Trong cuộc giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều ngày 8/10, vấn đề thu chi không đúng quy định, việc dạy thêm, học thêm trong các trường học trên địa bàn Thủ đô được bàn luận sôi nổi.
Theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, ngày 11/9, Sở GD-ĐT có quyết định thành lập 20 đoàn thanh tra, kiểm tra các khoản thu chi và quản lý dạy thêm học thêm đầu năm học 2013-2014 tại các cơ sở giáo dục thuộc 29 quận huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Thời gian thanh tra từ ngày 12/9 – 25/9.
20 đoàn thanh tra, kiểm tra đã làm việc tại 29 phòng GD-ĐT, 31 trường THPT, 6 trung tâm GDTX, 31 trường THCS, 31 trường tiểu học, 22 trường mầm non (tổng số 29 quận huyện và 121 đơn vị giáo dục).
Kết quả, tính đến ngày 30/9, Hà Nội có 87 trường THPT (tỷ lệ 82,08%), 224 trường THCS (tỷ lệ 38,29%) đã được cấp phép dạy thêm học thêm trong nhà trường; 37 Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa được cấp phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.
Khó có thể cấm việc dạy thêm học thêm vì đó là nhu cầu thực tế...
Tuy nhiên, Đoàn thanh tra phát hiện một số cơ sở giáo dục triển khai việc cấp phép dạy thêm, học thêm chưa kịp thời; kế hoạch thự hiện của một số đơn vị chưa đúng quy định: xếp lớp không phân loại học sinh, tăng tiết dạy thêm không giải thích, thu vượt quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ… Một số quận huyện chưa ban hành văn bản thực hiện quyết định về dạy thêm học thêm của TP.
Trong hoạt động thu, chi tại các cơ sở giáo dục, Thanh tra Sở GD-ĐT ghi nhận, nhiều trường học vẫn thu các khoản khác quy định, sai quy định của Sở GD-ĐT như: hỗ trợ dạy và học như trường THCS Bình Minh và THCS Thanh Mai (Thanh Oai); vệ sinh lớp, phô tô tài liệu, học tăng cường chất lượng cao (THCS Nguyễn Huy Tưởng - Đông Anh)…
Một số trường dự kiến thu tiền tự nguyện chưa đúng quy trình, chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt, còn dự kiến thu theo hình thức cào bằng: mua điều hòa, máy phát điện, mua dù, làm nhà kho, sửa sân trường...
Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) thu chưa đúng quy định, thực hiện với mức thu cào bằng, thực hiện thu khi chưa dự toán chi làm cơ sở tính mức thu, vẫn dùng quỹ đóng góp của CMHS cho ban đại diện CMHS để khen thưởng giáo viên, nhân viên nhà trường, bồi dưỡng lễ, tết cho cán bộ giáo viên như trường Tiểu học Thị trấn Xuân Mai A - Chương Mỹ, Tiểu học Đức Giang, Tiểu học Bác Hòa và THCS Bình Minh - Thanh Oai...
Trên thực tế, xung quanh vấn đề thu chi đầu năm, và việc dạy thêm, học thêm tại các trường học trên địa bàn Thủ đô còn nhiều vấn đề “nóng” hơn báo cáo của Sở GD-ĐT.
Theo một số phụ huynh, hiện thực có hiện tượng những thầy cô “tỏ thái độ” không hài lòng và “ép” các em học sinh học thêm cả 5 môn, trong khi nguyện vọng của các em chỉ là học thêm 2 môn Văn và Toán. Cũng có trường hợp, thầy cô bắt buộc các em học sinh phải học thêm cả 5 buổi/tuần.
Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Hà Nội cho biết: “Theo các văn bản hướng dẫn hiện hành (quyết định 17 và 22), là không có việc dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học. Thực tế là nhiều bậc phụ huynh vì mong muốn con em mình học tốt mà chủ động đề nghị các thấy cô cho con em học thêm”.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - khẳng định: “Không thể chấm dứt việc dạy thêm học thêm vì đây là nhu cầu hiện tại. Thử nghĩ đến việc các em nghỉ học cả 3 tháng hè, hoặc là việc cấm giáo viên phụ đạo cho vài học sinh con nhà họ hàng… rất nhiều bất cập. Nếu chỉ học một buổi thì chúng ta không thể có học sinh có huy chương vàng quốc tế. Tôi cho rằng, việc Hà Nội đã đưa ra quy định “chặt” hơn như quy định mức trần về dạy thêm, học thêm để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm trái phép. Hoặc quy định giáo viên chủ nhiệm không được dạy thêm học sinh lớp mình sẽ góp phần minh bạch, tránh chuyện tiêu cực, trù dập như phụ huynh phản ánh”.
Về hiện tượng nhiều trường thu quỹ cha mẹ phụ huynh để mua máy chiếu, bình nóng lạnh, máy in…, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định là trái quy định. “Việc đóng góp để mua những trang thiết bị học tập cho các em phải được đóng trên tinh thần tự nguyện. Khoản tiền này bảo đảm sử dụng đúng mục đích, và đặc biệt không được sử dụng để nâng cao đời sống của giáo viên.
Về các vấn đề phụ huynh phản ánh, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh kiểm tra các trường học, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý kỷ luật nghiêm túc. Đây là vấn đề liên quan tới đạo đức của người thầy” – bà Nga, cho hay.
Minh Cường