Bên cạnh những xe khách và xe tải chở hàng của một số doanh nghiệp lớn tham gia vận chuyển người và hàng hóa từ các nước như Lào, Thái Lan… về Việt Nam còn xuất hiện nhiều xe khách liên vận cũng qua lại cửa khẩu thường xuyên.
Các xe này có nhiều loại: Bán tải, tải lớn, xe khách từ 12 chỗ đến 54 chỗ. Ngoài việc vận chuyển hành khách, những loại xe này còn vận chuyển nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau. Nhưng công tác kiểm hóa và làm thủ tục xuất nhập lại diễn ra một cách rất sơ sài.
Xe ô tô qua Cửa khẩu không cần giấy phép liên vận
Theo Thông tư số 38/TT/2011 của Bộ Giao thông - Vận tải, hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thì phương tiện cơ giới đường bộ hoạt động qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào, ngoài các loại giấy tờ thông thường thì đều phải có thêm Giấy phép liên vận (Transit).
Theo đó, trong trường hợp là phương tiện thương mại (kinh doanh vận tải hoặc vận chuyển hành khách có thu tiền) thì Giấy phép liên vận chỉ được cấp cho các loại xe thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải… để đi lại nhiều lần có giá trị 1 năm nhưng không quá thời hạn ghi trên Giấy phép hoạt động vận tải đường bộ quốc tế. Riêng đối với xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng hoặc vận chuyển khách du lịch, Giấy phép liên vận có thể theo thời hạn chuyến đi nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Quy định là thế, nhưng xe khách buôn bán, giao thương với nước bạn Lào lại hầu hết là xe tư nhân. Gần như tất cả đều không tham gia vào một công ty hay hợp tác xã vận tải nào. Vì vậy, các xe này không đủ điều kiện cấp Giấy phép liên vận. Nhưng với sự quản lý lỏng lẻo của lực lượng Hải quan Cửa khẩu Cầu Treo những chiếc xe này vẫn vượt qua được của khẩu (Cổng A) một cáh rất bình thường.
Ông Lê Văn Hạnh, phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cầu Treo lý giải, đây là những chiếc xe anh em quen biết, nhớ mặt, nhớ biển số… nên không cần làm theo luật.
“Hầu hết các xe này đều của cư dân vùng biên giới buôn bán nhỏ lẻ từ Lạc Sao (Lào) về thị trấn Tây Sơn (Hà Tĩnh). Những phương tiện này, hải quan theo dõi bằng sổ, bằng máy và khi họ đi lại thì không cần khai báo nhằm tạo điều kiện giao lưu, buôn bán thuận tiện”, ông Hạnh trả lời với phóng viên.
Tuy nhiên, khi được hỏi về văn bản liên quan đến công tác kiểm tra mở các phương tiện của cư dân khu vực biên giới thì ông Hạnh lại tỏ ra lúng túng khi không đưa ra được 1 công văn cụ thể nào.
Câu hỏi là khi những chiếc xe ô tô này tạm nhập không tái xuất hay tạm xuất lại không tái nhập thì ai chịu trách nhiệm, chưa kể đến nhiều phương tiện vận chuyển những mặt hàng quốc cấm, trốn thuế với số lượng lớn?
Xuân Hồng – Hồ Ngọc