Kết quả khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên tại nhiều địa phương gần đây khiến dư luận không khỏi giật mình. Trong số 181 giáo viên tiểu học tham dự khảo sát ở Cần Thơ, số đạt chuẩn chỉ có vài người.
Ở An Giang, thực trạng cũng bi thảm không kém, trong đó 1500 giáo viên được khảo sát, chỉ có khoảng 165 người đạt chuẩn. Số giáo viên đạt chuẩn tại Đồng Tháp còn thấp hơn nhiều. Hiện tỉnh này chỉ mới khảo sát giáo viên bậc tiểu học và THCS nhưng kết quả cho thấy chỉ có 2 giáo viên đạt chuẩn theo quy định.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, con số này khiến chúng ta phải thẳng thắn và nghiêm túc nhìn lại chất lượng giáo dục hiện nay, đặc biệt là đối với ngành sư phạm.
Nhiều giáo viên tiếng Anh không đạt tiêu chuẩn trong cuộc khảo sát.
Mướt mồ hôi chạy theo chuẩn châu Âu
Theo đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy hai bậc. Cụ thể, đối với giáo viên tiểu học, THCS phải đạt bậc 4/6 do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu đã ban hành (viết tắt là KNLNN) (CEFR B2) tương đương chứng chỉ Fce tối thiểu 60 điểm, chứng chỉ Toefl trên giấy tối thiểu 525 điểm, chứng chỉ Ielts tối thiểu 5.5 điểm, chứng chỉ Cae tối thiểu 45 điểm hoặc các chứng chỉ được công nhận tương đương khác đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 (B2) trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.
Theo quy định, giáo viên dạy tiếng Anh ở từng cấp học đều có “bậc” tham chiếu rõ ràng. Thế nhưng, ngoài các tỉnh lẻ được “điểm danh” nêu trên thì ngay cả TP.HCM, nơi được coi năng động vào loại bậc nhất cũng có đến 171 giáo viên không đạt chuẩn trong số 1100 người được khảo sát.
Tại một cuộc hội thảo triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng Bộ phận Thường trực đề án nhận định: Năng lực tiếng Anh của giáo viên hiện còn rất thấp. Giáo viên tiểu học chưa được đào tạo về phương pháp dạy tiếng Anh. Việc tuyển dụng lấy từ nhiều nguồn khác nhau dẫn thực trạng nhiều người không có nghiệp vụ sư phạm. Đây là thách thức lớn trong quá trình triển khai đề án. Giải pháp đột phá của đề án trên là tập trung vào khâu giáo viên. Trong đó, sẽ rà soát trình độ năng lực ngoại ngữ của giáo viên để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho họ.
Một giáo viên (xin được giấu tên) cho rằng, chương trình đào tạo sư phạm ở bậc ĐH, CĐ khác xa so với kiểm tra theo “chuẩn” châu Âu. Vì vậy, giáo viên không đáp ứng được chuẩn đề ra cũng là điều dễ hiểu. “Hơn nữa, học sinh giỏi tiếng Anh chỉ chọn thi vào ngành kinh tế, ngoại thương, chẳng có mấy người chịu đầu quân cho sư phạm. Ngay cả những người giỏi tiếng Anh, nhiều khi cũng không mặn mà với nghề”, vị giáo viên này phân trần.
TS. Lê Quang Vinh, giảng viên Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, công tác đào tạo tiếng Anh ở các trường ĐH hiện nay đều theo tiêu chí Việt Nam. Do đó, để giáo viên tiếp cận với chương trình đạt chuẩn quốc tế cần có thời gian và sự chuẩn bị. Trong đó, cần chuẩn bị từ khâu giảng dạy, giáo trình, đề thi, cách thức thi...
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau cuộc khảo sát, sự việc sẽ phát triển theo hai hướng. Hướng tích cực là các thầy cô sẽ thức tỉnh và phấn đấu để nâng cấp bản thân cho đạt với yêu cầu công việc. Hướng tiêu cực là sẽ có những cách nâng đỡ tinh vi hơn để thoát khỏi những đợt thanh lọc sắp tới.
“Sản phẩm” của cách đào tạo lỗi thời
Trả lời câu hỏi vì sao số lượng giáo viên đạt chuẩn thấp, giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang Trần Thanh Đức thừa nhận, kết quả dù thấp nhưng cũng là sự nỗ lực của Sởã trong vài năm gần đây, trong việc bồi dưỡng cho giáo viên. “Sản phẩm” từ các trường sư phạm đưa về, không qua bồi dưỡng sẽ không thể đạt mức này.
Ông Nguyễn Thanh Bình - giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho hay tỉ lệ giáo viên tiểu học và THCS đạt chuẩn thấp bởi hầu hết giáo viên đều tốt nghiệp các trường CĐ sư phạm địa phương. Nguồn giáo viên THPT đa dạng hơn từ nhiều trường ĐH khác nhau nên chất lượng tốt hơn. Theo ông Bình, kỹ năng mà hầu hết giáo viên không đạt đó là nghe.
Nói về đợt khảo sát này, Nguyễn Thị Hòa (giảng viên tiếng Anh tại Trung tâm EQuest- Hà Nội) cho rằng, những đợt khảo sát chất lượng là dịp thanh lọc đội ngũ giáo viên. Hơn nữa, từ kết quả đó, giáo viên tự biết trình độ của mình đang ở đâu. Những giáo viên trẻ như chúng tôi được đào tạo theo chương trình mới, được tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, còn những giáo viên được đào tạo từ những năm đầu thập kỷ 1980, không được học với người bản ngữ thì không chú trọng nghe – nói. Vì vậy, giáo viên cũng lười rèn luyện kỹ năng này. Mặt khác, họ cũng không được làm quen với dạng đề khảo sát, không được ôn tập, không được hướng dẫn...nên khi vào thi, chắc chắn sẽ trượt phần nghe, nói.
Với kinh nghiệm giảng dạy tại Trung tâm, bà Hòa chia sẻ: “Ngoại ngữ là một môn cần nhiều kỹ năng. Nếu không thực hành thường xuyên, không có môi trường rèn luyện, kỹ năng sẽ ngày càng bị mai một. Những giáo sinh mới ra trường có thể có kỹ năng nghe, nói rất tốt nhưng sau vài năm giảng dạy, sẽ bị hao mòn đi do không có môi trường rèn luyện. Chương trình dạy chủ yếu là đọc hiểu và ngữ pháp. Điều này cũng có thể lý giải vì sao các chứng chỉ quốc tế như Toeic, Toefl chỉ được công nhận giá trị trong khoảng thời gian hai năm”.
Một giáo viên hiếm hoi đạt chuẩn ở Hà Nội cho rằng: “Từ trước tới giờ, chúng ta tự “đẻ” ra chuẩn chứ không theo chuẩn quốc tế. Giáo viên được đào tạo trong trường sư phạm theo chuẩn của Việt Nam. Tốt nghiệp sư phạm, giáo viên dạy ở trường phổ thông cũng theo chuẩn đánh giá của Việt Nam. Đùng một cái ta khảo sát, yêu cầu các giáo viên phải đạt chuẩn quốc tế là điều khó hơn lên giời”.
Trước thực tế giáo viên tiếng Anh “rụng như sung” với chuẩn châu Âu, nhiều ý kiến, ngay cả các giáo viên không đạt chuẩn cũng cho rằng việc đánh giá giáo viên đạt chuẩn về tiếng Anh là công việc đáng làm.
Đỗ Thơm – Hương Lan