Chiều nay, (27/2) TAND TP.Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm cùng 46 đồng phạm trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
Theo nội dung cáo trạng, trước đó, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các Ngân hàng TMCP yếu kém. Nhân cơ hội này, muốn thâu tóm một số Ngân hàng TMCP về Oceanbank, Hà Văn Thắm đã đến đặt vấn đề với bà Hứa Thị Phấn khi đó đang là một cổ đông lớn, đại diện cho nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín về việc chuyển giao lại ngân hàng này cho Thắm.
Bà Hứa Thị Phấn đồng ý và ký hợp đồng kinh tế với Thắm vào ngày 23/02/2012. Vậy nhưng đến khi đi vào hoạt động, Thắm mới “tá hỏa” khi biết có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như mối quan hệ phức tạp của bà Phấn với nhiều nhóm khách hàng. Từ đây, Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín cho người khác.
Biết “nỗi lòng” của Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank) đã giới thiệu Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh) cho Thắm.
Phạm Công Danh ngay sau đó được tiếp quản lại Ngân hàng Đại Tín, vấn đề là không có tiền?! Để hợp thức hóa việc chuyển nhượng này, ba người gồm Thắm, Danh và bà Hứa Thị Phấn đã ngồi bàn bạc, thống nhất rằng Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Ngân hàng Oceanbank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Các bên thống nhất sử dụng pháp nhân đứng ra để vay tiền là Công ty TNHH một thành viên Thương Mại và dịch vụ Trung Dung, mặc dù các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện cho vay, mục đích chỉ để nhằm hợp thức hóa việc vay mượn này.
Xong đâu đấy, ngày 09/10/2012, bà Phấn ký lại hợp đồng chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín sang cho Danh. Phạm Công Danh sau đó đổi lại tên ngân hàng thành Ngân hàng Xây dựng. Nhưng sau này, Công ty Trung Dung và Phạm Công Danh không có khả năng thanh toán và Oceanbank không có khả năng thu hồi khoản vay trên.
Ngoài ra, cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT thời điểm còn đương chức đã sử dụng những công ty hoặc cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Thắm để nắm giữ 62,97% cổ phần tại Oceanbank.
Vậy nhưng quá trình điều hành, chỉ đạo, Thắm đã cùng với Ban Tổng giám đốc Oceanbank đã để xảy ra nhiều vi phạm, dẫn đến nợ xấu, đến thời điểm 31/3/2014 là 14.923.135 triệu đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Oceanbank; lợi nhuận trước thuế lỗ 10.188.794 triệu đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần…)
Do vậy, ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương.
Trong ngày xét xử hôm nay (27/2), sau khi kết thúc phần kiểm tra căn cước các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tất cả các bị cáo bị yêu cầu đứng lên để nghe vị đại diện VKS công bố bản cáo trạng. Theo đó, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm bị truy về tố 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị cáo khác cũng bị truy tố từ một đến hai tội danh và được xác định là đồng phạm với Thắm trong vụ đại án gây thiệt hại lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Dự kiến, sáng mai (ngày 28/2) lần lượt hai vị đại diện VKS tiếp tục công bố bản cáo trạng trước khi HĐXX tiến hành bước vào phần xét hỏi các bị cáo. |
Yến Nhi