1. Sau khi đánh tan nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long và mở ra một triều đại có thể nói là khắc nghiệt nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Là kinh đô, Huế là biểu tượng của nhà nước quân chủ chuyên chế. Thậm chí, một trong những công trình tiêu biểu của cố đô này là Khiêm lăng, nơi an nghỉ của Tự Đức - chắt nội Gia Long – rộng tới 12 ha, gắn liền với lời oán thán: Vạn niên là vạn niên nào/Thành xây xương lính hào đào máu dân. Sự oán giận bùng phát bằng việc 3.000 lính, thợ nghe theo lời hiệu triệu phản kháng của anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực kéo về tấn công kinh thành mà sử gọi là loạn "Giặc chày vôi” vì vũ khí của quân khởi nghĩa là chày.
Đàn Xã tắc và cầu vượt mà Hà Nội định xây dựng. Ảnh minh họa
Với gốc tích như thế, theo logic của “Hiệp hội lái xe Hà Nội”, giữ lại Cố đô Huế thì được tích sự gì? Cố đô Huế xứng đáng bị đập bỏ, để “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến thối nát trong tâm thức người dân” (trích công văn Hiệp hội Vận tải Hà Nội gửi UBND thành phố, bày tỏ quan điểm ủng hộ xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc). Thế nhưng, cũng ở cái “trung tâm quyền lực thối nát” ấy, mới vài thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu, giới bảo tồn và người dân Huế đã đau đớn biết chừng nào khi Đàn Nam giao – nơi các vị vua triều Nguyễn cúng tế trời đất vào mùa xuân hàng năm – bị phá bỏ.
Và cũng theo cái logic ấy, phần còn lại của Nhà tù Hỏa Lò ở giữa lòng Thủ đô hay nhà tù Côn Đảo, một địa ngục trần gian… và vô vàn công trình khác gắn với quá khứ tàn bạo và đau thương cũng nên xóa bỏ?
Theo logic của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, có thể suy luận là Nhà nước nên giải tán luôn cố đô Huế vì chẳng có tích sự gì.
2. Quá khứ - lịch sử là ký ức của mỗi con người, mỗi quốc gia dân tộc. Quá khứ, dù đau thương hay đẹp đẽ, người ta cũng không bao giờ tìm cách chối bỏ, tìm cách quên đi. Mất ký ức, chỉ có thể là những kẻ không bình thường đáng thương. Còn như nhà sử học Dương Trung Quốc, người nổi tiếng sắc sảo và lịch lãm, hẳn phải rơi vào tình trạng không kiểm soát được cảm xúc, phải rất giận dữ thì mới thốt lên những lời cay nghiệt đến thế: “Người NGU mới nói phá Đàn Xã tắc để xóa tàn dư phong kiến!”.
Là một trong các loại đàn tế cổ, đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất) và Tắc thần (tức Thần Nông) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Theo tác giả Đào Duy Anh trong Từ điển Hán Việt, “Xã tắc” có nghĩa là “Thuở xưa dựng nước (....). Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”.
Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô Việt Nam và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn Sơn hà Xã Tắc
Phong kiến, không là thứ gì xấu xa. Đó là hình thái thứ hai trong số các hình thái kinh tế - xã hội của loài người kể từ khi thoát thai khỏi xã hội nguyên thủy mông muội. Hình thái ấy, là sự tất yếu mà các dân tộc văn minh đều phải trải qua.
Ở Việt Nam, dẫu còn nhiều tranh cãi ở góc độ khoa học, nhưng cơ bản, người ta đều thừa nhận, chế độ phong kiến hình thành và phát triển trong thời kỳ từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX sau đó dưới chế độ thực dân (từ thời nhà Ngô đến nhà Nguyễn). Hình thái kinh tế - xã hội phong kiến gắn liền với nhà nước phong kiến đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, chính thức là từ ngày 2/9/1945 nhưng trên thực tế, nó đã đánh mất vai trò sau 56 năm kể từ ngày Hoàng đế Gia Long lên ngôi, khi không lãnh đạo, không thống nhất được ý chí dân tộc để chống ngoại xâm.
9 thế kỷ ấy, các triều đại phong kiến đã đạt được nhiều đỉnh cao rực rỡ: Ngô Quyền mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc. Nhà Lý là công cuộc định đô Thăng Long. Ba lần chiến thắng Đế quốc Nguyên Mông là chiến công hiển hách trong lịch sử nhân loại của nhà Trần. Chế độ phong kiến Việt Nam đạt đỉnh cao vào thời Lê.
Nhà Nguyễn, dẫu gây nhiều tranh cãi, nhưng là triều đại đã mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước có hình hài như ngày hôm nay…
Đừng bắn súng lục vào quá khứ!
3. Và người ta cũng không thể đắm chìm trong ký ức. Nhưng không thể gọi các đấng tiên đế lên để tra vấn “sao lại chọn xây Đàn Xã tắc ở chỗ đó”. Vậy thì chỉ có thể quy trách nhiệm cho tầm nhìn hữu hạn của các nhà quản lý, các chuyên gia quy hoạch.
Ông Nguyễn Hoàng Long – phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã bày tỏ một cách khôn ngoan: “Quan điểm chung của lãnh đạo thành phố là bảo tồn giá trị lịch sử, những gì đã ghi dấu ấn từ thế hệ cha ông, điều đó là rõ ràng không phải bàn cãi. Cho nên sự phát triển luôn phải hài hòa với sự bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của đất nước”.
Nguyễn Thành Lân