Có người còn nghi vấn "Việt Nam có hàng ngàn loại cây cỏ, hà cớ gì lại chọn bèo hoa dâu?". Nhắc lại chuyện cũ, tướng Tuân cười: "Tôi đã bị nghi oan".
Trung tướng Phạm Tuân (trái)
Những đồn thổi "chết người"
Tướng Tuân kể, ngày đó nhiều người nhận xét: Nhà du hành vũ trụ Gorbatko bay vào vũ trụ "dắt theo" Phạm Tuân. Trung tướng Phạm Tuân khẳng định lại: "Tôi cho rằng những người đó không hiểu gì về chuyến bay vì nếu tôi không bay thì cũng có người khác thế vào chỗ đó. Con tàu vũ trụ đòi hỏi phải có 2 người điều khiển. Gorbatko là người lái chính, điều khiển con tàu. Còn tôi là lái phụ, phụ trách các thông số kỹ thuật, bảng điều khiển".
Khi đó, trên trạm vũ trụ Soyuz-6 đã có lúa mì, đậu nành, hành và các loại nấm, thậm chí là cả hoa tuylip. Khi Anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ, ông có mang thêm bèo hoa dâu từ đồng ruộng của Việt Nam. Cánh bèo hoa dâu nhỏ bé, đã từng khiến cho người Anh hùng của chúng ta cảm thấy rưng rưng, nghẹn ngào, nay lại cũng trở thành đề tài "chuyện phiếm" cho không ít người.
Ai đó độc miệng từng bảo: "Cái ông Phạm Tuân sinh ra ở đồng quê chiêm trũng nghèo Thái Bình, chuyên nuôi bèo cho lợn ăn có khác. Lên vũ trụ chẳng mang cái gì hay hay mà lại mang bèo hoa dâu. Giờ bèo không biết còn hay mất, có tốt không".
Trung tướng Phạm Tuân giải thích: Chuyện mang bèo đi, phải do đội ngũ các nhà khoa học quyết định, chứ không phải chuyện thích mang gì thì mang. Bèo hoa dâu dễ sinh sôi nảy nở, hút khí cacbonic, sản sinh ra oxy. Trên vũ trụ lại có rất nhiều tia nhiễm xạ, liệu nó có tác động lên con người, lên sinh vật tạo lên sự đột biến gen hay không và mang bèo hoa dâu lên là để phục vụ mục đích nghiên cứu này.
Chưa hết, khi đó chỉ vì thắc mắc về cấp bậc “Trung tá” hay "Thượng tá" của Anh hùng Phạm Tuân mà đề tài này cũng thành "câu chuyện làm quà" cho khối người "ngồi lê đôi mách". Có người chưa rõ thực hư đã vội khẳng định "như đinh đóng cột": Nhờ thành tích bay vào vũ trụ nên Nguyễn Tuân được phong từ Trung tá lên Thượng tá.
Ông "đính chính": "Trước khi bay vào vũ trụ tôi đã là Thượng tá, chứ không phải được đặc cách gì. Nhưng lúc đó, Liên Xô bảo hiện tài liệu đã gửi đi tất cả các đại sứ quán, nếu thay đổi một vài chữ thì phải thay đổi cả
bộ tài liệu vì vậy họ xin phép vẫn để là Trung tá".
Thế nhưng nhìn lại, tất cả những câu chuyện lùm xùm đó, theo Anh hùng Phạm Tuân thì cuối cùng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của ông, mà thậm chí làm ông quyết tâm, nỗ lực hơn trong công tác. ông bảo sợ nhất là để người khác phải nâng đỡ chỗ này, chỗ kia vì mình là "Anh hùng" chứ không phải vì thực lực của bản thân. Mỗi lần chuyển đổi vị trí công tác, đến đâu ông đều tự tạo dựng từ chính nơi đó. "Chưa ai thấy Phạm Tuân đi đâu mà lại có ê kíp nào đi theo, nhằm tạo thêm tay, chân...", Trung tướng Phạm Tuân cởi mở kể lại.
Thanh thản... làm một "lão nông"
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ, những gì cần làm ông đã làm cả rồi. Giờ là lúc ông có thể thảnh thơi dành thời gian cho gia đình, cho thú đam mê trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim và đi du lịch mà khi còn đi làm ông chưa thực hiện được. "Tôi xuất phát từ một nông dân, giờ lại trở về làm một lão nông".
Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân trong cuộc sống ngày thường
Việc tưới cây, chăm chút từng bông hoa, thay rửa chuồng cho chim ông cũng đều tự tay làm lấy. "Lão nông" này còn trổ tài bằng việc tự tạo một vườn rau nhỏ trên sân thượng với rất nhiều loại rau như mồng tơi, rau mùi, rau cải... "Hôm qua, tôi phải bắt xe mất gần 200 ngàn lên tận chợ Bưởi, mới mua được 50 ngàn giống rau diếp về trồng. Còn gì sung sướng hơn khi tự trồng lấy rau sạch để ăn", Trung tướng Phạm Tuân khoe.
Còn với tư cách một người chồng, người cha trong gia đình, Trung tướng Phạm Tuân tự chấm cho mình "điểm trung bình khá”. Ông bảo ông là người sống đơn giản lắm, nhiều lúc là khô khan nên nhiều khi cũng bị vợ trách nhưng ở lâu, hiểu rồi cũng thấy "đáng yêu". Lúc còn đi làm hay khi đã về hưu, ông vẫn thường tự tay nấu ăn sáng hay giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, chia sẻ việc nhà với vợ.
Câu nói cửa miệng của ông hay bị bạn bè đem ra trêu mỗi khi có dịp gặp mặt là "Vợ nói cái gì cũng phải". Vợ ông là bà Trần Thị Phương Tiến (vốn là em gái của một người đồng đội) trước cũng là y tá trong quân đội. Chính vì vậy, ông bà có khá nhiều mối quan tâm chung để sẻ chia. Hai người con của vợ chồng Trung tướng Phạm Tuân giờ đều đã trưởng thành và công tác trong lĩnh vực tài chính, mà chẳng ai chịu theo nghiệp cha. Nhưng ông tôn trọng sự lựa chọn riêng của các con. Con có công việc của con, nên thời gian rảnh rỗi, ông bà lại tổ chức đi du lịch, thăm bạn bè.
"Có người tò mò hỏi không biết sau khi về hưu thì tôi làm những gì. Có bao giờ sợ bị lãng quên hay không. Tôi lại cho rằng cái gì rồi cũng sẽ thành quá khứ. Nhiều sự kiện, con số quan trọng chưa chắc người ta đã nhớ được hết chứ đừng nói đến một cá nhân. Riêng tôi, tôi cho rằng mình đã hoàn thành nghĩa vụ của một người lính nên giờ có thể yên tâm sống những ngày nhàn tản...", Trung tướng Phạm Tuân nói.
Ông tâm sự: "Nếu cho làm lại từ đầu, tôi cũng sẽ hết mình để cống hiến mà không quan tâm đến được gì, mất gì; bởi so với những người đồng đội đã nằm xuống thì được sống sót trở về đã là một điều quá may mắn đối với tôi".
Minh Lý