Tướng Quắc khẳng định: "Chuyên án này đã được báo cáo lãnh đạo Bộ kỹ càng. Lúc đó, các trinh sát phải bay ra bay vào giữa Hà Nội và Khánh Hòa như con thoi, xuống Hải Phòng đều đặn. Không ngờ, đây lại là hai "phát súng" đầu tiên của C14 chính thức tấn công, triệt phá tội phạm xã hội đen có tổ chức".
Tin Pales (X), bị dẫn giải đến tòa
Cu Nên ít mưu, thích nổi nên dễ "vớt"
Cu Nên tên thật là Phạm Đình Nên, sinh năm 1957, gốc Hải Phòng là tay giang hồ cộm cán đất Cảng. Nhà có 5 anh chị em, anh trai là liệt sỹ chống Mỹ, mẹ là mẹ liệt sỹ, bản thân Nên cao ráo, trắng trẻo nhưng hắn lại là một sát thủ lạnh lùng và lỳ lợm. Lêu lổng từ nhỏ, chẳng nghề nghiệp nhưng lúc nào Nên cũng có vài đệ tử trung thành bên cạnh. Từ năm 1970 đến năm 1989, Nên có tới ...11 tiền sự về tội trộm, cướp giật, cố ý gây thương tích, hai lần bị đi tập trung cải tạo. Tuy nhiều hành vi vi phạm nhưng Nên cũng biết mơ về miền đất hứa, ở nơi xa lắm để làm giàu bằng con đường vượt biên. Mơ làm giàu ở miền đất hứa không thành phải sống ở trại tị nạn, tại đây, Nên cưới vợ và sau đó bị trả về nước theo chương trình hồi hương.
Về quê sau vài năm xa cách, hắn vẫn thói nào tật ấy, chẳng coi ai ra gì. Để trụ được và trên cơ nhóm giang hồ khác thì chỉ còn cách gây hấn để tạo sự chú ý. Chẳng thế mà không ngày nào, băng nhóm của Nên không cướp bạc, đánh bạc thì lại quay sang ức hiếp người dân lương thiện. Từ bà bán rau, công chức, công an, người đi đường... chúng đều gây sự. Nên có thói ngông tự hại mình là thích chửi bới, thách thức công an chỗ đông người để thể hiện "cái oai". "Ngày đó, Nên "nổi lềnh phềnh" thế mà chẳng hiểu sao, công an phường, quận thậm chí là công an TP.Hải Phòng cứ im lặng như không có chuyện gì xảy ra vậy" - Tướng Quắc nhớ lại. Theo Tướng Quắc, giang hồ "xử" giang hồ là một chuyện nhưng đằng này còn ức hiếp người dân thì không thể trì hoãn được".
Tướng Quắc nhớ lại: "Lúc đó trinh sát về làm, Hải Phòng vẫn "bình yên" lắm, vẫn cho rằng, chẳng có chuyện gì mà to tát cả. Mà đúng là như thế nếu như nhìn bề ngoài. Bởi những người dân lương thiện bị Nên và đám đệ tử đánh, chém có ai dám tố cáo đâu. Họ sợ bị trả thù mà. Vụ Nên giết chỉ đạo đám đệ tử giết anh Trần Anh Tuấn - bạn của một người va chạm xe máy trên đường tham gia giao thông với cháu của Nên - đã khẳng định tính tàn bạo, ngông cuồng đến đỉnh điểm của một tên tội phạm có nhiều tiền án, tiền sự. Vụ án này cũng rất lâu sau, khi trinh sát C14 xuống thì Công an Hải Phòng mới quyết liệt điều tra, xác minh".
Vì thích "nổi" nên Nên hay khoe khoang "hàng nóng". "Thực ra, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giang hồ có súng là "số má" cũng lớn rồi", tướng Quắc bình luận. Thường chúng găm ở trong người để phòng thân nhưng Cu Nên thì thích để mọi người biết mình có súng. Kho súng của Nên có 1 tiểu liên, 1 AK cưa nòng, 1 K54, 2 súng ngắn, 1 súng thể thao, 1 lựu đạn, 47 viên đạn các loại...
Và vụ Nên hai tay hai súng cùng đàn em đến nhà Ngô Thế Lâm (Tức Lâm "già") trả thù như một hành động thách thức giang hồ và coi thường pháp luật. Tiếp theo, chỉ vì lời nói của đàn em mà Nên ra lệnh bắn người đơn giản như trò chơi. Rồi chuyện đệ tử của Nên có thâm thù với con, vào nhà tìm thấy bố, đánh bố thừa sống thiếu chết vì "tội không biết dạy con".
Tướng Quắc nhận xét: "Nên ngông cuồng đến như thế là cùng nhưng người dân thì cứ sợ, bị đánh, chết, bị đau, bị nhục vẫn cắn răng chịu. Những hành vi vi phạm của Nên thể hiện rất rõ ra ngoài, nổi nên dễ vớt".
Giang hồ “danh giá”
Đường dây phạm tội có tổ chức ở Khánh Hòa những năm 90 của thế kỷ trước cũng rất lớn và đáng ghi vào danh sách tội phạm có tổ chức ở Việt Nam. ông trùm của băng nhóm này là Phạm Chí Tin (tức Tin Pales), sinh năm 1957. Tin Pales sinh ra trong một gia đình danh giá. Đã từng được sống và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, đủ đầy với người cha làm trong ngành ngoại giao, từng ở nước ngoài.
Cu Nên (Ảnh lưu trữ tại hồ sơ công an)
Theo Tướng Quắc: "Tin hoạt động rất kín kẽ, thể hiện cái đầu của một người được học hành bài bản, biết lựa chọn thời cơ. Giá không đi vào con đường phạm tội, chắc Tin cũng thừa cơ hội để nối nghiệp cha, hoặc trở thành một người thành đạt".
Cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Tin đã từng nổi tiếng ở Hà Thành vì "bề dày thành tích", với 3 lần "Cố ý gây thương tích" liên tiếp nhau và cũng vào tù, ra khám gối nhau. Lần cuối cùng Tin phạm tội ở Hà Nội, bị bắt là ngày 23/2/1982. Sau khi mãn hạn tù, Tin chuyển hoạt động vào Nha Trang (Khánh Hòa). Tại đây, Tin thu nạp đệ tử và hoạt động phạm pháp với mức độ ngày càng gia tăng, tính chất nguy hiểm, trắng trợn. Tin chỉ đạo đám đệ tử gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản; cố ý gây thương tích; tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép; bắt cóc, tống tiền; chiếm đoạt tài sản công dân...
Tướng Quắc nhận xét: "Đỉnh điểm là vụ Tin chỉ đạo đàn em chém công an vũ trang. Tuy nhiên những vụ án do băng nhóm của Tin gây ra đều thực hiện bài bản, rất ít đầu mối để điều tra, không có nhân chứng, dù rằng nhiều người nhìn thấy, nhiều người biết. Mưu mô hơn là Tin chưa bao giờ lộ diện để trực tiếp chỉ đạo đám đàn em nên tung tích về Tin vẫn rất bí ẩn đối với người dân. Chỉ có giới giang hồ là biết nhưng vì môn "ném đá giấu tay" của Tin quá thành thục nên cái sự danh giá của Tin vẫn khỏa lấp hết hành vi của một ông trùm".
Tướng Quắc nhớ lại: "Ngày đó vào Khánh Hòa đặt vấn đề với công an tỉnh làm nhiều việc, đều được ủng hộ nhiệt tình vì là phối hợp để bắt tội phạm "quá cảnh", tức tội phạm ở nơi khác trốn vào Khánh Hòa tá túc. Nhưng khi nói đến Tin Pales thì nhận phải sự phản ứng dữ dội rằng: Làm gì có chuyện đó, không có băng nhóm nào cả. Có thì đã bị triệt phá ngay. Rồi thì Tin sinh ra trong gia đình danh giá, trước có này kia nhưng giờ làm chủ nhà hàng đông khách lắm, nhiều nhân viên... sống sung sướng, làm gì phải kiếm tiền từ phạm tội... Khi trinh sát bày ra chứng cứ thu thập được, đơn tố cáo thì họ mới thôi và miễn cưỡng phối hợp thực hiện. Bởi, nếu không phối hợp, Cục và Bộ tự làm còn tốt hơn. Vì nghề nghiệp là bí mật, ít người biết càng tốt. Chỉ cần rò rỉ thông tin nhỏ, tội phạm bỏ trốn, thế là công anh em thành công cốc".
Giống và khác giữa hai chuyên án "mở hàng"
Chuyên án Cu Nên và Tin Pales dù đó là 2 chuyên án "mở hàng" của 2 địa phương thì người ta cũng phát hiện ra nhiều cái giống và sự khác biệt. Hiện nay, tại Hải Phòng và Khánh Hòa vẫn tồn tại nhiều nhóm tội phạm được tổ chức hoạt động mang tính xã hội đen với nhiều mưu mô, hình thức khác nhau. Song điểm chung vẫn là đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, bảo kê nhà hàng, vũ trường, quán bar... Nên ngông cuồn ít mưu bao nhiêu thì Tin Pales khôn ngoan, mưu mẹo bấy nhiêu. Giá của sự ngông cuồng, tàn bạo và vô đạo là mạng sống. Nên đã bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc là loại khỏi đời sống xã hội - tử hình.
Ngày đó, Tin là con của một gia đình danh giá nên chuyên án này tốn rất nhiều công sức của tập thể. Tin có ngông nhưng chỉ là lúc trẻ, lúc ở Hà Nội thôi nhưng cái ngông của Tin kiểu khác chứ không như Nên. Tổng hợp tất cả hình phạt của các tội như cướp tài sản công dân, cố ý gây thương tích, tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, bắt cóc tống tiền và cướp tài sản, Phạm Chí Tin phải nhận 49 năm tù. Vì khung phạt tù có thời hạn cao nhất, theo quy định của luật là 20 năm tù nên Tin chỉ phải chịu tổng mức hình phạt là 20 năm tù giam. Sau khi mãn hạn tù, giữa những năm 2000, Tin lại vướng vào vòng lao lý với Hạnh "Nhật" - một nhóm tội phạm có tổ chức cũng rất bài bản ở Khánh Hòa. Tin lại phải ra tòa. Được biết, hiện nay Phạm Chí Tin đã mãn hạn tù, tướng Quắc bùi ngùi nói: "Tin là người có tư chất, nếu biết dùng cái sự khôn ngoan của mình vào những việc tốt sẽ làm được nhiều việc".
Quế Ngân - Quỳnh Chi
Kỳ sau: Những ký ức để đời trong chuyên án PU18