Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội) cho biết:
“Chúng tôi mới xây dựng tờ trình về việc tăng học phí để gửi lên UBND TP. Hà Nội, cơ quan báo chí, sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội về việc tăng học phí đối với các cấp học: Học sinh nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên và cấp trung học phổ thông. Mức đề xuất học phí được sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội quy định ở từng khu vực như sau: Thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh); nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh); miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh)”.
Cũng theo ông Cẩn, mục đích của việc tăng học phí để tiếp tục tái đầu tư vào giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho sự phát triển chung của xã hội.
Khi được hỏi về chính sách đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh chính sách, ông Cẩn nói: “Các cháu và gia đình trong nhóm đối tượng này hoàn toàn có thể yên tâm sẽ không bị ảnh hưởng của việc tăng học phí. Bởi lẽ, các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương”.
Khi tiến hành triển khai, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học (đối với cấp học mầm non, phổ thông), theo khóa học (đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp). Tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, quản lý chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Công Luân