Giáo dục mầm non đang bị “bỏ rơi”?

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

– GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng đã đến lúc cần phải "xới" lại câu chuyện về cải cách giáo dục mầm non sau một thời gian dài bị lơ là.

Lương giáo viên mầm non... "ăn cháo chưa xong"?

Tâm huyết với nghề nhưng không thể sống được với đồng lương quá ít ỏi, nhiều cô giáo mầm non đã rớt nước mắt khi phải đành lòng làm đơn xin nghỉ việc. Theo ông thì Nhà nước đã đãi ngộ xứng đáng đối với giáo viên mầm non hay chưa?

Ngân sách của mình quá ít ỏi. Tiếng là giáo dục được 20% ngân sách (khoảng 4 - 5 tỷ USD) nhưng số tiền này không chỉ chi cho các cấp học mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học mà còn chi cho toàn bộ hệ thống dạy nghề, trường chính trị, trường của các lực lượng vũ trang.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

Một lý do nữa cũng phải nói là giáo dục mầm non hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, nếu không nói là bị buông rơi, mặc dù đã được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân. Lương hoặc phụ cấp của giáo viên mầm non có thể nói là thấp nhất trong toàn bộ bảng lương, phụ cấp của lao động nước ta.

Các cô giáo "dân nuôi" chỉ được 500 ngàn đồng/1 tháng, còn giáo viên được trả lương hoặc phụ cấp từ ngân sách, trừ đi các khoản cũng chỉ còn lại 8-900 ngàn đồng. Số tiền này đúng là ăn cháo chưa xong chứ đừng nói đến nuôi con, chi trả các sinh hoạt khác, hay thuê nhà, mua xe.

Theo tôi giáo dục mầm non là vô cùng quan trọng vì phần lớn nhân cách, kỹ năng sống ở một người bình thường gần như được hình thành trong vòng 6 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì vậy, nếu chúng ta không quan tâm, đầu tư cho giáo dục mầm non, trong đó có việc mở trường, cải cách tiền lương cho giáo viên, thì quả là khó có thể mong đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Có phải vì lương thấp, mà hiện nay mới nảy sinh chuyện giáo viên chăm sóc trẻ tốt hay không phụ thuộc vào bố mẹ làm nghề gì, phong bì nhiều hay ít?

Tiêu cực trong xã hội mình hiện nay đã trở nên quá phổ biến. Có những nghề không tốn giọt mồ hôi nào mà lộc lá, phong bì, phong bao rất đậm đà. Vì vậy, nếu phụ huynh có bồi dưỡng thêm cho các cô giáo mầm non thì cũng không có gì lạ. Nhưng nói thật, các cô dạy ở trường có cơ sở vật chất tốt thì còn được quan tâm, chứ ở những trường cơ sở vật chất kém hoặc ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì chẳng có gì.

Ngay ở cấp tiểu học, tôi biết nội thành Hà Nội cũng có những trường cô giáo phải mua hoa tặng nhau ngày 20/11 mang về nhà cho đỡ tủi, chứ chẳng có ai quan tâm đâu. Mà ở phần lớn các nơi, việc biếu xén chủ yếu rơi vào những người có quyền nhận hay không nhận học sinh, chứ không phải giáo viên.

Trách nhiệm hàng đầu là chính quyền địa phương

Hiện nay, đang tồn tại một nghịch lý là trường đại học thì mở ồ ạt đến mức...dư thừa, trong khi đó, vì không đủ chỗ học, các phụ huynh có con tuổi vào trường mầm non phải xếp hàng từ 3h sáng để xin học cho con. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Đầu tư đại học theo tôi là đầu tư "ngon" nhất. Chạy được giấy phép mở trường coi như xong. Chỉ cần thuê được địa điểm là tiến hành tuyển sinh. Sau đó, căn cứ vào số sinh viên, lại đi thuê lớp học, không khác gì một lò luyện thi.

Lương hoặc phụ cấp của giáo viên mầm non hiện nay là rất thấp trong toàn bộ bảng lương, phụ cấp của lao động nước ta. Ảnh minh họa

Điều kiện và chất lượng đào tạo không đảm bảo, bằng cấp của những trường này không có giá trị nên bây giờ mới xảy ra tình trạng nhiều trường, nhiều ngành đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển được sinh viên. Còn mầm non thì ngược lại. Ngay Hà Nội cũng có đến 6 phường ở nội thành chưa có trường mầm non.

Việc quản lý xây dựng các khu công nghiệp hiện cũng còn rất lỏng lẻo. Nhiều khu công nghiệp không có trường học mầm non, nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí. Các doanh nghiệp không hề đóng góp gì vào việc này nhưng vẫn được cho đầu tư một cách dễ dãi. Với đồng lương từ 1-1,2 triệu đồng/1 tháng, nhiều công nhân ở khu công nghiệp phải gửi con em tới những điểm trông trẻ không đảm bảo.

Bên cạnh lý do hạn chế của ngân sách, các cấp chính quyền thiếu quan tâm như tôi đã nói thì còn một lý do quan trọng khiến chủ trương xã hội hóa gặp khó khăn là đầu tư mầm non tiềm ẩn khá nhiều rủi ro (vì các cháu còn nhỏ), các ưu đãi về mở trường mầm non chưa hợp lý vì thế người ta không lựa chọn đầu tư mầm non.

Như ông đã nói nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay thì sẽ rất gay go cho giáo dục mầm non. Với tư cách là một người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, ông có đề xuất nào để cải thiện tình trạng này không?

Ở các đô thị lớn, thu ngân sách cao mà để xảy ra tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, khiến phụ huynh học sinh phải xếp hàng mua hồ sơ từ 3h sáng như thời bao cấp, thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. Cử tri và Hội đồng nhân dân các đô thị này cần phải hỏi trách nhiệm của những người quản lý.

Sau đó, chuyện đồng lương của giáo viên mầm non cũng cần phải được chú ý đến. Trình độ đào tạo của đội ngũ giáo viên này nói chung không cao, vì vậy nếu chỉ trả lương theo trình độ thì lương rất thấp. Theo tôi thì nên trả lương theo trình độ đào tạo kết hợp trả theo tính chất công việc (việc nặng nhọc) để giáo viên mầm non có thể sống như những lao động khác.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng trường công, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa bằng cách có chính sách ưu đãi hợp lý cho nhà đầu tư.

Được biết, Bộ GD&ĐT cũng đã bàn với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ về cải thiện chính sách đối với giáo dục mầm non, nhưng do những hạn chế về ngân sách, biên chế viên chức v.v... mà không giải quyết được.

Theo tôi, để cải thiện tình hình giáo dục mầm non thì cần đưa vấn đề ra bàn bạc công khai, với sự vào cuộc tích cực của công luận, từ đó cấp cao nhất phải ban hành chính sách mới, chứ riêng các bộ ngồi bàn bạc với nhau, căn cứ chính sách hiện hành thì không thể giải quyết được.

Minh Lý (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.