Trước đây, huyện Chư Pưh được coi là thủ phủ cây hồ tiêu. Nhờ vào vườn tiêu, bà con có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Thế nhưng hiện nay, thực tế đã khác, chỉ cần ngang qua quốc lộ 14, đoạn qua huyện Chư Pưh, hình ảnh đập vào mắt người đi đường là cảnh hàng trăm hecta hồ tiêu “chết trắng” trơ lại mỗi cọc ở hai bên đường.
Dạo một vòng quanh thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, PV chứng kiến cảnh tượng người dân trồng tiêu đua nhau dùng máy cày phá bỏ vườn tược, tiếng máy cày gầm rú. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, hàng chục hecta hồ tiêu bị quật ngã, trụ nằm la liệt trên mặt đất.
Dừng chân tại gia đình anh Trần Văn H. (35 tuổi, ngụ thôn Thiên An), PV thấy hai anh em H. đang hì hục giữa trời nắng gắt điều khiển máy cày, nhổ bỏ toàn bộ cọc tiêu trong vườn.
Trò chuyện với PV, anh H. cay đắng: “Năm nay, gia đình mình thất thu không biết lấy gì mà ăn uống, chi tiêu con cái học hành… Hơn 400 trụ tiêu của gia đình chết sạch không còn một trụ. Không riêng gì gia đình tôi, cả xã, huyện này hầu như vườn tiêu gia đình nào cũng lâm vào cảnh tương tự. Hiện tại, ai cũng đành phải lấy ngắn nuôi dài, phá bỏ, nhổ hết toàn bộ cọc chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi. Nhiều gia đình khác vay ngân hàng đầu tư giờ tiêu “chết trắng”, chán nản bỏ đi nơi khác làm thuê cả rồi”.
Tiếp đó, PV tìm đến gia đình bà Trần Thị M. (47 tuổi, thôn Thiên An), bà M. vẻ mặt phảng phất nỗi lo âu chỉ tay vào mảnh vườn trống không, buồn bã: “Hôm qua, gia đình tôi thuê máy cày nhổ hết toàn bộ cọc tiêu gom về thành đống cao ngất ngưởng đấy. Cứ đà này, chúng tôi ở đây chết đói, thanh niên chán nản bỏ xứ đi gần hết. Thật sự, chúng tôi cũng rất hoang mang không biết tiếp theo nên trồng cây gì, bởi tiêu trong vườn ngoài rẫy đua nhau chết hàng loạt".
Bà M. phân trần: “Không biết tiêu mắc phải bệnh lạ gì, triệu chứng cứ như tưới nước sôi, cành, lá đột nhiên mềm nhũn rụng từ trên ngọn xuống gốc. Bệnh lây lan cực nhanh, một tuần là chết sạch cả vườn. Chúng tôi cứu bằng đủ cách như phun thuốc, bón phân trị đủ thứ nhưng không ăn thua. Nhìn vườn tiêu cơ ngơi của gia đình chết dần chết mòn nóng hết cả ruột gan. Trong thôn, bà con chán nản, gia đình nào cũng cắn răng dùng máy cày, máy ủi phá bỏ vườn tiêu tìm hướng đi mới”.
Liên quan đến vấn đề nói trên, ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết, tiêu chết ảnh hưởng cực lớn đến đời sống của người dân trong xã. Trước đây, ở xã Ia Blứ, những trường hợp thu nhập tiền tỷ mỗi vụ từ tiêu rất nhiều, giờ thì rất hiếm. Thậm chí hiện nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn chết rất nhiều, lan tỏa trên diện rộng. Có nhiều người vay vốn đầu tư vào vườn tiêu nay lâm nợ đành bỏ đi nơi khác làm thuê.
Hồ Nam