Như báo Người Đưa Tin đã đưa, mới đây, cục NTBD đã chủ động cập nhật lên Website cucnghethuatbieudien.gov.vn những ca khúc có chất lượng nghệ thuật để công bố, phổ biến rộng rãi tạo điều kiện cho công chúng và nghệ sĩ biểu diễn, thụ hưởng nghệ thuật.
Các ca khúc trong danh sách cập nhật phổ biến là những ca khúc quen thuộc, đã đi vào trái tim của triệu người dân Việt Nam trong suốt hàng chục năm qua như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (Hoàng Điệp - Phạm Tiến Duật), Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn)...
Trong đó, nhiều người đã "cười ra nước mắt" khi ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca của Việt Nam cũng có mặt trong danh này.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là: “Hàng chục năm qua, ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam, đã được Quốc hội phê chuẩn, người dân thuộc lòng. Vậy, việc cục NTBD cập nhật, bổ sung Tiến quân ca vào danh sách phổ biến rộng rãi liệu có cần thiết?”.
Trước thông tin đang gây xôn xao này, PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi nhanh với GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới (bộ GD&ĐT).
“Theo tôi, việc cơ quan quản lý của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, bổ sung cho phép phổ biến rộng rãi một số tác phẩm âm nhạc, chỉ nên áp dụng với các tác phẩm âm nhạc được sáng tác trước cách mạng, hay nói chính xác là trước thời kỳ giải phóng Thủ Đô ở miền Bắc và thời kỳ trước 30/4/1975 ở miền Nam. Đối những ca khúc ở hai thời kỳ này, mới cần đặt vấn đề cho phổ biến rộng rãi hay không cho phép phổ biến rộng rãi.
Những ca khúc của nhạc sĩ sáng tác sau năm 1975, làm sao phải cho phép phổ biến rộng rãi? Ở điểm này, tôi cho rằng, đây là phản ứng thái quá, lo lắng quá mức của cục NTBD. Bởi, vừa rồi, dư luận có đặt ra vấn đề về ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa có trong danh sách ca khúc được phổ biến. Bây giờ, cục NTBD lại hăng hái đến mức cập nhật tất cả các ca khúc cách mạng”.
Cũng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, việc cục NTBD “cập nhật, bổ sung” danh sách 324 ca khúc được phổ biến rộng rãi là thừa: “Nếu quả thật bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch có những văn bản quy định phải cấp phép phổ biến cho những ca khúc cách mạng thì cần phải sửa quy định cho hợp lý”.
Nói thêm về ca khúc Tiến quân ca được cho vào danh sách phổ biến rộng rãi GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc này hơi khó hiểu. “Không phải chỉ trong sách giáo khoa môn âm nhạc của học sinh mới có và hát những ca khúc này, mà Tiến quân ca đã được cả nước hát từ năm 1946. Kể từ khi Quốc hội khóa I năm 1946 quy định, đây là Quốc ca của Việt Nam, tất cả mọi người đều hát và đều thuộc. Cả nước đã hát, vậy còn cho phép phổ biến để làm gì?”.
Bên cạnh đó, trước những thông tin xung quanh việc cục NTBD “cập nhật, bổ sung” hơn 300 ca khúc trong đó có ca khúc Tiến quân ca, một ca sĩ giấu tên của núi rừng Tây Nguyên hiện đang công tác tại Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm:
“Tôi thấy việc này hơi buồn cười, bởi vì các ca khúc này đã hát từ rất lâu rồi, bỗng nhiên bây giờ cập nhật trong danh sách phổ biến, tôi thấy như bị thừa. Những ca khúc này đã tồn tại hàng chục năm, đã in sâu trong tâm trí của dân tộc bỗng dưng lại cập nhật phổ biến. Vậy, nếu ngày xưa không được phổ biến là không được hát hay sao?. Theo ý kiến của riêng tôi, những ca khúc như vậy đã phổ biến thì thôi không cần đưa lên, bởi làm vậy nhiều người sẽ nghĩ cục NTBD đang muốn tạo scandal”.
Cũng trong sáng nay, Cục NTBD đã lên tiếng chính thức về sự việc, bên cạnh việc giải thích lý do vì sao lại rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục 324 bài hát được phổ biến rộng rãi. Đại diện cục NTBD cũng cho biết: “Việc một số bài báo phản ánh "cục NTBD cấp phép trên 300 bài hát nhạc đỏ là chưa đúng với bản chất của vấn đề. Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cập nhật thêm hơn 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới đối với hơn 300 bài hát nói trên”.
Xem thêm:
'Tiến quân ca' được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép rộng rãi?
Thanh Lam