Hé lộ khuất tất đằng sau "kịch bản" trùng tu di tích

Hé lộ khuất tất đằng sau "kịch bản" trùng tu di tích

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Vị trí đình cách UBND xã Vĩnh Khúc chỉ khoảng 500m, nhưng lãnh đạo UBND xã dường như chưa nắm được Luật Di sản hay cố tình làm ngơ để sự việc diễn ra đáng tiếc như vậy.

"Ỉm" quyết định của thanh tra Bộ?

Trao đối với PV Người đưa tin, ông Lê Đức Oanh, quyền trưởng ban di tích đình Ngu Nhuế (2010 - 2011) cho biết: "Năm 2010, thấy đình xuống cấp nên tôi đi xin kinh phí của tỉnh, tỉnh cho 20 triệu đồng bằng gỗ để chống sập. Cũng trong năm đó Ban quản lý di tích đình Ngu Nhuế làm hồ sơ lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) xin cấp kinh phí để trùng tu, tu sửa một số hạng mục Đình Ngu Nhuế bị xuống cấp.

Đến tháng 3/2011, UBND xã Vĩnh Khúc thông báo Bộ VHTT&DL đã cấp 100 triệu đồng. Sau đó, Sở VHTT&DL tỉnh Hưng Yên về kiểm tra toàn bộ hiện trạng Đình Ngu Nhuế. Công tác kiểm tra, đánh giá hoàn thành, sở và ban quản lý di tích thống nhất số tiền 100 triệu đồng chỉ đủ kinh phí đảo ngói. Còn việc sửa chữa cánh cửa đình cũng như việc nâng cao nền đình lên khoảng gần 1m, nếu nhân dân công đức đủ kinh phí thì Nhà nước và nhân dân cùng làm, việc này Sở cho phép tiến hành".

Bất động sản - Hé lộ khuất tất đằng sau 'kịch bản' trùng tu di tích

Nhiều cấu kiện gỗ quý giá của Đình Ngu Nhuế bị cưa xẻ vứt đi

Sự việc bắt đầu trở nên phức tạp hơn khi ban quản lý di tích đình Ngu Nhuế xin nghỉ do đã hết nhiệm kỳ một năm (21/9/2011-21/9/2012). Cũng theo người dân nơi đây, ban quản lý di tích vẫn được nhân dân tín nhiệm, nhưng vì đầu năm vừa rồi một số bài thơ nặc danh được làm dán khắp làng với nội dung hạ thấp uy tín và xúc phạm danh dự ban quản lý nên họ tự ái mới nghỉ.

Ngay sau đó, một số cụ cao tuổi trong làng đồng ý thành lập một ban mới gọi là ban kiến thiết. Lý do thay đổi tên ban quản lý di tích thành ban kiến thiết bởi trong quá trình "trùng tu" đình nếu có điều gì xảy ra ban mới sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông Hoàng Khắc Dược thôn Vĩnh An (xã Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: "Ban kiết thiết họp dân và đưa ra phương án trùng tu, nhưng sau đó ông Nguyễn Xuân Đối thuộc ban kiến thiết chỉ vào một bản đồ vẽ bằng tay nói sẽ chuyển đình sang một vị trí mới. Ý tưởng này người dân chúng tôi phản đối quyết liệt. Đến ngày hạ giải, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, chúng tôi vẫn nghĩ chỉ hạ giải và để đảo ngói.

Nào ngờ, đùng một cái ban kiến thiết thay đổi phương án và nhất quyết cho dỡ đình cũ để chuyển sang vị trí mới cách đó gần 20m so với đình cũ. Chúng tôi ngăn cản nhưng không được nên đã phản ánh lên UBND xã Vĩnh Khúc nhưng vụ việc vẫn diễn tiến. Mãi đến khi người dân làm đơn "kêu cứu" lên cơ quan Bộ VHTT&DL, sai phạm mới bị đình chỉ".

Cũng theo ông Dược và người dân thôn Nội, thôn Vĩnh An, dù Thanh tra Bộ VHTT&DL về kiểm tra và ra quyết định đình chỉ thi công, giữ nguyên hiện trạng từ ngày 9/5 nhưng mãi đến ngày 15/5 người dân mới được Ban kiến thiết thông báo. Trước và sau khi có quyết định của thanh tra Bộ, ban kiến thiết vẫn "trùng tu" bình thường đến khi toàn bộ khung gỗ đình mới hoàn thành.

Điều đáng nói, việc "trung tu" Đình Ngu Nhuế diễn ra trong nhiều ngày mà không gặp bất cứ cản trở nào từ cấp chính quyền địa phương, trong khi sai phạm đã "rõ như ban ngày". Vị trí đình cách UBND xã Vĩnh Khúc khoảng 500m, phải chăng lãnh đạo UBND xã chưa nắm được luật Di sản hay cố tình làm ngơ để sự việc diễn ra đáng tiếc như vậy?!.

Bán 3 suất đất, 1 giếng làng

Theo thông tin ông Dược và nhiều người dân nơi đây, 8 mắt rồng hay còn gọi là long nhãn bằng đá quý cũng "không cánh mà bay". Bên cạnh đó việc mua bán gỗ của Ban kiến thiết Đình Ngu Nhuế còn nhiều điều cần phải làm rõ.

"Việc mua bán gỗ về làm đình cũng không rõ ràng có dấu hiệu bất minh, mua 22m3 nhưng đợt đầu chúng tôi đo lại thì thấy thiếu 5m3, đợt hai thiếu 3m3. Ngoài ra giá cả chênh lệch đến 4-5 triệu đồng/m3 so với giá gỗ trên thị trường.

Hơn nữa khi Ban kiến thiết họp với dân làng nói 3 cái ngưỡng cửa đình sẽ làm bằng gỗ lim, tuy nhiên sự thật 3 cái đó lại làm bằng chính gỗ cây xà cừ cổ thụ bị đốn trong di tích.

Lúc đầu, ban kiến thiết kêu gọi người dân công đức với mục đích trùng tu, bảo tồn di tích được khoảng 500 triệu đồng cộng với tiền bán 3 suất đất mảnh đất trước cửa di tích và giếng làng cổ trị giá 189 triệu đồng. Tổng số tiền từ kinh phí của Nhà nước và các khoản lên đến 1,5 tỷ đồng.

Khi đã có tiền, ban kiến thiết mới thay đổi mục đích trùng tu bằng cách dỡ đi xây mới và chuyển sang một vị trí mới mà không được nhân dân và cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép.

Điều đáng nói, bên nhận thầu là Công ty TNHH Thành Đông (số 41 Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương) đã thi công không theo quy trình trùng tu một di tích lịch sử văn hóa. Bởi theo người dân phán ánh, đơn vị thi công đã dùng cưa cắt nhiều cấu kiện cổ và 8 mắt rồng bằng đá quý đen ước tính trị giá khoảng 50-60 triệu đồng/mắt rồng sau khi hạ giải đã biến mất. Chặt hạ nhiều cây cổ thụ trong di tích gồm: 1 cây đa, 1 cây nhãn trên 100 trăm tuổi, 2 cây bách tán, 2 cây xà cừ. Đặc biệt nhiều cấu kiện bị thợ của đơn vị thi công dùng làm củi để nấu ăn.

Để hiểu thêm về thông tin bên nhận thầu thi công, ông Dược cho biết: "Đơn vị nhận thầu do tỉnh Hưng Yên giới thiệu với UBND xã Vĩnh Khúc đảm nhận việc trùng tu, tu bổ Di tích lịch sử Quốc gia Đình Ngu Nhuế".

Như vậy, qua quá trình thi công và "cái tâm" của đơn vị làm di tích của Công ty Thành Đông, dư luận hoàn toàn có căn cứ nghi ngờ về tính chuyên môn cũng như đằng sau bản hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng này có điều gì khuất tất hay không?!.

Giá trị cổ vật chỉ còn 20%

Theo thông tin người dân cung cấp cũng như ghi nhận thực tế của PV Người đưa tin tại hiện trường cho thấy, nhiều cấu kiện cũ quý giá đã bị mất, để chỏng chơ không che đậỵ, lượng lớn gói cũ bị vỡ nát và số nguyên vẹn còn lại không được bảo quản. Trong số những cột, xà, kèo vẫn còn khá chắc chắn, cũng được những người "có chuyên môn" về tu bổ kiến trúc văn hóa lịch sử đang tâm cưa cắt bỏ chỉ để lấy một đoạn hoặc một phần cho phù hợp với kiến trúc mới. "Giá trị cổ vật bây giờ chỉ còn khoảng 20%, ngay cả phần nền của ngôi đình mới thiết kế rộng hơn khoảng 28cm so với đình cũ, do đó mà toàn bộ gian của tòa Đại Bái cũng phải điều chỉnh. Bởi vậy mà nhiều xà cổ, đuôi, râu rồng cổ cũng bị cưa một phần cho phù hợp với diện tích và kiến trúc mới", ông Hoàng Khắc Dược bức xúc cho biết.

"Đơn vị thi công do Sở VHTT&DL cử về là Công ty TNHH Thành Đông, số 41 Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương nhận thầu. Đến tháng 8/2011 theo hợp đồng giữa UBND xã Vĩnh Khúc ký với bên nhận thầu là 230.159.000 đồng, ngoài 100 triệu đồng của Nhà nước, số còn lại do nhân dân công đức và đóng góp", ông Nguyễn Văn Oanh, nguyên quyền Trưởng ban di tích Đình Ngu Nhuế cho biết.

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.