> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Pháp luật hiện hành cũng không hạn chế hoạt động thành lập công chứng tư. Tuy nhiên, "thượng vàng hạ cám", do công nghệ ngày càng "lên đời", thật khó để phát hiện ra đâu là chữ ký giả, con dấu giả nếu chỉ bằng mắt thường. Nhiều người không khỏi quan ngại về công tác thẩm định văn bản cũng như những bất cập trong công tác công chứng tư hiện nay.
Loạn giá công chứng tư
Sau 5 năm Luật Công chứng đi vào cuộc sống, nhu cầu công chứng các bản dịch, hợp đồng bất động sản, hợp đồng kinh tế ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng ngày càng phát triển. Không thể phủ nhận những hiệu quả mà dịch vụ này mang lại. Tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí, tránh mất tiền oan vào tay "cò", hoạt động công chứng tư còn là "lá chắn" hữu hiệu về mặt pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch từ dân sự đến kinh tế. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, vẫn có không ít "con sâu" đang tồn tại trên mảnh đất được cho là "màu mỡ" này. Đến với công chứng tư, khách hàng không chỉ đối mặt với tình trạng lệ phí mỗi nơi một mức mà còn phải đương đầu với nhiều bất cập, nếu không muốn nói là rủi ro.
Để tìm hiểu thực trạng trên, PV báo Người đưa tin đã thử nhập vai "thượng đế" đến một số văn phòng công chứng tư tại Hà Nội. Tại một văn phòng công chứng trên phố Nguyễn Ngọc Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) chúng tôi gặp một khách hàng là chị Nguyễn Thị Lan (địa chỉ KĐT Trung Hòa Nhân Chính). Chị Lan cho biết: "Việc mở các văn phòng công chứng tư giúp cho việc giao dịch của người dân được thuận tiện. Tuy nhiên tôi thấy vẫn còn rất nhiều kẽ hở và bất cập. Dễ dàng nhận thấy nhất là giá cả. Dường như có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng".
Theo lời chị Lan, mặc dù Nhà nước đã quy định cụ thể, rõ ràng về mức phí nhưng thực tế mỗi văn phòng lại thu một giá. "Tôi có một căn nhà tại Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội). Hiện gia đình tôi vẫn đang sống ở đó, nhưng chồng tôi đã mất cách đây ít lâu và không để lại di chúc. Hiện tại, mẹ chồng tôi đang sống ở Vĩnh Phúc cùng với con trai út.
Luật Thừa kế quy định: Mẹ chồng tôi, tôi và các con tôi được hưởng thừa kế ngôi nhà đó. Đề phòng sau này gặp những kiện cáo phát sinh, tôi đã đến nhờ phòng công chứng tư công chứng cho tôi bản di chúc của mẹ chồng với nội dung: Cho tôi phần tài sản mà mẹ tôi được hưởng trong khối tài sản lớn đó là ngôi nhà ở Hà Nội để việc bán nhà của tôi được thuận tiện và hơn nữa để phù hợp với quy định của pháp luật. Khi tôi đặt vấn đề đó với phòng công chứng H., công chứng viên Nguyễn Thị M. tiếp tôi và cho biết: "Giá của công ty quy định là 3 triệu đồng nhưng do phải đi xa nên "đội" thành 7 triệu đồng. Dù mức giá khá đắt nhưng tôi vẫn phải móc hầu bao chi một khoản tiền gấp rất nhiều lần so với thực tế đã quy định để công việc được thuận lợi".
"Sau khi làm thủ tục, tôi cùng chị M. đi lên Vĩnh Phúc, nơi mẹ chồng tôi đang sinh sống để làm thủ tục công chứng. Hành trang chị M. mang theo khi "tác nghiệp" vẻn vẹn gồm một tờ giấy và con dấu. Tới nơi, chị M. làm thủ tục lăn tay cho mẹ chồng tôi, gia đình tôi cũng gọi vài người sang làm chứng. Công việc diễn ra suôn sẻ, chị M. nói: "Chị tính, giá quy định là một chuyện, giá cả thực tế một ngôi nhà là bao nhiêu? Cứ thế chị nhân mét vuông lên thì biết bao nhiêu tiền. Mức giá bọn em làm là hữu nghị rồi đó chị!". Cũng may không gặp trục trặc gì. Ngẫm lại, chẳng ai là không tốn tiền nếu phải công chứng những giao dịch liên quan đến mua bán nhà cửa", chị Lan thở dài khi kể lại chuyện cũ.
Còn nhiều "hạt sạn" từ dịch vụ công chứng tư. (Ảnh minh họa nguồn Internet).
Trên thực tế, người dân đến các văn phòng công chứng chủ yếu vì không muốn tốn công chờ đợi. Lợi dụng tâm lý này, các văn phòng công chứng tư đã tung giá "trên trời" với các "thượng đế". Anh Phan Mạnh Tùng (Hà Nội), hiện là trưởng phòng kế hoạch của một công ty xây dựng tại Hà Nội nên anh phải thường xuyên giao dịch những hợp đồng về bất động sản, hợp đồng kinh tế. Anh Tùng chia sẻ: "Tôi may mắn được học qua ngành luật nên cũng am hiểu đôi chút về những điểm cơ bản mà luật pháp quy định. Văn bản công chứng được coi là những chứng cứ không phải chứng minh, là "lá chắn" pháp lý an toàn cho các cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, mỗi lần đi công chứng, tôi phải đến nhiều địa điểm khác nhau để kiểm tra chéo. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là giá cả thất thường, hóa đơn chứng từ lộn xộn. Tôi không phải là người chịu trách nhiệm trong việc công chứng sai với những hợp đồng gốc, hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng tôi thấy quan ngại cho việc công chứng hiện nay, nhất là công chứng tư".
Chết 5 tháng vẫn sống lại nhờ... công chứng!?
Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực (ngày 1/7/2007), các văn phòng công chứng tư ồ ạt ra đời, đáp ứng nhu cầu của tổ chức cá nhân khi thực hiện các ký kết hợp đồng giao dịch. Tuy nhiên, hình thức này bộc lộ nhiều bất cập và tiềm ẩn không ít nguy cơ. Thực tế, đã có không ít bài học đau đớn mà nguồn cơn xuất phát từ dịch vụ công chứng tư.
Một chuyện "vô tiền khoáng hậu" xảy ra ngay tại Thủ đô cách đây ít lâu mà chúng tôi được một người bạn kể lại. Người này nói đùa: "Nhà báo phải giật cái tít là "Chuyện thật như bịa, người chết 5 tháng vẫn sống lại nhờ... công chứng". Sự là, một chị tại Hà Nội có một ngôi nhà mặt phố có giá trị lớn. Chồng chị này lâm bệnh mất cách đây khá lâu và không để lại di chúc. Mẹ chồng cũng mới mất được khoảng 5 tháng và không kịp di chúc lại ngôi nhà cho ai. Kết cục, ngôi nhà bị anh em trong gia đình nhà chồng tranh chấp, ai cũng muốn có phần. Vốn sống hòa thuận, động đến lợi ích kinh tế cả nhà bỗng quay ra xích mích, mất đoàn kết.
Không muốn ngôi nhà hương hỏa bị chia năm xẻ bảy, chị này đã nhờ đến văn phòng công chứng tư... "làm" di chúc cho mẹ. Nhưng điều trái khoáy, mẹ chị đã mất và không thể "cải tử hoàn sinh" được. Đặt vấn đề với một văn phòng công chứng, nhân viên ở đây đã tư vấn cho chị một "chiêu" có thể coi là "độc nhất vô nhị"... giúp mẹ chị "sống" dậy để viết di chúc. Bằng những thủ thuật, giả mạo từ hồ sơ đến dấu vân tay, nhân viên văn phòng công chứng trên hoá phép được một bản di chúc của bà mẹ đã mất. Cái giá phải trả cho "món quà" độc nhất vô nhị này là 70 triệu đồng trọn gói!?.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện chúng tôi nghe được khi thực hiện bài viết này. Tuy nhiên, những chuyện đó chắc hẳn sẽ vĩnh viễn nằm trong bóng tối, "người trong cuộc" nguyện "sống để bụng, chết mang theo". Trên thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện ra không ít sự việc "tréo ngoe". Cách đây không lâu, báo chí đăng tải một trường hợp ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) khiến người đọc cười ra nước mắt. Văn phòng công chứng chứng nhận giấy ủy quyền để ra tòa giải quyết vụ việc, nhưng TAND huyện khi thụ lý hồ sơ đã phát hiện ra trong giấy chứng nhận ủy quyền đó, đương sự chưa ký tên mà công chứng viên thì đã ký sẵn rồi. Trường hợp khác, xác nhận giấy biên nhận tiền mà không hề ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, bản thân công chứng viên không chứng kiến việc giao nhận tiền có thật hay không nhưng vẫn làm thủ tục công chứng...
Theo lẽ thường, hầu hết các giao dịch ngoài giờ đều do nhân viên các văn phòng công chứng tư thực hiện. Sau khi làm thủ tục, các nhân viên sẽ có nhiệm vụ đem những văn bản này về để các công chứng viên ký và đóng dấu. Mỗi công chứng viên sẽ kiểm tra lại thông tin mà nhân viên mình đem về. Và như vậy, bên cạnh... niềm tin đối với nhân viên, họ còn trông cậy vào sự... thật thà của hai bên giao dịch.
Nếu rủi ro... trách nhiệm thuộc về ai?
Anh Phan Mạnh Tùng phân tích, bằng mắt thường, công chứng viên không thể phát hiện đâu là chữ ký thật, đâu là con dấu thật. Thêm vào đó, nếu công chứng viên cố ý làm sai lệch về ngày tháng, để cho kịp với hồ sơ thầu, hay những hợp đồng kinh tế sẽ không dễ để phát hiện. Thường những hợp đồng công chứng về bất động sản, hay hợp đồng kinh tế là những hợp đồng có giá trị lớn về tài chính, có thể lên tới hàng trăm tỷ. Thử đặt giả thiết nếu công chứng tư có công chứng nhầm những hồ sơ giả mạo, ai sẽ là người chịu trách nhiệm đền số tiền đó, khi mà hiện nay các văn phòng công chứng tư không có một khoản tiền nào theo quy định bắt buộc về vốn cũng như bảo hiểm để chi trả cho những rủi ro?.
Anh Đức - Lương Liễu