Tới dự buổi lễ có bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL); ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng; ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP.Đà Nẵng.
Trước đó vào ngày 14/4, bộ VH-TT&DL đã ra quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Hải Vân Quan trực thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, trên cơ sở tham mưu và đề xuất của các sở, ban, ngành 2 địa phương.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Sau một thời gian dài bị tàn phá vì chiến tranh cùng với việc trùng tu, bảo vệ còn nhiều vấn đề thiếu sót, 2 địa phương sẽ tiến hành khảo cổ, phục dựng, tôn tạo nhằm phát huy tối đa giá trị về lịch sử, du lịch của Hải Vân Quan”.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cùng chung quan điểm: “Tôi rất ủng hộ và nhiều lần phát biểu trong cuộc họp giữa 2 địa phương là phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa, cho các cơ quan ban, ngành phối hợp với nhau, để xây dựng hồ sơ công nhận di tích và các công việc khác. Vị trí di tích nằm giáp ranh giữa 2 địa phương nên đã gây nhiều khó khăn về mặt pháp lý, ảnh hưởng đến việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử và công tác trùng tu, tôn tạo”.
Được biết, trong buổi lễ, lãnh đạo 2 tỉnh cũng đã quyết định ký biên bản 6 điều ghi nhớ, về việc phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Hải Vân Quan.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Việc đầu tiên phải làm sau khi Hải Vân Quan được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, đó là phải quy hoạch rõ ràng về việc cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích. Tiếp đến, chúng tôi sẽ lên kế hoạch khảo cổ học, lấy ý kiến nhiều chuyên gia để tiến hành trùng tu và bảo tồn di tích. Đồng thời, 2 bên cũng đã dự kiến lên kế hoạch với các doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác bảo tồn, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xã hội hóa công tác bảo tồn".
Ngoài ra, ông Hải cũng nhấn mạnh: "Chúng ta phải có một phương án tối ưu để vừa phát huy giá trị, vừa bảo tồn di tích, đồng thời biến di tích thành điểm du lịch hấp dẫn, hiệu quả. Mục địch cuối cùng là chúng ta phải chung tay, để xây dựng Hải Vân Quan thành biểu tượng cho sự hợp tác của 2 địa phương".
Hải Vân Quan là một cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự của triều Nguyễn. Ở độ cao 500m so với mực nước biển, cụm bố phòng quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… Đèo Hải Vân là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Đứng ở di tích Hải Vân Quan, du khách có thể nhìn thấy toàn bộ TP.Đà Nẵng thu nhỏ, uốn lượn dọc bờ biển, lại có thể trông về cù lao Chàm, cảng Tiên Sa... Còn nếu xuất phát từ hướng Thừa Thiên - Huế, để đặt chân lên Hải Vân Quan bạn phải trải qua 3 đèo Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân. Ngay trên đỉnh đèo, những cửa đèo và thành lũy đắp ngang vẫn còn dấu vết. Cửa trông về phủ Thừa Thiên có ba chữ: Hải Vân Quan. Cửa trông xuống Đà Nẵng có dòng chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" (theo sử sách còn ghi lại thì đây là những dòng chữ do vua Lê Thánh Tông đề tặng, khi dừng chân ngắm cảnh nơi này). |
Xuân Long