Tại buổi hội thảo “Tổng thống Trump và cái kết của trụ cột châu Á” diễn ra tại trung tâm Văn hóa Pháp ngày 26/10, chuyên gia về Đông Nam Á David Camroux – người thầy của Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã bàn luận về vấn đề tranh cãi của chính trường quốc tế thời gian qua với câu hỏi: Liệu Tổng thống Trump có quay lưng với châu Á trong nhiệm kỳ của ông hay không?
Chính sách châu Á có bị khai tử?
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du châu Á, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, từ ngày 3-14/11/2017 tham dự hai sự kiện lớn là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng và hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Philippines.
Trong những tuyên bố và chính sách của mình kể từ đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump dễ khiến người ta hiểu rằng ông sẽ không tiếp tục chính sách châu Á của người tiền nhiệm và đặc biệt là không muốn duy trì trục xoay hướng đến châu Á được khởi xướng dưới thời chính quyền Barack Obama.
Một trong những việc làm đầu tiên của ông Trump khi làm Tổng thống là ký lệnh rút Mỹ khỏi những đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa mới được ký kết năm 2016.
Động thái rút khỏi TPP, cùng với việc đặt ra dấu hỏi về cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh và đối tác ở châu Á không chỉ là một thách thức đối với chính sách xoay trục sang châu Á, mà còn là thách thức đối với một số mối quan hệ ngoại giao nòng cốt của Mỹ ở khu vực này.
Trong khi đó, giới học giả và các quốc gia trong khu vực lo ngại sự rút lui của Mỹ sẽ tạo điều kiện cho sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Những nguyên nhân không thể
Bàn về vấn đề này, Giáo sư David Camroux - chuyên gia cấp cao của học viện Chính trị Paris (CERI), giảng dạy về xã hội đương đại Đông Nam Á nêu quan điểm rằng, cách thể hiện của Tổng thống Trump dễ khiến người ta hiểu lầm, nhưng bản chất ông thực hiện lại hoàn toàn khác.
Theo Giáo sư Camroux, chính sách hướng đến châu Á không phải chỉ mới được chú trọng từ thời Obama mà trên thực tế nó từng được hiện hữu từ rất lâu trong lịch sử mà khởi đầu vào năm 1898 khi Mỹ đặt chân tới Phillippines.
Sau này chính sách xoay trục được định hình rõ hơn với 3 trụ cột chính: An ninh (sức mạnh cứng), điển hình là 60% lực lượng hải quân Mỹ có mặt tại Thái Bình Dương. Trụ cột thứ hai là kinh tế, với các hiệp định thương mại tự do như TPP, hiệp định song phương với các nước khu vực và APEC. Cuối cùng, trụ cột thứ ba là sức mạnh mềm của ngoại giao công chúng.
Đến thời Donald Trump, ông cho thấy mình là người theo chủ nghĩa biệt lập với câu khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”, đối nghịch lại với chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa tự do mà thế giới cũng như người tiền nhiệm của ông hướng đến.
Tổng thống Trump rút nước Mỹ khỏi vai trò đầu tàu thế giới bằng việc từ bỏ TPP, rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu.
Trong lập trường của mình, ông Trump nêu rõ: “Thế giới này không phải một cộng đồng toàn cầu, mà nó chỉ là một đấu trường nơi các quốc gia, các nhân tố phi chính phủ, các tập đoàn gắn kết lại với nhau để tìm kiếm lợi ích”.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông sẽ mang lại bản chất thực sự của quan hệ quốc tế với các yếu tố như quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và đạo đức một cách đúng nghĩa.
Ông cũng nhấn mạnh sẽ đảm bảo mọi lợi ích tốt nhất thu về cho nước Mỹ, cho người dân Mỹ, thay vì chia sẻ cho các mối quan hệ song phương, đa phương.
Tuy nhiên Giáo sư Camroux nêu quan điểm rằng, dẫu vậy, Tổng thống Donald Trump sẽ không khai tử chính sách xoay trục châu Á vì nhiều lý do.
Thứ nhất là những yếu tố mang tính hệ thống: Những giới hạn về mặt quyền lực của Tổng thống trong hệ thống chính trị nước Mỹ không cho phép ông Trump có thể tự ý thay đổi chính sách cân bằng lâu đời của đất nước.
Thứ hai là yếu tố mang tính lịch sử: Căn nguyên gốc rễ của chính sách hướng về châu Á của Mỹ đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và khó có thể xóa bỏ.
Thứ ba là sự phản đối từ các thế lực kinh tế xã hội trong nước: Trong đó bao gồm các tập đoàn lớn, xã hội dân sự, giới học giả và rất nhiều quan chức trong chính quyền ủng hộ gắn kết châu Á.
Và cuối cùng, bất kỳ mục tiêu nào của Tổng thống Trump cũng cần phải có thời gian, và điều này sẽ còn phụ thuộc vào việc ông có thể chạy đua thành công trong nhiệm kỳ thứ hai hay không.
Giáo sư Camroux cũng đánh giá, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một chiến lược gia thực thụ và không đồng tình với việc nhiều người gọi ông là “đứa trẻ con mới học làm chính trị”.
Theo giới học giả, mọi dự đoán hiện tại về lập trường của ông Trump đối với châu Á đều chưa chắc chắn khi Tổng thống Mỹ vốn là người rất khó nắm bắt.
Sự định hình rõ ràng về chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ đối với khu vực này sẽ được thể hiện trong chuyến công du các nước châu Á vào tháng 11 tới và tham dự APEC.
Giáo sư David Camroux tốt nghiệp đại học Sydney và lấy bằng Tiến sĩ tại đại học Paris III: Sorbonne Nouvelle và được biết đến là chuyên gia cấp cao của học viện Chính trị Paris (CERI), là GS danh dự của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (IEP), giảng dạy về xã hội đương đại Đông Nam Á, quan hệ EU - châu Á và hội nhập khu vực Châu Á. Giáo sư từng thỉnh giảng tại Học viện Kinh tế London, đại học Trung Âu, đại học Gadjah Mada, đại học Waseda, đại học Yangon và đại học Korea. |
Ảnh bìa: Trung tâm Văn hóa Pháp