“Đẳng cấp” con trẻ?!
Mấy ngày nay thấy cậu con trai học lớp 4 mỗi khi đi học về nhà lại nằng nặc đòi bố mẹ mua cho một chiếc điện thoại di động, chị Nguyễn Thị Hoài (943 đường Giải phóng, Hà Nội) hết sức ngạc nhiên. Tuấn (tên con trai chị Hoài) còn "ra điều kiện" với bố mẹ, nếu không mua, cậu sẽ không đi học vì... không "đẳng cấp" bằng các bạn trong nhóm chơi thân ở lớp. Theo như lời kể của Tuấn, trong nhóm có 5 bạn thì chỉ mình Tuấn là không có di động để liên lạc với bố mẹ và nhắn tin cho bạn bè. Cậu bị nhóm "tẩy chay" vì... "nhà quê". Chị Hoài chia sẻ: "Nghe cháu kể chuyện, tôi vô cùng sửng sốt, từ trước đến giờ chưa bao giờ cháu "ra điều kiện" với bố mẹ. Lại thêm khi nghe cháu nói, mẹ phải mua Iphone cho con giống bạn H. mới "đẳng cấp", tôi không tin nổi vào tai mình. Đứa bé mới 9 tuổi mà đã a dua theo mốt con nhà giàu?".
Rất nhiều phụ huynh cho con dùng di động khi học Tiểu học - Ảnh minh họa.
Chị Hoài kể rằng, sở dĩ con trai mình đòi mua điện thoại đắt tiền vì các bạn trong lớp được bố mẹ mua cho Iphone4, Samsung Galaxy S2, Galaxy S3. "Với một đứa trẻ học tiểu học mà nhiều ông bố, bà mẹ dám mạnh tay chi hơn chục triệu để mua điện thoại cho con sử dụng là quá xa xỉ. Chiều con như vậy chỉ làm hư con, khiến trẻ không tập trung vào việc học", chị Hoài bức xúc nói.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay đối tượng sử dụng dịch vụ di động ngày càng trẻ hóa, thậm chí trẻ 6-7 tuổi đã được sở hữu một chiếc điện thoại di động đắt tiền. Tuy nhiên, với các bậc phụ huynh, việc tìm ra phương thức định hướng con em mình sử dụng điện thoại di động hiệu quả, có ích, tránh được những tiêu cực là điều không dễ dàng. Theo quan sát của PV tại trường Tiểu học B. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào giờ ra chơi. Một góc lớp, chiếc điện thoại với tính năng khác của nó - nghe nhạc, đã và đang được các em học sinh lớp 5C túm năm tụm ba hò hét theo nhạc. Ở một góc khác, điện thoại lại trở thành một máy chơi game cực kỳ hấp dẫn. Ở lớp 5C này có hơn 10 em có điện thoại di động. Dường như điện thoại di động trở thành phương tiện giải trí không thể thiếu trong giờ ra chơi... Khi được hỏi, các em đều cho biết, được vô tư sử dụng mà không chịu sự kiểm soát của bố mẹ.
Chị Lê Lan Phương (ngõ Trại Cá, phố Trương Định, Hà Nội) bộc bạch, con trai chị mới học lớp 5 nhưng được bố mẹ rất chiều chuộng. Chỉ cần con thích mua thứ gì là chị Phương đáp ứng ngay. Vốn gia đình cũng khá giả, từ khi lọt lòng đến giờ, chị luôn sắm hàng hiệu cho con. Nhìn bề ngoài, trên người cậu bé từ quần áo, giày dép, đồng hồ, điện thoại đều là hàng hiệu đắt đỏ. Nhưng cũng chỉ vì muốn con trở nên "đẳng cấp" từ nhỏ, chị Phương không ngờ rằng mình đã đẩy con trượt dần vào sự hư hỏng. Vì được mẹ tậu cho điện thoại di động từ khi mới học lớp 1 nên cậu đã trở thành con nghiện game. Hễ đến giờ ra chơi là cậu lại trúi đầu vào chiếc điện thoại để chơi điện tử. Về nhà, mắt cậu không hề rời chiếc máy tính bảng. Cũng vì thế, kết quả học tập của cậu ngày càng sa sút khiến cô giáo phải gửi thông báo về gia đình. Chị Phương rầu rĩ: "Tôi không ngờ vì suy nghĩ tạo cho con "đẳng cấp" từ nhỏ lại khiến tôi phải đau đầu vì thói vòi vĩnh, đua đòi của con. Nó trở nên xa lánh bạn bè trong lớp. Giờ hễ mua thứ gì rẻ tiền là nó bĩu môi, dè bỉu và sẵn sàng vứt đi ngay. Tôi quá khổ tâm mà không thể "cứu" con ra khỏi hai từ "đẳng cấp"".
Lợi bất cập hại
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, TS. Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý - Cục Bảo trợ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, sự bận rộn của cuộc sống hiện đại khiến việc sử dụng các phương tiện liên lạc cá nhân đem lại nhiều tiện ích. Nhiều bậc phụ huynh đã trang bị điện thoại di động cho con em mình mang đến trường để tiện liên lạc khi đưa đón, hoặc phòng sự cố xảy ra. Tuy nhiên, nhiều gia đình "có điều kiện" lại không ngần ngại chi từ 10 - 15 triệu đồng để mua cho con một chiếc điện thoại khi chúng mới lên 6-7 thì thật là nguy hiểm. Càng sai lầm hơn khi nhiều bậc phụ huynh coi việc sắm điện thoại đắt tiền cho con là để thể hiện... "đẳng cấp". Việc cho con tiếp cận với điện thoại di động đắt tiền với đầy đủ tính năng hiện đại (chơi game online, chat, vào mạng...) vô tình đã đẩy con vào vòng nguy hiểm.
Cũng theo TS. Kim Quý: "Phụ huynh thì có nhiều lý do để chiều con và họ cho rằng việc dùng di động không có hại gì cả. Tuy nhiên, tôi muốn lấy một hình ảnh so sánh đó là khi con còn nhỏ, người mẹ dắt tay con ra đường thì không ai muốn đứa trẻ đó đi một mình sẽ bị lạc, cũng như việc cho con sử dụng điện thoại đắt tiền với đầy đủ tính năng internet chẳng khác gì "con đường ảo" thì không ai muốn bỏ tay con ra quá sớm. Vì thế, việc phụ huynh cho trẻ tiếp xúc điện thoại quá sớm vô tình sẽ khiến con vấp phải những tệ nạn do mạng ảo đem lại".
Theo cảnh báo của BS. Nguyễn Thu Hà - bệnh viện Xanh Pôn, với nhịp độ phát triển của đời sống xã hội và viễn thông, việc sở hữu và sử dụng điện thoại di động ngày nay quá dễ dàng. Nhiều phụ huynh đã dạy con cách sử dụng điện thoại và thậm chí cho con sở hữu 1 chiếc để sử dụng bất cứ lúc nào ngay từ khi con mới 6-7 tuổi. Tuy nhiên, sự chiều chuộng này lại vô tình có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con trong tương lai. "Tôi đã đọc một báo cáo của Anh năm 2000, các bác sĩ nhi khoa đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên cho trẻ sử dụng điện thoại di động trong những trường hợp khẩn cấp. Nếu sử dụng trước tuổi 20 sẽ làm tăng gấp 5 lần nguy cơ u thần kinh đệm. Trẻ em dưới 12 tuổi không nên sử dụng điện thoại di động, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, thanh thiếu niên dưới 20 tuổi cũng nên hạn chế. Sau độ tuổi 20, việc sử dụng điện thoại di động sẽ giảm dần các nguy hiểm vì lúc này não đã được phát triển đầy đủ. Và, đầu năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, điện thoại di động có thể gây ung thư não. Tuy nhiên, những mối nguy hiểm dài hạn của điện thoại di động với sức khỏe trẻ em vẫn còn đang được tiếp tục theo dõi", BS. Hà dẫn chứng.
Đẩy con vào nguy hiểm Trước xu hướng cho trẻ sử dụng điện thoại di động, TS. Kim Quý cho rằng, vấn đề phụ huynh cần lưu tâm là làm sao để con cái sử dụng điện thoại an toàn, tránh được những nguy cơ từ game, hình ảnh và những tin nhắn có nội dung không lành mạnh; làm sao để quản lý hạn mức cước của điện thoại. Đừng nghĩ rằng mua cho con di động thì bỏ mặc con muốn làm gì thì làm, như vậy chẳng khác gì hại con. Ngoài ra, với chiếc điện thoại đắt tiền trên tay, con trẻ có thể trở thành nạn nhân của một vụ cướp giật mà thủ phạm là đối tượng nghiện hoặc hám tiền. Nếu đúng như vậy thì cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Các bậc phụ huynh hãy cân nhắc kỹ trước khi tạo "đẳng cấp" cho con. |
Ngân Giang
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.