Chợ Lớn hay chợ Bình Tây là nơi buôn bán sầm uất và cũng được biết là khu vực có nhiều người Hoa sinh sống tại TP.HCM - một Chinatown giữa lòng thành phố. Trước khi được sáp nhập với TP.HCM (Sài Gòn cũ), khu vực này được xem là một thành phố riêng biệt với Sài Gòn.
Các tiệm thuốc Bắc ở đường Lương Nhữ Học đã trở thành thương hiệu
Người Hoa sau khi chạy để tránh chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh (năm 1778) từ Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên... về đây đã lập ra Chợ Lớn. Người Hoa ở Chợ Lớn đa phần là người Quảng Đông và Triều Châu, ngoài ra có một số người Phúc Kiến, người Hẹ và Quảng Tây. Từ đó cho đến những năm 1930-1950, do quá trình đô thị hóa nên Chợ Lớn và Sài Gòn đã gộp lại. Khu vực Chợ Lớn bao gồm quận 5, quận 6, quận 10 và quận 11. Trong 4 quận đó người Hoa tập trung đông đảo nhất tại quận 5, họ tập chung buôn bán trên các con đường như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Trang Tử... Nơi này trở thành một khu trung tâm thương mại lớn nhất của người Hoa ở Việt Nam.
Những khu vực đó luôn mang đậm nét văn hóa Trung Hoa. Tại đây có nhiều quán ăn dựa theo cách chế biến mà họ mang theo khi sang Việt Nam định cư sinh sống. Các món ăn nổi tiếng ở đây là: bánh canh, hủ tiếu, sủi cảo, há cảo và đặc biệt là các món tiềm. Trước kia món tiềm chỉ lan truyền trong phạm vi gia đình, cộng đồng nhỏ lẻ nhưng nay đã phổ biến rộng rãi ra các hàng quán bày bán khắp nơi vùng Chợ Lớn...
Ngoài các món ăn mang đặc trưng Trung Hoa, họ còn mang đến nhiều nét văn hóa sang đây. Các tiệm thuốc Bắc như ở đường Lương Nhữ Học đã trở thành thương hiệu với rất nhiều khách hàng mua bán tấp nập. Đường Hải Thượng Lãn Ông luôn nổi tiếng với những mặt hàng trang trí.
Chùa chiền ở khu vực này cũng có những nét rất đặc trưng. Các chùa và hội quán rất nhiều như chùa Bà, chùa Minh Hương, Hội Quán Tuệ Thành, Hội Quán Nghĩa An, Hội Quán Nhị Phủ, Hội Quán Sùng Chính... Có nhiều ngôi chùa với nét kiến trúc mái không thể nào lẫn được. Cũng là mái cong nhưng những viên ngói của người hoa thường hình trụ và màu sám, còn người Việt thì sử dụng mái ngói phẳng hình vây cá màu đỏ. Cách bài trí bên trong cũng không hề giống với các ngôi chùa của người Việt xây dựng: trần cao hơn, cột trụ to hơn và sàn và tường được lát bằng đá. Tiêu biểu nhất là ngôi chùa Hội Quán Nghĩa An (chùa Ông) ở Phường 11 Quận 5.
Ngày nay, kiến trúc nhà ống cổ đang dần bị mai một. Chỉ tính riêng ở quận 5, trên các con đường lớn như TrầnHưng Đạo, Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục... đã có khá nhiều dãy nhà cổ và khu phố cổ trước đây của người Hoa. Nhưng hầu hết các dãy phố cổ này đang bị rêu phong, xuống cấp và có nguy cơ bị xóa sổ. Nhiều căn nhà cổ rêu phong xen kẽ các căn nhà mới xây dựng theo kiến trúc hiện đại tạo thành những khu phố chắp vá. Khối nhà gồm những căn một trệt hai lầu này khá đồ sộ, được xây dựng cách nay khoảng 100 năm theo phong cách kiến trúc độc đáo, đặc trưng của người Hoa đầu thế kỷ XX. Đó là sự pha trộn giữa trường phái kiến trúc Pháp và Hoa, mà có nhà nghiên cứu cho rằng nó được mô phỏng chủ yếu từ kiểu nhà người Hoa ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc).
Hiện nay, hằng ngày có khá nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan khu phố cổ. Điều may mắn là toàn bộ khu phố cổ này đều thuộc diện Nhà nước quản lý. Chính nhờ vậy mà cho tới nay có nhiều khối nhà vẫn giữ được nguyên dạng của nó. Khu phố cổ này không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, mà còn là một trong những khu di tích cổ, thể hiện yếu tố văn hóa tộc người của người Hoa ở TP.HCM gắn với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố.
Thế Quyết