Cuộc điều tra được phát sóng trên kênh Four Corners của đài ABC, Mỹ mới đây cho thấy, các doanh nghiệp của Bình Nhưỡng hoạt động cực kỳ hiệu quả ở nước ngoài.
Nhà phân tích quốc phòng Andrea Berger, một trong những người tham gia điều tra, cho biết: "Nhiều người nghĩ Triều Tiên bị cô lập với cộng đồng quốc tế, không có quan hệ thương mại với thế giới bên ngoài trừ Trung Quốc, nhưng sự thật lại không phải như vậy. Triều Tiên đang kinh doanh ở nước ngoài và rất giỏi trong việc che giấu hoạt động này".
Nhà phân tích Andrea Berger cho rằng hoạt động kinh doanh của Triều Tiên kéo dài đến tận châu Âu.
"Công ty bảo hiểm quốc gia Triều Tiên có thể hoạt động ở Anh. Người ta không tin Triều Tiên có liên kết chặt chẽ với Mỹ (theo nghĩa thông thường), nhưng chúng ta đã thấy Triều Tiên có thể tiếp cận các sản phẩm của Mỹ”, bà Andrea Berger cho biết.
Có tới hàng chục nghìn người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài. Phần đông số lao động này làm việc tại Nga và Trung Quốc, trong các khu công nghiệp dệt may, công trường xây dựng. Một số bác sĩ Triều Tiên làm việc tại Campuchia và Libya.
Còn nghề xây tượng, điêu khắc dành cho người nước này làm việc ở Senegal và Namibia.
Ngoài ra, có một số người làm việc tại Mông Cổ và Qatar.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên hôm 3/9.
Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên.
Năm ngoái, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng, chiếm hơn 1/4 nguồn thu nhập từ xuất khẩu của Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng, tính từ ngày 1/10 và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 1/1 năm sau.
Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng một năm.
Nghị quyết cũng yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo lên Liên Hợp Quốc số lượng người Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng.
Hồi tháng Tám, các biện pháp trừng phạt theo nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua là cấm nhập khẩu than, quặng sắt và hải sản của Triều Tiên.
Lệnh trừng phạt cứng rắn mới được thông qua này có nguy cơ tác động sâu rộng tới các nguồn thu của Triều Tiên.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp trừng phạt không tác động gì nhiều đến quốc gia kỳ lạ và bí ẩn này.
Xem thêm >> Lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên: Bình Nhưỡng ứng phó ra sao với "đòn chí tử"?
V.T.H