Câu chuyện trên liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) thay đổi lần 5 của công ty TNHH Kim Anh (công ty Kim Anh).
Theo đó, tháng 1/2015 ông Nguyễn Lương Thế, Giám đốc công ty có đơn yêu cầu phòng ĐKKD rút giấy phép ĐKDN thay đổi lần 5 của doanh nghiệp này vì cho rằng hồ sơ bị giả mạo.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, phía sở KH&ĐT đã mời cơ quan công an vào cuộc xác minh điều tra xem có việc giả mạo giấy tờ hay không. Công an kết luận, hồ sơ đăng ký thay đổi ĐKDN lần 5 không có dấu hiệu giả mạo, không quyết định khởi tố vụ án.
Căn cứ theo luật Doanh nghiệp, phòng ĐKKD không ra quyết định thu hồi. Thế nhưng UBND TP.Hà Nội lại liên tục có văn bản thúc ép sở KH&ĐT phải thực hiện thu hồi. Mặc dù phía Sở và phòng ĐKKD đã nhiều lần có báo cáo rằng việc thu hồi là không đúng theo quy định hiện hành và không thể thực hiện được.
Những tưởng vụ việc sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bất ngờ sở KH&ĐT phát đi công văn 711 ngày 22/2, thông báo ngày 3/3 sẽ thu hồi đăng ĐKDN lần 5 của công ty Kim Anh. Nhưng đến ngày 3/3, Sở này lại có thông báo giãn tiến độ thu hồi đến ngày 13/3.
Mặc dù trong nhiều văn bản gửi lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, sở KH&ĐT đều khẳng định không có căn cứ pháp luật để thu hồi ĐKDN lần 5 của công ty Kim Anh, nhưng động thái sở này ra hạn 10 ngày để thu hồi ĐKDN lần 5 của công ty Kim Anh khiến dư luận phải đặt ra nhiều câu hỏi.
Ngạc nhiên hơn, trong công văn 711 gửi UBND TP.Hà Nội thông báo về việc thu hồi ĐKDN, Sở này vẫn khẳng định quy định pháp luật không cho phép thu hồi, các văn bản hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên cũng khẳng định không thể thu hồi vì trái luật.
Nhưng có điều đáng lưu tâm, trong công văn này, sở KH&ĐT viện dẫn Điều 9 của luật Cán bộ công chức để thu hồi ĐKDN. Đến đây chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi về chuyện kỳ lạ xảy ra ở giữa Thủ đô này.
Điều 9 luật Cán bộ công chức Khoản 5, Điều 9 về Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ quy định: Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. |
(Còn nữa...)
Xuân Hòa