Vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 225 cơ sở, trong đó tiến hành xử phạt 18 cơ sở vi phạm với số tiền gần 70 triệu đồng. Đoàn cũng tiến hành niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Trong só đó có những mẫu rượu có vượt ngưỡng methanol lên đến 2.000 lần. Đây là điều vô cùng nguy hiểm.
Đặc biệt, hầu hết những chủ nhà hàng khi bị phát hiện rượu có chứa hóa chất methanol vượt ngưỡng đều khai báo với cơ quan chức năng rượu lấy từ quê, hoàn toàn không có nguồn gốc xuất xứ, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Methanol là 1 trong 366 hóa chất độc phải khai báo, được kiểm soát bởi Nghị định số 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 40/2011/TT-BCT bộ Công Thương. Theo số liệu của bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 40 doanh nghiệp nhập khẩu methanol từ các nước Brunei, Malaysia, Indonesia với giá với lượng nhập khẩu dao động từ 50.000 đến 90.000 tấn/năm phục vụ cho sản xuất keo dán gỗ, tổng hợp propylene, sản xuất formadehyde... |
Theo quy định hiện hành, việc mua bán methanol phải có phiếu kiểm soát, phải có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc lưu thông trên thị trường.
Theo đó, với phiếu mua bán có các thông tin được lưu giữ trong thời gian 5 năm (số lượng hóa chất, mục đích sử dụng, ngày giao hàng, giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua, bên bán), cục Hóa chất có đầy đủ các thông tin về “đường đi” và “điểm đến” đầu tiên của methanol để cung cấp cho các cơ quan chức năng kiểm tra khi cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế việc mua bán methanol nhỏ lẻ hầu như không có sự kiểm soát từ phía cơ quan chức năng. Khảo sát thực tế, chúng tôi có thể mua methanol rất dễ dàng tại các cửa hàng bán hóa chất ở bất kỳ đâu. Theo khảo sát, một phần nguyên nhân phổ biến chất độc này ra cộng đồng bởi giá rẻ và rất dễ mua.
Tại Hà Nội, nếu chợ Đồng Xuân và phố Hàng Buồm được coi như “phố phụ gia, hóa chất thực phẩm” thì phố Hàng Hòm lại tập trung dày đặc các cơ sở kinh doanh bán buôn phụ gia, hóa chất công nghiệp, các loại cồn khô, cồn lỏng công nghiệp (methanol, ethanol) hoặc kinh doanh lẫn với dung môi công nghiệp ngành sơn, mực in…
Trong vai một lái buôn đi khảo giá, chúng tôi có mặt trên phố Hàng Hòm và được các tiểu thương ở đây giới thiệu đủ các loại cồn.
Theo chủ cửa hàng T.H, ngay đầu phố, giới thiệu: “Methanol hay ethanol ở đây đều có bán, nếu mua nhiều thì giao hàng tận nhà không tính phí vận chuyển”.
Không đợi chúng tôi hỏi mua làm gì, một nhân viên còn nửa đùa nửa thật: "Anh mua về pha rượu à?". Chúng tôi tỏ vẻ tròn mắt: "Cái này pha rượu được à?". Anh nhân viên này thủng thẳng: “Cái này người ta mua về pha rượu đầy!”.
Đối với giá bán lẻ, chúng tôi khảo giá qua 3 cửa hàng cho thấy, giá methanol lỏng công nghiệp trên phố Hàng Hòm giá dao động từ 14.800 đồng/lít đến 20.000 đồng/lít. Qua quan sát, hàng chục can phụ gia, hóa chất dạng lỏng loại 20lít màu trắng bày tràn cả ra vỉa hè, không hề dán nhãn mác.
Khách hàng nếu không có chuyên môn không thể biết được đâu là methanol, đâu là ethanol, acetone hay hóa chất khác. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, với giá kinh doanh, các cửa hàng nhập vào giá cồn methanol rất rẻ chỉ có 9.000 đồng/lít.
Tại cửa hàng nằm giữa phố Hàng Hòm, chúng tôi chứng kiến nhân viên một cửa hàng hóa chất đang dồn, san chiết các can phụ gia, hóa chất công nghiệp ngay trên vỉa hè.
Hỏi mua methanol, nhân viên cửa hàng này báo giá 20.000 đồng/lít, nếu mua buôn hoặc mua với số lượng lớn giá sẽ giảm xuống cho 1 can 30 lít.
Nhìn can chất lỏng chỉ được chú thích bằng bút dạ, chúng tôi hỏi thêm: “Can không dán nhãn mạc thì sao có thể phân biệt được methanol với thứ khác?”.
Nhân viên vận chuyển giải thích cho chúng tôi theo kiểu rất chung: “Ở đây cửa hàng nào cũng vậy, cả chục năm chở methanol rồi nhầm sao được. Mỗi ngày ở cửa hàng bán ra cả trăm lít mà có thấy ai kêu ca rằng mình mua phải hàng giả đâu. Với lại nếu anh mà không biết chất nào với chất nào thì anh mua làm sao được?”.
Khi được hỏi cách phân biệt ethanol và methanol, cả chủ và nhân viên cửa hàng đều thủng thẳng: “Uống vào thì biết.” Việc mua bán diễn ra cũng rất nhanh, chúng tôi mua 2 lít về “dùng thử trước” với giá 30.000 đồng, cùng với đó là lời hẹn mua 200 lít vào tuần sau.
Tất cả giao dịch, kể cả 200 lít sau này đều không hề có hóa đơn chứng từ hay chứng minh nhân dân của người mua theo quy định của Nhà nước.
Không chỉ các cửa hàng, đại lý tại Hà Nội, rất nhiều các tỉnh thành khác như Hải Dương, Hưng Yên việc mua hóa chất cũng rất dễ dàng. Khảo sát từ các công ty, cửa hàng hóa chất, các loại cồn công nghiệp như methanol hay kể cả cồn thực phẩm ethanol đều có giá rất rẻ. Các loại phụ gia, hóa chất công nghiệp cũng được mua bán như mua mớ rau, con cá ngoài chợ.
Việc người mua làm gì, sử dụng ra sao gần như không có sự kiểm soát chặt chẽ. Với việc pha cồn, rượu với nước lã, nhiều nhà buôn đã kiếm siêu lợi nhuận thì việc để họ có “lương tâm” khi sử dụng methanol là rất khó.
Trong khi đó, theo quy định, các cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia nói chung phải đăng ký kinh doanh và tuân thủ quy định chỉ kinh doanh những loại hóa chất nằm trong danh mục được phép kinh doanh, đặc biệt là hóa chất, phụ gia thực phẩm.
Tuy nhiên theo một cán bộ quản lý thị trường Hà Nội, thực tế việc tuân thủ này đến đâu rất khó quản lý, việc hóa chất được mua về nhằm sử dụng vào mục đích nào lại càng khó kiểm soát hơn.
Thêm 4 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì rượu methanol Từ ngày 22/2 đến ngày 8/3, tại trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 14 ca ngộ độc loại rượu có Methanol, trong đó có một số trường hợp đã tử vong hoặc gia đình xin về. Các bệnh nhân đều bị ngộ độc sau khi uống rượu mua tại các cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, trong đó, 7 trường hợp mua rượu trên địa bàn quận Đống Đa. Trong đó, chỉ tính riêng từ ngày 6 – 8/3, trung tâm đã đã tiếp nhận thêm 4 nạn nhân ngộ độc rượu Methanol. Đến chiều 9/3, nạn nhân H.V.Q đã được gia đình xin về nhà vì tiên liệu không qua khỏi. Các ca còn lại có 2 ca được chỉ định lọc máu cấp cứu và 1 ca vẫn trong tình trạng hôn mê sâu và có tiên lượng rất xấu. |
Xem thêm:>>> Bác sĩ BV Bạch Mai hỗ trợ điều trị nạn nhân vụ ngộ độc ở Lai Châu
L.C - V.P