Ngày 15/5, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã ký văn bản khẩn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Các quán ăn, hàng rong tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo đó, vừa qua, trên địa bàn thành phố Phan Thiết đã xảy ra trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm từ những khách du lịch lưu trú tại các khu du lịch thuộc phường Hàm Tiến và phường Mũi Né do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn từ các quán ăn, gánh hàng rong ở bãi biển.
Sự việc xảy ra vừa tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân và du khách, vừa gây mất mỹ quan, hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh Bình Thuận.
Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền. Đồng thời, tích cực phối hợp liên ngành để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các nhà hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, chú ý quán triệt, nâng cao nhận thức, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động và thực hiện nghiêm túc các quy định cũng như khuyến cáo của ngành y tế trong hoạt động sản xuất, chế biến thức ăn, thức uống phục vụ khách như: Vệ sinh thường xuyên thiết bị, vật dụng nhà bếp, nhà hàng; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc; không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc; không sử dụng phẩm màu độc hại và các chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, xây dựng các quy định của đơn vị về phục vụ ăn uống để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách...
Kiên quyết xử lý các cơ sở chây ì, không thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các khu du lịch, lễ hội, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...
Khuyến cáo người dân cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải sử dụng nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm.
Các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục để chế biến, các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị lạ, màu sắc thay đổi khác thường.
Đối với nội dung tuyên truyền, cần phải trực quan, sinh động, dễ nhìn, dễ thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
Cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý, trong đó tập trung vào các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể... và thức ăn đường phố, đặc biệt là các hàng, quán trước các khu công nghiệp, trường học và bệnh viện.
Trong công tác kiểm tra phải lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng. Cần tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở mới khởi nghiệp thực hiện đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời, kiên quyết xử lý các cơ sở chây ì, không thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Công khai các cơ sở có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, thuốc men, trang thiết bị chuyên môn để điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Như Người Đưa Tin đã thông tin, vào lúc 10h30 ngày 12/5, Sở Y tế nhận thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Nhà hàng Hồng Vinh do Công ty Viettravel tổ chức đi du lịch tại Hàm Tiến (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết). Sở Y tế đã thành lập Đoàn điều tra ngộ độc và tiến hành điều tra, giám sát thu thập thông tin, kết quả sơ bộ.
Cụ thể, đoàn khách Viettravel gồm 750 khách ở tại Resort Sealion có ăn cơm tối tại Nhà hàng Hồng Vinh lúc 18h30 ngày 12/5 với thực đơn như sau: hàu đút lò, ghẹ hấp, ốc hương rang tiêu, cá mặt quỹ nấu cà ri, mực ống nhúng giấm, lẩu hải sản, tráng miệng là nho Mỹ.
Đến khoảng 21h30 cùng ngày, đoàn quay về Resort Sealion nghỉ nghơi, sau đó có một nhóm người xuống bãi biển gọi thêm tôm nướng và thực phẩm khác (không rõ loại) để nhậu.
Đến sáng 13/5, có một số người đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nhập viện. Ca đầu tiên nhập viện lúc 7h30 ngày 13/5 tại Trạm y tế Hàm Tiến, sau đó lần lượt vào Phòng khám Mũi Né và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Tính đến 13h30 cùng ngày, tổng số ca mắc nhập viện là 51 người (trong đó bệnh viện đa khoa tỉnh: 19 ca, trung tâm y tế Hàm Tiến: 13 ca, phòng khám Mũi Né: 19 ca).
Lúc 16h30 cùng ngày tất cả các bệnh nhân đều ổn, tỉnh táo, tiếp xúc được. Đã xuất viện 35 ca, còn 16 trường hợp đang làm thủ tục xuất viện vào ngày mai.
Đến 8h30 ngày 14/5, 16 ca còn lại ngày hôm qua đều được xuất viện. Như vậy vụ nghi ngờ ngộ độc tại Hàm Tiến có 750 người ăn, 51 người mắc và xuất viện sức khỏe ổn định, không có tử vong.
Sở Y tế Bình Thuận đã làm việc với Nhà hàng Hồng vinh để xác minh thêm thông tin liên quan vụ nghi ngộ độc, kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm của hhà hàng.
Tại thời điểm làm việc cơ sở có ghi chép việc lưu mẫu bữa ăn theo thực đơn chiều ngày 12/5, nhưng không còn mẫu do cơ sở tự đi kiểm nghiệm theo yêu cầu của tour du lịch nên đoàn không thể lấy mẫu được.