Có điều kiện, lại tìm "anh em"
Chúng tôi tìm đến nhà ông Ong Thế Huệ vào một buổi sáng cuối năm dưới cái lạnh tê tái của tiết cuối đông và không khí hối hả của ngày Tết cổ truyền sắp cận kề. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ 254, phố Minh Khai (Hai Ba Trưng, Hà Nội), vị chỉ huy lão thành của Trung đoàn Tu Vũ, Sư đoàn 308 lừng danh như được sống lại những ký ức bi tráng thuở nào. Những đêm cùng đồng đội nằm rừng phục kích, chia nhau từng miếng cơm vắt, từng ngụm nước, tiếng đạn pháo hay hỏa lực từ các chiến hào vọng lại... lại được tái hiện chân thực qua lời kể của ông.
Dù đã ở tuổi ngoài 80, mái đầu bạc trắng vì thời gian nhưng trông người Chính ủy Ong Thế Huệ vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn lạ thường. Ngược dòng thời gian, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về khúc tráng ca bất diệt của Trung đoàn 88 anh hùng và hành trình tìm lại "tên tuổi" cho đồng đội của ông.
Theo lời ông Huệ, nhắc đến Trung đoàn 88, nhiều người vẫn ngợi ca là đơn vị sở hữu "bộ sưu tập" nhiều cái "nhất" và "đầu tiên". Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 1/7/1949 tại xã Tân Cương (Thái Nguyên). Đây cũng là đơn vị được đánh nhiều trận mở màn chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên. Trung đoàn cũng từng ba lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, 6.000 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã nằm lại nơi chiến trường. Nhiều phần mộ trong số đó đã được quy tập nhưng tên tuổi của các anh vẫn còn lưu lạc đâu đó khắp đất nước.
Ông Ong Thế Huệ, nguyên Chính ủy Trung đoàn 88, Sư đoàn 308.
Trong câu chuyện giữa ngày đông, ông Ong Thế Huệ bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hành trình tìm lại danh sách 6.000 liệt sĩ trong trung đoàn của mình. "Sau giải phóng, tôi trở lại miền Nam công tác, làm ở Tổng kho vũ khí Long Bình, Cục Quân khí đóng ở Đồng Nai. Có điều kiện tôi lại đi tìm anh em. Sau giải phóng 1 tuần, người đầu tiên tôi tìm là Anh hùng Nguyễn Văn Ty, bạn tôi. Khi về hưu, sinh sống ở Hà Nội, năm nào tôi cũng vào Nam 1 lần. Đến năm 1994, tập thể Ban liên lạc của Trung đoàn 88 chính thức bắt tay vào cuộc tìm đồng đội. Mỗi lần 20 anh em cùng đi, đều tự lực cánh sinh. Chúng tôi chỉ đủ sức tìm anh em trong Trung đoàn thôi", ông Huệ kể lại.
Nhắc đến những đồng đội từng vào sinh ra tử với mình, khuôn mặt ông Huệ như chùng xuống: "Ngày xưa khi chôn đồng đội, chúng tôi đánh dấu rất kỹ xem chôn ở ruộng nhà ai, vườn nhà ai. Giờ đi tìm có khi nơi còn nơi mất. Có địa phương ở tận đồng bằng sông Cửu Long, đến khu vườn tìm thì hàng chục mộ của đồng đội đã không còn, người ta chỉ còn giữ lại danh sách đồng đội đã ngã xuống mà ngày xưa chúng tôi bàn giao cho".
Hồi chiến tranh, mỗi khi trung đoàn di chuyển, ông Huệ đều gửi lại các quân khu một bản danh sách đồng đội đã hy sinh, một bản khác đơn vị mang theo. Sau này, bom đạn ác liệt, danh sách cũng bị thất lạc gần hết, ông phải trở về chiến trường xưa để tìm lại. Khi tuổi cao sức yếu, ông vẫn cùng đồng đội tiếp tục hành trình tìm lại danh sách anh em đã hy sinh. Cả trung đoàn có khoảng trên 6.000 liệt sỹ, thì đến tháng 9/2012, ông đã tìm được gần 90% liệt sỹ trong số đó. Nhờ danh sách này, ông nhớ được kết quả của từng trận đánh, con số thương vong của đơn vị cũng như địa điểm chôn cất liệt sỹ.
Sau khi sưu tầm, ông gọi đồng đội đến để lọc ra danh sách từng tỉnh, gửi cho các cộng tác viên ở khắp các tỉnh của Ban Liên lạc Trung đoàn 88. Đến nay, ông cùng đồng đội đã xây dựng được lực lượng "liên lạc viên" với thân nhân các liệt sỹ của Trung đoàn 88 ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tây (cũ), Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An. Những "liên lạc viên" này từng là cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 88. "Trong số các cộng tác viên, ông Đào Văn Quân ở Yên Từ, Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam có lẽ là số 1. Chỉ với chiếc điện thoại, chiếc xe đạp cà tàng, ông ấy đã rong ruổi khắp nơi, đến từng gia đình liệt sỹ để báo tin mà không mảy may tính toán, đắn đo", ông Huệ chia sẻ.
Ông Huệ cũng đã xây dựng một lực lượng cộng tác viên đông đảo ở miền Nam để giúp đỡ cho thân nhân của gia đình các liệt sỹ vào Nam tìm mộ. Ông kể cho chúng tôi nghe về tấm gương của một bác sĩ thuộc Trung đoàn 88. Đó là bác sĩ Nguyễn Thanh Bon, quê ở Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Vợ của bác sĩ Bon đang mắc bệnh ung thư phải điều trị rất tốn kém nhưng bất cứ gia đình nào vào Trảng Bàng, đoàn đều giới thiệu vào nhà bác sĩ để được giúp đỡ. Không biết bao nhiêu gia đình đã vào nhà bác sĩ Bon để dừng chân trên đường đi tìm mộ người thân.
Bốn mươi năm... một hành trình
Sau ngày đất nước giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, những người lính Trung đoàn 88 như ông Huệ vẫn luôn nặng lòng thương nhớ 6.000 đồng đội đã hy sinh. Sau khi tìm được danh sách của nhiều đồng đội, ông Huệ bắt đầu ý tưởng xây dựng một khu tưởng niệm liệt sỹ của Trung đoàn 88 ở xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên để khắc bia đồng đội đã hy sinh. Đây là nơi trung đoàn thành lập, cũng chính là nơi đoàn quân uy danh xuất kích đánh trận đầu tiên.
Ông Huệ kể lại: "Lúc đầu, chúng tôi đều phân vân vì không biết lấy tiền ở đâu. Anh em quyết định kêu gọi lòng hảo tâm của các cựu chiến binh Trung đoàn 88 ở ngoài Bắc và trong Nam cùng thân nhân các gia đình liệt sỹ của đơn vị cũng như các "mạnh thường quân" ngoài xã hội. UBND xã Tân Cương đã cấp cho hơn 1.000m2 đất để xây khu tưởng niệm. Công đức được hàng chục tấn xi măng. Lúc mảnh đất còn hoang vu, người dân ra làm giúp mà không lấy bất kỳ đồng công nào. Rồi chúng tôi tiến hành đào hồ. Lúc đầu người ta không muốn đưa máy móc vào đào vì đường sá khó đi, nhưng rồi họ cũng vào vì biết đây là công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nên rất ủng hộ. Đúng 1/7/2003, chúng tôi bắt đầu thi công công trình. Đến 23/7/2009, công trình được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn 88. Tổng chi phí cho công trình là 1,2 tỷ đồng, đều là tiền công đức của đồng đội và hảo tâm của xã hội".
Giờ đây, trên khuôn viên rộng hàng nghìn m2 tại trung tâm văn hóa xã Tân Cương là một công trình văn hóa đậm chất sử thi, lãng mạn và ấn tượng, ghi dấu ấn ngày thành lập Trung đoàn 88 ba lần anh hùng. Ông Huệ kể, qua cổng chính khuôn viên là một hồ nước trong. Từ bờ hồ phía trong bước lên các bậc đá đến một gò cao. Trên đỉnh gò là một biểu tượng hình cây đuốc bằng đá xanh nguyên khối cao 288cm. Trụ đá hình tròn với hai ngọn lửa ở trên tượng trưng cho hai trung đoàn anh em ruột thịt cùng một mẹ 88. Bốn góc biểu tượng chính là 4 cây đèn đá, mỗi cây đèn có một khoảng cách 308cm, ý tưởng của người thiết kế là trung đoàn nằm trong lòng mẹ: Sư đoàn 308.
"Giờ chúng tôi đã khắc bia được 4.200 liệt sỹ ở khu lưu niệm của trung đoàn. Sang năm chúng tôi sẽ khắc tiếp, phấn đấu khắc đầy đủ tên 6.000 liệt sỹ của đơn vị, không thể để người được khắc bia, người không được khắc", ông Huệ kể về dự định trong năm tới.
Chiến công mang tên "thanh kiếm sắc" Trong buổi sáng lịch sử thành lập Trung đoàn 88, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt T.Ư Đảng, Mặt trận Việt Minh đã trao tặng đơn vị thanh kiếm sắc khắc bốn chữ "Mã đáo thành công" như một trách nhiệm lịch sử. Thanh kiếm đã vung lên trong trận vận động chiến "khóa đầu chặn đuôi" Binh đoàn lê dương Sác Tông trong chiến dịch Biên giới (1950), mở cánh cửa thông với thế giới bên ngoài. Lúc ấy, trung đoàn chưa đầy một tuổi. Thanh kiếm sắc một lần nữa lại vung lên trong trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ mở đầu chiến dịch Hòa Bình (1951). Dấu ấn sâu đậm nhất của thanh kiếm sắc là cùng với các đơn vị bạn trong đội hình Sư đoàn 308 đập tan phòng tuyến Nậm Hu (Thượng Lào) để sau đó (ngày mùng 1 Tết Giáp Ngọ), Trung đoàn cấp tập hành quân về bao vây Điện Biên Phủ. Thanh kiếm sắc lại vung lên đánh trận mở màn, đập tan cứ điểm Độc Lập. |
Anh Văn