Trò chơi... gia đình
Phần lớn các teen vẫn xưng hô với nhau bằng "ấy-tớ", "bạn-mình", rồi thân thiết hơn là "tôi-bà". Nhưng cách xưng hô ấy đã bị coi là "cổ lỗ sĩ". Dạo quanh các mạng xã hội như Facebook, Wechat hay các diễn đàn tuổi teen, nhiều người cảm thấy “hoa mắt” với các kiểu xưng hô của giới trẻ. Họ xưng hô Vk-Ck (tức là vợ chồng), Ox-Bx (tức là ông xã, bà xã) tự nhiên như người lớn.
Giới trẻ đang loạn xưng hô (Ảnh minh họa)
Và chẳng biết từ bao giờ, trò chơi “gia đình” phổ biến với teen. “Ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác”, chẳng thiếu một “vai vế” nào trong dòng họ được sử dụng trong mối quan hệ bạn bè của teen. Nhiều người cho rằng, có cách xưng hô này là do bị ảnh hưởng bởi các nhân vật trong truyện tranh manga của Nhật.
Mỹ Trang (Lớp 10, trường PTTH Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: “Cả nhóm của em đều thích xem phim Hàn, nên cứ đến lớp là em bị các bạn gọi là “upa”. Vì em cắt tóc tém và hay mặc quần Jean đi học, trông rất giống con trai. Ban đầu thì thấy rất lạ, nhưng gọi quen rồi thì thích, giờ thì không ai gọi em là Mỹ Trang nữa, mà các bạn cứ gọi em là “Upa” thôi”.
Hân Ngọc (trường Đống Đa) thì chia sẻ: "Cách gọi này là một kỷ niệm đẹp trong tuổi học trò, cách gọi nhau như trong gia đình sẽ làm các thành viên trong lớp gắn kết nhau hơn. Ngoài cách gọi như các thành viên một nhà, các bạn còn có kiểu gọi nhau như “các bạn trẻ”, “các tình yêu” hay “nhà mềnh”…
Dở khóc dở cười
Cách gọi tên của các bạn trẻ làm người khác hiểu lầm. Minh Hà, sinh viên khoa Pháp, trường Đại học Hà Nội cho biết, có lần một người nước ngoài biết tiếng Việt vào trường chơi, anh ta vô cùng ngạc nhiên và hỏi người đi cùng: "Có phải các bạn trẻ ở đây lập gia đình khá sớm?". Bởi anh này nghe các bạn sinh viên gọi nhau: "Vợ ơi" hay "Chồng ơi" một cách thoải mái.
Trên webtretho, một phụ huynh tên Vân Anh kể lại rằng, một lần nghe thấy con gái học lớp 10 nói chuyện điện thoại xưng là “ông xã, “bà xã”, chị mới tá hỏa. Tra hỏi con gái, thì được biết đây là cách gọi thân mật giữa cô và một cậu bạn thân.
Có nhiều chuyện bi hài xảy ra khi cách xưng hô bị hoán đổi. Nguyễn Việt Cường (Đống Đa, Hà Nội) kể rằng, lần đầu tiên anh đến nhà cô bạn gái chơi thấy một cháu bé khoảng 3 tuổi gọi cô bạn bằng... “mẹ”. Chưa hết sốc thì một lúc sau, một người tự nhận là bạn thân của cô gái kia cũng đến chơi. Đứa trẻ kia lại gọi người này là “ba” và ôm hôn thắm thiết. Cường thấy rất hoảng. Dù được giải thích là trò chơi vợ chồng nhưng anh cũng thấy không thoải mái.
Cần tránh những hiểu lầm không đáng có Nhà tư vấn tâm lý Trần Tuyết Anh, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm chia sẻ: “Đối với các bạn trẻ yêu nhau, việc thay đổi cách xưng hô thể hiện mối ràng buộc, tính sở hữu cao hơn. Đó cũng là một sự trải nghiệm mới trong tâm lý và hành động. Tất cả bắt nguồn từ sự ham muốn làm người lớn của các em. Xưng là chồng, tức là phải có trách nhiệm cao hơn là người yêu, xưng là vợ thì vợ cũng phải tỏ rõ dáng của người vợ là ngoan và biết nghe lời. Cần định hướng cho các em cách xưng hô hợp lý, để tránh những hiểu lầm không đáng có”. |
Lạc Thành