Dù có vẻ khó nghe do sự "trúc trắc" của các âm tiết nhưng nếu đã hiểu và yêu tiếng Nghệ (Nghệ Tĩnh, nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) thì hẳn nhiều người sẽ luôn nhớ mãi về nơi "Non xanh nước biếc như tranh họa đồ" ấy. Sự sáng tạo cuốn "từ điển" tiếng Nghệ ra đời cũng phần nào giúp chúng ta hiểu và yêu hơn mảnh đất đầy nắng và gió này.
Học "Nghệ ngữ" để... yêu
Thanh Nga (Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Vinh (Nghệ An). Khi gặp PV, cô kể về kỷ niệm của mình: "Cách đây mấy năm, em "khăn gói" vào Đại học Vinh để học. Ban đầu, em thấy tiếng Nghệ An rất khó nghe, thậm chí đến mức gần như không hiểu gì. Nhưng sau đó, do được các bạn giúp đỡ nên em đã quen. Đặc biệt, trên mạng có rất nhiều trang có "từ điển Nghệ An", những lúc rảnh rỗi, em thường vào xem để hiểu hơn giọng nói và ý nghĩ các từ. Giờ thì em có thể tự tin để nói và nghe như người Nghệ rồi!".
Trên diễn đàn của giới trẻ, không khó khăn gì khi bắt gặp những dòng chia sẻ "đậm chất teen" như: "Tau nghe tiếng Nghệ bây mà chả hiểu răng rứa? Nghe mấy thằng bạn gọi điện thoại về quê mà như gọi sang Anh, Pháp ý",
"Đúng là nhiều đứa bạn mình nói chuyện với mình vẫn còn chất Nghệ nhưng vẫn hiểu được. Mấy đứa cùng phòng, cùng quê mà nói chuyện với nhau thì thôi rồi", "Hồi học đại học, nghe hai ông Nghệ An cãi nhau, họ nói nhanh nên nghe chẳng hiểu gì, ngang ngửa kiểu nghe người nước ngoài nói chuyện"…
Ngọc Lâm (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: "Em đang quen và hẹn hò với một bạn người Nghệ An. Nhiều lúc bạn ấy nói nhanh, em không hiểu gì, cứ đứng "ngẩn tò te" ra. May quá, có từ điển tiếng Nghệ như thế này, em sẽ học hỏi thêm để hiểu bạn gái hơn. Chẳng hiểu sao khi yêu người, em yêu luôn cả cái giọng "nặng trịch" nhưng rất dễ thương của bạn ấy…".
Nhiều bạn trẻ cho biết, người lập ra từ điển này là một người rất am hiểu tiếng Nghệ An và ngôn ngữ chung. Cách viết dễ hiểu và hợp với sự tiếp nhận của giới trẻ. Thậm chí trên website vidamdodua… có tác giả còn viết dài kỳ về từ điển tiếng Nghệ An gồm giọng Nghệ, tiếng Nghệ, ngôn ngữ riêng của người Nghệ… làm cho độc giả cảm thấy rất thích thú.
Hà Linh (Khoa ngôn ngữ học, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Việt Nam có sự đa dạng trong ngôn ngữ, mỗi vùng mỗi miền có những bản sắc văn hóa riêng, trong đó tiếng địa phương (phương ngữ) là một trong những nét tinh hoa quý báu cần được bảo tồn trên cơ sở "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", trong đó có tiếng Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ diển tiếng Nghệ ra đời giúp chúng em hiểu hơn và yêu hơn về giọng nói quê hương Bác Hồ".
Những quy tắc thú vị trong tiếng Nghệ
Trong phần hướng dẫn đọc và hiểu tiếng Nghệ An, người viết từ điển cũng đưa ra một số công thức để người đọc dễ hiểu từ âm tiết, các dấu, đến ngữ điệu để đọc. Lời giới thiệu hài hước của từ điển cũng làm các bạn trẻ mê mẩn: Tiếng Nghệ Tĩnh về cơ bản là giống với các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế), các từ cơ bản là "mô, tê, răng, rứa".
Ảnh minh họa
Đặc biệt, từ "nỏ" (nghĩa là "không") trong tiếng Nghệ Tĩnh là từ tiếng Việt duy nhất được người Anh vay mượn nhưng mà chưa thấy trả. Chuyện kể rằng vào thế kỷ XVI, một nhà thám hiểm người Anh tên là Francis Drake trong chuyến hành trình vòng quanh thế giới của mình đã cập cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Tiếp xúc với người dân nơi đây, ông ta thấy tiếng Nghệ Tĩnh nghe rất hay và dễ thương, thế là đòi học cho bằng được. Sau thời gian dùi mài kinh sử, ông đã đọc thông viết thạo tiếng Nghệ Tĩnh, thi INLTS (International Nghệ Tĩnh Language Testing System) được 9.0, thi TONIC (Test of Nghệ Tĩnh for International Communication) được 990 điểm!".
Về âm điệu, trong “từ điển tiếng Nghệ” cũng ghi rõ: "Dấu ngã (~) thành dấu nặng (.) nên mới nghe giọng Nghệ An và Hà Tĩnh nặng trình trịch (ở một số vùng, dấu hỏi (?) cũng nói thành dấu nặng (.). Các phụ âm s và x, tr và ch, r và d, người Nghệ Tĩnh phát âm rất rõ ràng (nên viết ít sai)"…
Trên một diễn đàn, có bài thơ chàng trai Nghệ "tán" cô gái Bắc thế này: "Nghe em giọng Bắc êm êm/Bà con hàng xóm đến xem chật nhà/Khi "mô" sang "nhởi" nhà "choa"/Bà "o" đã nhốt "con ga" trong chuồng!/Em cười bối rối mà thương/Thương em một, lại trăm đường thương quê/Gió lào thổi rạc bờ tre/Chỉ qua giọng nói cũng nghe nhọc nhằn/Chắt từ đá sỏi đất cằn/Nên yêu thương mới sâu đằm đó em...".
Tôi còn nhớ một bài thơ lưu truyền từ lâu trong giới sinh viên rằng: "Con trâu" thì gọi là "tru"/"Con giun" thì gọi là "trùn" đó nha/"Con gà" thì kêu "con ga"/Còn con "cá quả" gọi ra "cá tràu"/"Con sâu" lại gọi là "trâu"/"Bồ câu" thì gọi "cu cu" đó nà/"Con ruồi" lại gọi là "ròi"/"Con troi" thì gọi "con giòi" nhớ chưa/"Con bê" còn gọi là "me"/Con "mọi" là "muỗi" khi nghe đừng cười/Mà cười là choa chửi thẳng tưng/"Trốc cha mi khái cạp" là "đầu bố mày hổ tha…".
Chính những suy nghĩ rất cởi mở của các bạn trẻ là muốn tìm hiểu và học hỏi thêm văn hóa giao tiếp và ngôn ngữ vùng miền mà "Từ điển tiếng Nghệ An" được các bạn trẻ rất ủng hộ. Ngày càng có nhiều diễn đàn mở thêm box để các thành viên trao đổi việc học "Nghệ ngữ”. Điều đặt biệt là những topic này luôn thu hút được lượng bình luận lớn.
Học thêm tiếng nói của một địa phương chính là hiểu thêm về văn hóa của mảnh đất ấy. Học để nghe và hiểu được tiếng Nghệ lại chẳng dễ chút nào, bởi mỗi nơi mỗi vùng, âm điệu, từ ngữ luôn có sự khác biệt nên "Nghệ ngữ" đang "hút hồn" giới trẻ…
Bản sắc riêng biệt của "Nghệ ngữ" PGS.TS Phan Mậu Cảnh (Khoa Ngữ văn - Đại học Vinh) cho biết: "Tiếng Nghệ có bản sắc và quy luật rất riêng, dường như trong mỗi âm tiết, cách phát âm của người Nghệ nặng hơn so với tiếng của các vùng khác. Lịch sử ngôn ngữ đã chỉ ra rằng, do hình thế địa lý, nguồn nước nên tiếng Nghệ mới "trúc trắc" như vậy. Có thể nói, xứ Nghệ đã đóng góp cho vốn từ tiếng Việt một số lượng không phải là ít. Có thể khẳng định rằng, phương ngữ Nghệ Tĩnh là một trong những phương ngữ dẫn đầu về số lượng từ vựng. Chính sự độc đáo về ngôn ngữ này đã hình thành nên tính cách đặc trưng của người dân nơi đây: Quyết đoán, chịu thương chịu khó, vươn lên trong mọi khó khăn của cuộc sống…". |
Lạc Thành