Vừa qua, sau khi xem xét kiến nghị của tổng công ty Sông Đà và UBND tỉnh Hà Tĩnh, bộ GTVT đã có công văn đồng ý việc miễn 100% phí qua trạm thu phí cầu Rác cho người dân 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Công văn nêu rõ, bộ GTVT thống nhất về nguyên tắc giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh lưu thông qua trạm thu phí Cầu Rác.
Ngay sau khi có quyết định của bộ GTVT, công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh đã gửi đơn kiến nghị lên sở GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo doanh nghiệp này, đơn vị không nằm trong danh sách các đối tượng được miễn phí BOT là rất vô lý.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh cho hay, tuyến xe buýt Hà Tĩnh – Kỳ Anh bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2009. Tại thời điểm đó, chưa có BOT nên công ty đã không xây dựng thêm phí trong giá vé tuyến. Sau khi tổng công ty Sông Đà tiến hành thu phí BOT Cầu Rác, phía công ty đã phải trích lợi nhuận để chi trả nhưng vẫn giữ nguyên mức giá vé cũ.
Theo ông Sỹ, mỗi năm, công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh phải trả hơn 420 triệu phí BOT cho 38 đầu xe chạy tuyến Hà Tĩnh – Kỳ Anh. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã phải đóng cho BOT qua trạm Cầu Rác tổng số tiền gần 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phải đóng thêm các khoản phí đường bộ khoảng 2,2 triệu/xe/năm. Với 100 đầu xe, mỗi năm Công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh đã phải đóng hơn 220 triệu đồng phí đường bộ.
“Phí chồng phí như vậy, doanh nghiệp chúng tôi lấy đâu ra lãi nữa?”, ông Trần Văn Sỹ chia sẻ.
“Công ty đã gửi đơn lên sở GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh, kiến nghị đưa công ty vào danh sách được miễn giảm phí BOT qua trạm Cầu Rác. Nếu đề nghị này vượt thẩm quyền của tỉnh, chúng tôi sẽ kiến nghị ra bộ GTVT. Nếu vẫn không được miễn thì buộc lòng chúng tôi phải đưa mức phí cao hơn vào giá vé chứ không thể bắt doanh nghiệp chịu mãi được”, ông Sỹ nói.
Theo tìm hiểu, trước đó, vào năm 2014, công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh cũng từng có kiến nghị gửi tổng công ty Sông Đà đề nghị được giảm phí BOT, tuy nhiên tại thời điểm đó, đề xuất này đã không được phê duyệt.
“Khi UBND tỉnh trình đề nghị với bộ đã không đưa công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh vào danh sách được miễn khiến chúng tôi thực sự rất bất ngờ. Chúng tôi kinh doanh dịch vụ công cộng, đáng lẽ ra phải là đối tượng được miễn đầu tiên, đây là quyền lợi xứng đáng”, ông Sỹ nói thêm.
Tuyến đường tránh TP.Hà Tĩnh có chiều dài 16km, được xây dựng từ năm 2005, do Tổng công ty MTV hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư. Tháng 5/2009, tuyến đường này chính thức đi vào hoạt động. Nhà đầu tư đã đề xuất được sử dụng trạm Cầu Rác, đóng trên QL1A đoạn qua địa bạn xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên thu phí để hoàn vốn đầu tư. Nhiều chủ phương tiện và doanh nghiệp bức xúc vì cho rằng họ không sử dụng một mét đường BOT nào nhưng vẫn phải đóng phí. Vào ngày 16/4, người dân địa phương đã mang hàng chục xe ô tô các loại tập trung để phản đối việc thu phí BOT. Sự việc đã gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường này. Ngay sau khi xem xét đề nghị của chủ đầu tư và UBND tỉnh Hà Tĩnh, bộ GTVT đã có công văn đồng ý miễn 100% phí BOT qua Cầu Rác cho người dân có hộ khẩu thường trú tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. |
Ngân Hà