Theo báo Người Đưa Tin đã thông tin, cơn bão số một đổ bộ vào đất liền đã gây ra nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Bắc. Trong đó, phải kể đến tỉnh Hà Nam, Nam Định bởi chỉ sau một đêm mưa bão, hàng loạt cột điện trung thế bất ngờ đổ gãy khiến đời sống người dân ở tỉnh cùng những cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý công trình này gặp rất nhiều khó khăn và… mâu thuẫn.
Dân bảo có vấn đề vì công trình mới dựng đã đổ, lõi thép của cây cột điện chỉ bé bằng… ngón tay. Ngược lại, trưởng ban quản lý đầu tư Tổng công ty điện lực miền Bắc lại bảo… đúng quy trình, được thêm các cán bộ huyện giải thích rất “logic”, khiến người dân thấu hiểu vô cùng.
Các bác bảo thép này là thép chịu nhiệt, không có độ cứng như bình thường mà có độ dẻo nên khi bị gãy là đứt rời chứ không bị uốn cong!? Hóa ra trên đời này cũng có thứ càng dẻo càng dễ gãy. Đôi khi tôi hoài nghi chính kiến thức phổ thông của mình chỉ vì mấy cây cột điện…
Cột điện đổ. Ảnh minh họa.
Thôi thì “miệng nhà quan có gang có thép”, gang thép trong miệng quan, dẻo hay cứng, to hay bé… chỉ có quan biết chứ dân biết sao được!
Nhưng xét một cách toàn diện thì việc cột điện được trồng “đúng quy trình”, “đủ tiêu chuẩn” để chịu được gió bão cấp 13 mà mới một cơn gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10-11 đã “gục” thì đó là chuyện quá bình thường, thậm chí việc đó đáng tuyên dương cho đội ngũ đã thi công công trình đó.
Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy vô lý và bất bình khi tôi đưa ra nhận định trên. Nhưng các vị hãy bình tĩnh, nhấp ngụm nước trà, làm một phép so sánh nhẹ nhàng giữa sức tàn phá của cơn bão số 1 vừa qua với trận giông lốc bất chợt vào đêm 21/4 đã đổ bộ vào miền Bắc. Hay đơn giản là so sánh độ cứng của cây cổ thụ đường phố Hà Nội với cây chuổi ở Bắc Giang ta sẽ vỡ được ra nhiều điều.