngành nên tính toán thật cụ thể, không nên chỉ nói dự án này, dự án kia với nghìn tỷ đồng này, nghìn tỷ đồng nọ mà lại không biết số tiền đó từ đâu mà có.
PV: Để giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông ở giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý mà lại tiết kiệm được kinh phí, TS. có kế sách gì không?
TS. Nguyễn Bách Phúc: Theo cá nhân tôi, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, không cần thiết phải di dời dân, giải tỏa mặt bằng làm gì cho tốn kém. Chúng ta hãy đầu tư xây dựng thêm một cầu vượt theo đường Tân Kỳ Tân Quý, vượt qua đường Trường Chinh, bỏ chốt đèn ở ngã tư là được. Thực ra chuyện thường xuyên kẹt xe đoạn đường này chủ yếu là do giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý quá đông người qua lại, phải đặt đèn xanh đỏ. Ngoài ra, nếu chỉ xây cầu vượt, không phải mất hơn 2.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư sẽ dễ dàng xoay sở hơn.
Lưu ý rằng, nếu xây cầu vượt cho nút này, sẽ không phải tốn chi phí xây dựng cho 4 đường lên xuống, không phải tốn chi giải phóng mặt bằng. Có thể, hình dung như sau: Hình tam giác của 3 đoạn đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Tân Kỳ Tân Quý với tổng chiều dài chỉ khoảng 750m sẽ đảm bảo xe cộ của tuyến Trường Chinh và tuyến Tân Kỳ Tân Quý, tại giao lộ này có thể hoàn toàn thoải mái rẽ trái rẽ phải mà không đụng độ.
PV: Hiện nay, không riêng gì TP.HCM, bất kể thành phố lớn nào ở nước ta đều xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, TS. có thể đưa ra giải pháp?
TS. Nguyễn Bách Phúc: Sau nhiều năm nghiên cứu cũng như tính toán các vấn đề liên quan đến kẹt xe, ùn tắc giao thông. Tôi nhận thấy giải pháp thiết thực và hiệu quả cho nạn kẹt xe ở TP.HCM đó là đầu tư xây dựng hệ thống xe buýt phủ khắp thành phố. Với vấn đề này, tôi cũng đã tính toán, xe gắn máy bình quân rộng 0,7m, dài 2m, khi chạy trên đường phải có khoảng cách an toàn tối thiểu với xe bên cạnh là 0,5m, với xe phía trước là 2m. Như vậy, bình quân một người đi xe gắn máy sẽ chiếm dụng diện tích mặt đường là 4,8m2.
Trong khi đó, một xe buýt trung bình chở 45 người, rộng 2,5m, dài 9m, khi chạy trên đường phải có khoảng cách an toàn tối thiểu với xe bên cạnh là 0,5m, với xe phía trước là 3m. Như vậy diện tích một xe buýt chiếm dụng mặt đường khi lưu hành là (2,5m + 0,5m) x (9m + 3m) = 36m2. Bình quân một người đi xe buýt sẽ chiếm dụng diện tích mặt đường là 36m2/45 người = 0,8m2/người. Như vậy, nếu có hệ thống xe buýt phủ khắp thành phố, người dân TP.HCM sẽ bỏ xe gắn máy, đi xe buýt, thì nạn kẹt xe giảm được 5 lần, tức là giảm 500%.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của TS.!
Dương Hạnh