1. “Quốc ca là một phần của lịch sử VN. Và, chúng ta hãy nhìn Quốc ca bằng tâm thức lịch sử, chứ không nên áp đặt những cái nhìn theo tính chất thời thượng”. Ông Quốc nói.
Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca
Trước đó, theo ĐBQH Huỳnh Thành, Quốc ca VN hiện có giai điệu hào hùng và đi vào lòng người. Tuy nhiên, để phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước, việc thay lời cho Quốc ca cần được đặt ra. Điển hình, đại biểu Thành lấy ví dụ về yêu cầu cần thay đổi nội dung của câu Quốc ca số 6 (Đường vinh quang xây xác quân thù). Với đề xuất này, Quốc ca VN sẽ có lời mới, dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.
“Vấn đề thay đổi Quốc ca đã từng được đặt ra một số lần, trong đó phải kể tới đợt vận động sáng tác Quốc ca mới vào đầu thập niên 1980. Cuối cùng thì những ý tưởng ấy cũng không đi tới kết quả nào”. Ông Quốc nhận xét. “Bởi thực tế, từ khi ra đời và trải qua nhiều biến động của lịch sử, Quốc ca đã trở nên quen thuộc, gần gũi và được mọi người dân VN chấp nhận rồi”.
Theo ông Quốc, thay vì đặt vấn đề trên, những cơ quan chức năng nên chú ý đưa ra những yêu cầu về nghi thức bắt buộc khi hát Quốc ca. “ Điều cần thiết bây giờ là... tăng số người hát Quốc ca, chứ không phải sửa lời”.
Quốc ca Việt Nam đã được sử dụng liên tục trong gần 70 năm kể từ khi ra đời
"Hiện tại, rất nhiều sự kiện trang trọng vẫn chỉ sử dụng Quốc thiều (phần nhạc nền Quốc ca) và đó là điều không hay chút nào” - ông Quốc nói thêm - “ Bởi, hát Quốc ca là dịp để mỗi cá nhân thể hiện ý thức chính trị của mình. Ở một số trường khiếm thính, các em học sinh vẫn hát Quốc ca theo ngôn ngữ đặc thù của mình - trong khi rất đông người lớn hiện nay lại không làm điều đó và ỷ lại vào... băng đĩa nhạc. Đó là điều rất nên suy nghĩ”.
2. Quốc ca VN được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 với tên gọi ban đầu Tiến quân ca và được Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa chính thức chọn là Quốc ca vào năm 1946 – sau khi mời ông sửa lại một vài chi tiết nhỏ so với nguyên gốc ban đầu.
Trong cuộc trao đổi với PV đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết: nguyện vọng cá nhân của phía gia đình vẫn là giữ nguyên phần lời cho bài Quốc ca này. (Về mặt lý thuyết, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao là chủ sở hữu bản quyền Quốc ca. Nhưng nếu việc đổi lời Quốc ca được thông qua thì sẽ áp dụng theo điều 7.3 của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, nhằm đảm bảo một số lợi ích đặc biệt, Nhà nước có quyền hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình).
Theo Thể thao & Văn hóa