Hà Nội ‘chơi trội’ bóc đường mới thay bê tông, WB quan ngại

Hà Nội ‘chơi trội’ bóc đường mới thay bê tông, WB quan ngại

Thứ 3, 06/08/2013 10:23

Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo giải trình UBND TP. Hà Nội sau khi báo chí có loạt bài phản ánh về dự án xe buýt nhanh (BTR) trị giá 165 triệu USD mà sở này đang triển khai…

WB đã rất quan ngại”
Trước đó, ngày 26/7/2013, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT báo cáo việc thi công tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT) thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Sở GTVT cho biết, hợp phần BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội có chiều dài 14,7km từ bến xe Kim Mã qua Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương – Lê Văn Lương kéo dài – trục phía Bắc Hà Đông – Lê Trọng Tấn – Trần Phú – Ba La – bến xe Yên Nghĩa. Làn đường dành cho xe buýt nhanh là 3,5m.

Kinh doanh - Hà Nội ‘chơi trội’ bóc đường mới thay bê tông, WB quan ngại

Một đoạn chiều dài mặt đường Lê Văn Lương mới được sử dụng cuối năm 2010 đã bị bóc làm mới. Đoạn đổ bê tông của đơn vị thi công cao hơn mặt đường cũ

Văn bản báo cáo này cho biết xe buýt của dự án mới “chủ yếu” vẫn chạy trên mặt đường cũ. “Đối với những đoạn mặt đường cũ không đảm bảo yêu cầu và tại các vị trí nhà chờ thì đào thay thế bằng mặt đường bê tông xi măng với chiều dài đào thay thế khoảng 3,3km (đã bao gồm các điểm dừng đỗ)”.

Báo cáo này của Sở GTVT ngay lập tức gặp phải sự hoài nghi của dư luận. Bởi, thông tin chỉ bóc những đoạn mặt “đường nhựa đã cũ” và “tại các vị trí nhà chờ” là hoàn toàn không thuyết phục, rõ ràng. Bởi, ngay như cả đoạn đường Lê Văn Lương, dù đang rất mới và chất lượng mặt nhựa còn rất tốt nhưng đến nay chủ đầu tư đã cho bóc hết lớp đường nhựa hai bên giải phân cách để thay vào đó là mặt đường bê tông xi măng. Trong khi đó, nếu Sở GTVT “lý luận” những điểm mặt đường nhựa bị bóc là để làm “các vị trí nhà chờ” thì cũng chưa có sự rõ ràng, bởi không lẽ cả tuyến đường còn gần như mới nguyên tại Lê Văn Lương kéo dài như vậy chỉ để làm nhà chờ sau khi mặt đường nhựa bị đào bới?

Báo cáo này của Sở GTVT Hà Nội chỉ nói sơ sài dự án lần đầu tiên thí điểm tại Việt Nam do đơn vị tư vấn “có nhiều năng lực, kinh nghiệm thực hiện”. Trong đó, quá trình lập, phê duyệt dự án đã lấy ý kiến của bộ, ngành, các cơ quan liên quan như Bộ Xây dựng thẩm định, Ngân hàng Thế giới (WB) xem xét chấp thuận; đã phân tích, tính toán và lựa chọn phương án thiết kế là kết cấu mặt đường bê tông xi măng áp dụng cho những đoạn đường cũ không đảm bảo yêu cầu về chịu tải theo tiêu chuẩn của tuyến xe buýt nhanh.

Văn bản báo cáo Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội của Phó giám đốc Sở GTVT Phạm Hoàng Tuấn cũng “than phiền” rằng, sau khi báo chí đăng tải bài viết về BRT, thì đại diện WB đã rất quan ngại, phía ngân hàng cũng cho rằng “vấn đề tuyên truyền, giới thiệu dự án chưa được thực hiện một cách đầy đủ”…

Gây thiệt hại tài sản của Nhà nước
Khác với khẳng định từ đại diện chủ đầu tư là Sở GTVT Hà Nội rằng không “lãng phí” hay “chơi trội”, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng, cho biết, về bản chất thì việc đào bới lớp đường nhựa chưa đến giai đoạn trung tu là lãng phí.

“Đây là lỗi của những người làm quy hoạch về giao thông đô thị, với quy hoạch chắp vá nên các giải pháp về công trình rất bị động, dẫn đến sự tốn kém không đáng có. Một tuyến đường mới khai thác nhưng bóc đi làm lại là lãng phí, tuổi thọ mặt đường thì 5 năm sau mới phải trung tu và đại tu phải mười mấy năm”, ông Chủng cho hay.

Theo ông Chủng, vì không có tầm nhìn, không có thiết kế đi trước nên nhiều nơi, nhiều chỗ làm xong lại phá, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân, đồng thời gây mất niềm tin.

Đặc biệt, ông Chủng lưu ý, phải cho xem xét lại kết cấu tuyến đường buýt nhanh đang được Hà Nội triển khai. “Không phải kết cấu mặt đường nhựa nhưng “ông” cứ phủ bê tông lên đó. Ví dụ như mái nhà nếu lợp bằng lá thì hệ thống rui mè khác, lợp bằng ngói thì cầu phong, rui mè phải khác. Đối với kết cấu đối với áo đường xi măng thì phải có giải pháp kết cấu”, ông Chủng phân tích.

Một trong những điểm đáng chú ý khác, theo ông Chủng, là hiện nay có nhiều nơi, nhiều người ngộ nhận rằng thay bằng xi măng rẻ hơn mặt đường nhựa, đó là cách hiểu rất phiến diện. Trong khi đó, đối với đường bê tông muốn chạy tốc độ cao thì phải xử lý giải pháp mặt đường khác, nếu làm cắt chia như bây giờ thì tiếng ồn rất lớn, không tăng tốc được cho xe và thậm chí gây phương hại đến tuổi thọ phương tiện.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên đoạn đường nhựa bị bóc và thay thế bằng mặt đường bê tông trên đường Lê Văn Lương (gần ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương), hiện nay lớp mặt bê tông đã cao hơn khá nhiều so với thảm nhựa đường cũ. Nhiều người tham gia giao thông lo ngại, gờ đường này có nguy cơ gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Việt Hưng (PLVN)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.