Để đảm bảo cho sự an toàn của người dân khi đi qua các trục đường lớn, từ năm 2007, 2008 TP. Hà Nội đã đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ, trong đó đường Vành đai 3 có 17 hầm, trong nội thành 2 hầm (Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng – Đại Cồ Việt ) và 4 hầm ở nút giao đường 32 với đường 70.
Dù được xây dựng nhiều năm nhưng số lượng người đi bộ sử dụng hầm qua đường vẫn rất ít, thay vào đó họ vẫn lựa chọn cách qua đường “truyền thống”.
PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận được một số hình ảnh về thực trạng sử dụng hầm đi bộ hiện nay:

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở được đưa vào sử dụng từ năm 2007 với quy mô lớn nhất Hà Nội ( độ dài 500m, 12 cửa chui tại 4 góc đường) nhưng chỉ để người dân... tập thể dục.

Qua gần 10 năm đưa vào sử dụng, hầm Ngã Tư Sở vẫn mới và sạch sẽ, hệ thống ánh sáng, camera, bình cứu hỏa, biển chỉ dẫn đầy đủ.

Khu hầm hiện đại, sạch sẽ là nơi “lý tưởng” cho người dân xuống tập thể dục hàng ngày.

Cửa xuống tại hầm đi bộ nút giao Giải Phóng – Đại Cồ Việt.

Dù là giờ tan tầm nhưng chỉ lác đác người qua lại.
Dù là hầm được sử dụng trong nội thành nhưng vệ sinh lại rất kém, nhiều chỗ bị nước ngấm, ẩm thấp, mùi khai bốc lên nồng nặc. Hầm được dọn dẹp 2 lần hàng ngày nhưng do ý thức người dân không giữ hầm sạch sẽ, có người xuống hầm đi bộ để… đi vệ sinh.

Nhiều chỗ trong hầm bị thấm nước, bốc mùi.

Một hầm đường bộ trên đường vành đai 3.

Bên dưới hầm rất sạch sẽ vì luôn có nhân viên dọn vệ sinh túc trực nhưng vẫn không một bóng người qua lại.
Hiện nay đã không còn tình trạng hầm đi bộ cửa đóng then cài nhưng có người vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường cao tốc.

Người dân ngang nhiên băng qua đường mặc dù có hầm đi bộ.
Hầm đi bộ tại bến xe Mỹ Đình được sử dụng nhiều hơn các khu vực khác vì gần bến xe, nhiều người qua lại

Hầm đi bộ tại bến xe Mỹ Đình được sử dụng nhiều hơn các khu vực khác.
Một bộ phận người dân vẫn ngại sử dụng loại hình giao thông này cùng với việc quản lý của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập dẫn đến việc các hầm cho người đi bộ chưa phát huy hiệu quả, bỏ không gây lãng phí.
Nhật Linh