Để có thể mang “đứa con tinh thần” của mình ra mắt công chúng như ngày hôm nay, Trần Tuấn Long đã phải trải qua những khó khăn, rào cản, định kiến xã hội cho rằng, các tác phẩm của anh “cổ vũ mê tín dị đoan”.
Đưa “người trần vào bóng thánh”
Tới triển lãm Giá Thánh, dù không có nhiều kiến thức về hội họa, nhưng chúng tôi cũng bị cuốn hút với những tác phẩm sơn mài của Trần Tuấn Long. Từ Mẹ Âu Cơ huyền thoại đến Mẹ Việt hiển Thánh nơi cõi trần, Bà Chúa Liễu Hạnh mang ngôi vị Đệ Nhất Thượng Thiên trong Tam tòa Thánh Mẫu cùng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Mẫu Đệ Tam Thoái Phủ… qua nét vẽ của Trần Tuấn Long, những tác phẩm đó trở nên cuốn hút khó tả.
“Ngọn bút sơn mài thuần thục của họa sĩ Trần Tuấn Long bay múa huyền hoặc theo các giá đồng ở những không gian thiêng nơi cửa đền, cửa phủ. Đĩa màu ảo diệu của sơn mài truyền thống Việt đã dẫn dắt, đan cài những hình hài bí ẩn đưa “người trần vào bóng thánh”. Các tác phẩm sơn mài độc đáo của họa sĩ Trần Tuấn Long đã mở tiếp một trang đẹp đẽ cho dòng tranh Thánh Mẫu trong nền hội họa đương đại Việt Nam thế kỷ XXI”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét.
“Giữa các đồng nghiệp cùng sử dụng sơn ta hiện nay, Trần Tuấn Long thể hiện rõ sự khác biệt. Anh có khả năng làm chủ kỹ thuật tạo hình và kỹ thuật nghề sơn mài, điều mà không phải bất cứ ai làm sơn mài cũng có thể đạt được. Làm chủ kỹ thuật nghề sơn mài trong nghệ thuật tạo hình khác rất xa với sự điêu luyện trong mỹ nghệ và nghệ thuật ứng dụng. Người làm nghệ thuật tạo hình không bị chi phối bởi sự thành thạo và khéo léo. Anh tự do với chất liệu và kỹ thuật. Sự tự do này là kết quả của quá trình lao động nỗ lực, dai dẳng, nó phát huy những khả năng lớn trong sáng tạo của nghệ sĩ. Long có đời sống nghệ thuật lặng lẽ, không ồn ào, có cái nhìn chăm chú vào nội giới và cái mình muốn biểu hiện”, họa sĩ Lý Trực Sơn nhận định.
Trong tranh của Trần Tuấn Long, tín ngưỡng đạo Mẫu mang màu sắc nguyên sơ như thuở ban đầu. Sử dụng sơn mài để diễn tả về thế giới tín ngưỡng huyền ảo lung linh, Trần Tuấn Long đã tận dụng được lợi thế của các sắc độ ẩn sâu dưới tầng tầng lớp lớp sơn. “Thực ra, về sơn mài truyền thống, các giá đồng đã là một nghệ thuật mang tính phương Đông. Nhưng, tranh của Trần Tuấn Long lại toát lên nét đẹp hiện đại khi dáng bà đồng, ông đồng trong trang phục rất hiện đại. Ngay trong bức tranh đã mang một không gian rất huyền bí, hiện đại. Hiện đại, truyền thống đan xen, nhưng không hề mâu thuẫn mà nó hỗ trợ cho nhau cùng tỏa sáng. Đây chính là nét thành công của Long”, Wei Kuo (Đài Loan), người phụ trách những chương trình nghệ thuật tại Việt Nam (Vietnamese art curator) đánh giá.
Hành trình vượt qua rào cản: Những bức tranh tuyên truyền mê tín dị đoan
Để mang được “đứa con tinh thần” của mình ra mắt công chúng trong triển lãm Giá Thánh, họa sĩ Trần Tuấn Long đã duy trì đam mê trong suốt 20 năm qua. Những bức tranh đầu tiên của Trần Tuấn Long khi được gửi tham dự triển lãm và các cuộc thi đều bị trả lại. Thâm chí, có vị quan chức trong ngành mỹ thuật còn nhận xét, "tranh của anh mang đầy màu sắc mê tín dị đoan”.
Nhưng, đến thời điểm hiện tại, khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trần Tuấn Long đã được tiếp thêm sức mạnh trong các sáng tác. 26 bức tranh – 26 giá đồng bày trong triển lãm Giá Thánh là những tác phẩm thể hiện chân dung, sắc diện của thanh đồng đương đại kết hợp với vốn cổ…
Để theo đuổi, gắn bó với đề tài tín ngưỡng đạo Mẫu, họa sĩ Trần Tuấn Long đã tham dự nhiều buổi hầu đồng, tìm hiểu, tiếp xúc nhiều tài liệu về chủ đề này.
“Đã 20 năm nay, tôi coi hướng về đạo Mẫu là việc phải làm và câu chuyện về Thánh Mẫu của tôi bắt đầu từ năm 1996. Năm đó, tôi dẫn một người bạn về thăm quê, lúc đó đã 10h đêm, tôi và anh ấy đi hóng mát ở khu vực đền Vua Bà. Đây là ngôi đền thờ người phụ nữ đã chỉ dẫn thủy triều lên xuống cho Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông. Và chính nơi đây đã là sợi dây kết nối đưa tôi đến với hầu đồng”, họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ về cơ duyên đưa anh đến với đề tài này.
Những rộn ràng thanh âm, không gian ngập tràn sự huyền bí vào lúc nửa đêm… đã chạm tới cảm xúc, chất nghệ sĩ của Trần Tuấn Long. Sau buổi xem diễn xướng ấy, họa sĩ đã bị mê hoặc, anh nghĩ mình phải vẽ, vẽ để thỏa mãn chính bản thân mình.
Nhưng, khoảng thời gian ấy ở Việt Nam chưa có cái nhìn đúng đắn về Đạo Mẫu, điều đó đã gây ra khó khăn trong quá trình Trần Tuấn Long theo đuổi đề tài. “Hai mươi năm đau đáu với một đề tài bị coi là nhạy cảm, tôi cũng từng chọn những bức tranh tốt nhất của mình tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (tổ chức 5 năm một lần), nhưng các tác phẩm đều bị loại với lý do "chủ đề tuyên truyền mê tín dị đoan"”, họa sĩ tâm sự.
Tác phẩm vẽ ra lại cất đi, đời sống người nghệ sĩ đã có những lúc rơi vào khó khăn. Đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ”, để theo đuổi đề tài đạo Mẫu, Trần Tuấn Long vẫn vẽ về đề tài này, nhưng làm theo lối nhỏ giọt, mỗi năm vẽ vài bức còn các bức tranh phong cảnh hay các đề tài xã hội khác là nguồn chính để nuôi sống anh cùng gia đình.
Từng là thầy giáo, chứng kiến những bước đi đầu tiên của Trần Tuấn Long, họa sĩ Trần Đốc, nguyên giảng viên trường đại học Mỹ thuật cho hay: “Không chỉ riêng Trần Tuấn Long, đối với họa sĩ khi theo đuổi một đề tài, nhưng vì điều kiện xã hội mà bị cấm đoán thì buộc phải chấp nhận. Thế nhưng, cách Long tâm huyết với đạo Mẫu, với những giá đồng chính là điều khiến giới họa sĩ chúng tôi đánh giá cao. Đặc biệt, với các tác phẩm tranh sơn mài truyền thống, Long đã rất thành công khi miêu tả chân thực những thanh đồng với các bộ xiêm y rực rỡ nhiều màu sắc”.
Nói về niềm hạnh phúc khi triển lãm Giá Thánh được tổ chức, họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ: “Tôi muốn mang đến cảm xúc của một họa sĩ đang sống ở thời điểm hiện tại nhìn về hầu đồng ở thời điểm hiện nay, những cảm nhận của một nghệ sĩ về tín ngưỡng dân gian này. Chắc chắn, sau triển lãm này, tôi sẽ vẫn tiếp tục vẽ về đạo Mẫu, vẽ về chủ đề văn hóa tín ngưỡng mà đã từ rất lâu mình yêu và gắn bó. Tôi thực sự thấy hạnh phúc khi mình đang góp một phần trong việc gìn giữ nét văn hóa người Việt, truyền tải và đưa chúng vào hội họa”.
Xem thêm >>> Lễ hội đường phố tại Đà Nẵng có gì đặc biệt?
Phương Anh