Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, khoảng 8h30 sáng ngày 23/2, lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã tiến hành cưỡng chế, di dời các nhà nổi, du thuyền hồ Tây (khu vực đầu đường Nguyễn Đình Thi - Hà Nội).
Theo ghi nhận, lực lượng công an, CSGT được huy động ngăn 2 đầu đường Nguyễn Đình Thi, cấm các phương tiện giao thông qua lại để phục vụ công tác cưỡng chế. Nhiều công nhân, máy móc cũng được huy động đến cưỡng chế, tháo dỡ các nhà nổi neo đậu tại khu vực này.
Đáng chú ý, quanh hiện trường có rất nhiều biển cấm quay phim, chụp ảnh được đặt tại khu vực, báo chí cũng khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.
Việc tổ chức giải tỏa, cưỡng chế vào sáng 23/2 được cho là khá bất ngờ bởi trước đó, ngày 17/2, UBND quận Tây Hồ đã có kế hoạch yêu cầu các nhà nổi, du thuyền Hồ Tây phải tự tháo dỡ, di dời trước 10/3, nếu không quận sẽ tổ chức cưỡng chế.
Đối với các công trình vi phạm, xây dựng trái phép từ số 2 – 10 Nguyễn Đình Thi, UBND quận yêu cầu phải tháo dỡ xong trong tháng 2 này. Quá thời hạn nêu trên, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế, xử lý vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.
Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện trên hồ Tây có 6 đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trong đó, 4 đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác. Ngoài ra, có 10 đơn vị vẫn đang hoạt động phương tiện thủy, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi hồ Tây mà không được cấp phép.
Tuy nhiên, việc chính quyền khẳng định di dời không có đền bù khiến hàng chục doanh nghiệp viết đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ được thuê mặt nước hồ Tây nhưng đến nay chưa hết hạn, việc di dời sẽ khiến đứng trước nguy cơ phá sản.
Trao đổi với PV, nhiều doanh nghiệp, chủ du thuyền đều mong muốn được hỗ trợ, đền bù bởi việc chấm dứt hoạt động gây thiệt hại lớn về kinh tế cho họ. Chủ một du thuyền cho biết có nhận được quyết định cưỡng chế từ chính quyền song phản đối quyết định này.
“Trước đó, chúng tôi được hoạt động hợp pháp tại đường Thanh Niên xong ủng hộ chủ trương làm sạch đẹp thành phố nên đã rời về đây (đầu đường Nguyễn Đình Thi). Tuy nhiên, từ khi về đây thì chỉ cấp phép bến tạp cho chúng tôi 1 năm và bỏ mặc từ đó, rồi liên tục xua đuổi. Trong khi đó chúng tôi đã đầu tư lớn vào đây… hiện đang rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Chúng tôi mong muốn TP có những chính sách làm sao tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, chủ một du thuyền bị cưỡng chế nói.
Theo văn bản thông báo cưỡng chế của UBND phường Thụy Khuê do Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Bá Đông ký ngày 20/2: “Từ 8 giờ ngày 23/2, UBND Phường Thụy Khê phối hợp vơi cơ quan chức năng của quận Tây Hồ và các sở ngành chức năng của Hà Nội tổ chức xử lý vi phạm trật tự xây dựng tháo dỡ cầu dẫn, sàn cứng tại khu vực bến thủy nội địa, đối với Công ty Cổ phần Nhà Nổi Hồ Tây, địa chỉ số 2, đường ven hồ (số 2, đường Nguyễn Đình Thi), phường Thụy Khuê, Tây Hồ”.
Nhất Nam