Dù sau đó bị tàn phế nhưng cô không từ bỏ, với một bàn tay duy nhất còn cử động được, cô đã viết nhật ký với một tình yêu mãnh liệt với cuộc sống. "Tôi đã được sống và sẽ phải sống thay những nạn nhân đã không được may mắn như mình".
23 giây quả thực quá ngắn ngủi để hoàn thành một việc gì đó, nhưng đối với Vương Lâm Mai, 23 giây xảy ra động đất tại thành phố Đường Lâm vào ngày 28/7/1976 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô. Từ một nữ chiến sỹ tiên tiến thuộc quân đội nhân dân Trung Hoa với một tương lai sáng lạn phía trước, cô trở thành một người tàn phế, phải gắn cuộc đời còn lại với chiếc giường.
Việc Lâm Mai có thể sống hơn 30 năm trên chiếc giường mà chưa một lần than vãn, hay rơi nước mắt cho số phận của mình đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Khi trận động đất xảy ra, Lâm Mai mới vừa bước qua tuổi 19. Đối với một người con gái đang thì xuân sắc với tài năng và sức trẻ như Lâm Mai thì việc phải nằm một chỗ và chờ đợi sự chăm sóc từ người khác quả là một cực hình.
Sau khi trải qua thời gian chấn động tâm lý trầm trọng, cô gái 19 tuổi này đã tự nhủ rằng: "Mình đã may mắn hơn nhiều người sau vụ động đất vì còn được nhìn thấy và cảm nhận cuộc sống. Chết thì rất dễ nhưng được sống mới là khó. Cái chính là nên tiếp tục sống như thế nào?
Để thực hiện cho được mục tiêu của mình là phải sống tốt, mặc dù là một người tàn phế hoàn toàn, nhưng với kỳ tích rèn luyện của mình, Lâm Mai một lần nữa lại chứng minh cho những người xung quanh mình biết rằng: "Được sống thì phải sống tốt". Sự kiên cường có sẵn cộng với lòng kiêu hãnh của một người chiến sỹ đã giúp Lâm Mai giấu những giọt nước mắt vào sâu trong trái tim.
Sau một thời gian dài tiến hành điều trị nhưng không thu được kết quả khả quan, các bác sỹ ngậm ngùi nói với bố mẹ cô rằng cuộc sống của cô sẽ chỉ gắn liền với chiếc giường. Khi nhận được tin này, Lâm Mai đã không khóc.
Lâm Mai muốn được tận hưởng cuộc sống từng giây, từng phút
Tại thời điểm đó cô đã nghĩ rằng: "Mặc dù mình tàn phế về thể xác nhưng không tàn phế về tinh thần. Với một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ cùng với sự chăm sóc từ người mẹ, sau một thời gian dài tập luyện, bàn tay phải của Lâm Mai đã có thể hoạt động lại.
"Tôi đã khóc như một đứa trẻ khi cảm nhận được sự đau đớn từ những ngón tay. Đau có nghĩa là còn sức sống. Chưa bao giờ tôi lại cảm nhận hạnh phúc qua sự đau đớn như lúc đó…"
Dù ngón tay buốt nhói khi cầm bút viết, nhưng sự đau đớn về thể xác không ngăn Lâm Mai viết ra được những cảm nhận của mình đối với cuộc sống xung quanh. Người thân của cô đã quen thuộc với hình ảnh một cô gái nằm trên giường cầm bút nguyệch ngoạc viết những dòng chữ xô lệch không thẳng hàng.
Từ khi có máy tính, Lâm Mai có thể tự mình đánh máy tính. Sau hơn 30 năm nằm trên giường bệnh với chỉ một bàn tay phải có thể cử động, Lâm Mai đã viết rất nhiều những cảm xúc cũng như cảm nhận của cá nhân cô đối với cuộc sống xung quanh. Không những thế, giờ đây khi đã có thể lướt web một cách thành thạo và có rất nhiều bạn bè trên khắp thế giới.
Lời cuối trong một cuốn sách mà Lâm Mai đã viết về chuỗi ngày đen tối của mình có đoạn như sau: "Cuộc sống giống như một tấm gương, bạn khóc thì nó sẽ khóc, bạn cười thì nó sẽ cười. Chỉ cần trái tim không chết thì bất kỳ trở ngại nào cũng có thể vượt qua".
Thủy Bình