Ký hợp đồng sau 2 lần... thử
Ngày 2/10, trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt là trung tâm Chống ngập) đã ký hợp đồng nguyên tắc với công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là công ty Quang Trung) về việc thuê “siêu máy bơm” đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Việc ký kết có sự chứng kiến của lãnh đạo TP.
Theo tìm hiểu của PV, đây mới chỉ là hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa 2 bên. Thời hạn hợp đồng là 3 tháng, kể từ ngày 2/10 cho đến hết ngày 31/12 và có thể gia hạn, tùy các bên. Trong nội dung hợp đồng cũng thể hiện rõ, công ty Quang Trung chính thức giao dịch vụ xử lý chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ngược lại, TP.HCM yêu cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Võ Duy Ninh) sẽ không còn ngập, dựa theo tiêu chuẩn của bộ Xây dựng (mực nước nhỏ hơn 0,1m).
Về giá cho thuê và cách thức khoán trọn gói dịch vụ sẽ được ghi chi tiết trong hợp đồng chính thức, hiện vẫn chưa được tiết lộ. Liên quan đến giá thuê, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị công ty Quang Trung cung cấp bản vẽ, thiết kế, dự toán công trình, chi phí vận hành... cho sở GTVT TP.HCM xem xét, thẩm định. Đồng thời, lấy đó làm cơ sở để định giá thuê và ký hợp đồng chính thức. Song song đó, cũng sẽ có một đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định hệ thống máy bơm này.
Cũng từ cơ sở này, sở Tài chính đề xuất cho TP.HCM chốt giá thuê, thời hạn thuê, cách thức thanh toán... Theo thông tin mà PV có được, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng gần 90 tỷ đồng đầu tư hệ thống máy bơm này. Về giá cho thuê, chủ đầu tư đưa ra con số là 12 tỷ đồng/năm (tương đương 1 tỷ đồng/tháng).
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc trung tâm Chống ngập TP.HCM, cho biết: “Bước đầu, máy bơm đã phát huy hiệu quả, giảm ngập cho đoạn đường nói trên. Tuy nhiên cần phải thử nghiệm thêm nhiều lần, trong những điều kiện khác nhau: Mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường; mưa có vũ lượng lớn, kéo dài... mới có thể đánh giá được hiệu quả”.
Trong một diễn biến liên quan, theo ghi nhận của PV, sau 2 lần hút nước, siêu máy bơm đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ nhưng thời gian chưa được như kỳ vọng. Điển hình, trong ngày 30/9, phải mất 1 giờ đồng hồ, siêu máy bơm mới có thể hút hết nước. Còn cơn mưa sau đó, máy bơm này đã xử lý trong vòng 15 phút nhưng có lượng mưa nhỏ, nước ngập ít.
Là những đối tượng trực tiếp bị tác động bởi sự việc này, không ít người dân sinh sống trong khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn nhiều nghi ngại. Ông Nguyễn Tuấn Canh, một người dân ở đây cho biết: “Máy bơm đã hoạt động thì mưa xuống là phải hút nước ngay, chứ đợi nước ngập sâu mới hút là không ổn. Hơn nữa, đó mới chỉ là mưa, chưa có triều cường dâng. Nếu cả hai cùng kết hợp thì lượng nước sẽ nhiều hơn, khi đó, máy bơm này có xử lý kịp không, hay vẫn phải lội bì bõm?”.
Bên cạnh đó, người dân còn băn khoăn việc ký hợp đồng chỉ sau 2 lần thử là... vội vàng. “Những lần ngập mà máy bơm đã xử lý mới chỉ ở mức độ nhẹ. Thực tế cho thấy, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, nước thường ngập sâu và lâu hơn rất nhiều do triều cường.
Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm, thường mức triều dâng cao, kết hợp mưa lớn, liệu máy bơm này có xử lý hết được không? Do đó, tôi cho rằng, ký hợp đồng, dù nguyên tắc nhưng có lẽ là hơi vội vàng”, ông Trần Minh Bằng, một người dân tại khu vực thắc mắc.
Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn khẳng định, máy bơm có thể hút sạch nước tại khu vực này: “Khi nào con đường Nguyễn Hữu Cảnh xuất hiện nước ngập thì hệ thống bơm ngay chứ không chờ nước ngập dâng cao như trước. Nếu như máy bơm hoạt động mà không hết ngập thì chúng tôi sẽ không lấy tiền”, lãnh đạo công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung khẳng định.
Điều ngập sang nơi khác?
Liên quan đến việc TP.HCM thuê máy bơm khổng lồ để chống ngập, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM, đặt câu hỏi: “Trường hợp khu vực ngập là vùng trũng, được đặt máy bơm nhưng không có điểm thoát như đường Nguyễn Hữu Cảnh có sông Sài Gòn thì tính sao? Không lẽ lại bơm xuống cống. Nếu có hệ thống cống thoát nước tốt thì đã không ngập như hiện nay”.
Theo chuyên gia này, trường hợp không có điểm thoát nước thì phải xây dựng hệ thống cống, có thể rất dài tới cả chục ki lô mét. Trong khi đó, máy bơm có công suất 190.000m³/h nên phải sử dụng ống có đường kính 3m. Như vậy sẽ rất khó khả thi và tốn kém.
Đồng quan điểm, kỹ sư Phan Khánh, hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM cho rằng: “Việc thử nghiệm máy bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh là chưa hợp lý. Bởi, ở đây là khu dân cư mới, hệ thống thoát nước tương đối tốt. Lẽ ra nên thử nghiệm ở những khu vực khác, như quận 3, quận 5 chẳng hạn... Khi đó sẽ đánh giá tốt hơn về hiệu quả và có thể nhân rộng nếu thành công sẽ hợp lý hơn”.
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp này chưa khoa học và đồng bộ. Đó mới chỉ là giải pháp chống ngập cục bộ. Nhìn rộng ra, giải pháp đang điều ngập từ nơi này sang nơi khác. Thực tế cho thấy, các quận huyện vùng ven như quận 2, quận 7, quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi... đang ngập nặng hơn.
TS. Nguyễn Văn Dũng, trường đại học Công nghệ TP.HCM phân tích: “Rõ ràng là các giải pháp chống ngập không đồng bộ. TP đang điều ngập từ nơi này sang nơi khác. Bài toán này sẽ lặp lại trong nhiều năm nữa nếu cứ tính toán chống ngập kiểu này”.
Điển hình, các con đường như Lương Định Của (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Kha Vạn Cân (Thủ Đức) đã ngập từ nhiều năm nay và có dấu hiệu càng nặng hơn. Ngoài ra, các điểm ngập do triều cường còn diễn ra nhiều nơi như xã Phước Kiểng (Nhà Bè), phường Thạnh Xuân (quận 12), phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức)... Đặc biệt, TP.HCM đang bước vào mùa triều cường và mưa kết hợp nên người dân sẽ còn “khóc dài dài”... vì ngập.
“Rõ ràng TP.HCM đang điều ngập, chứ chưa có những giải pháp chống ngập hiệu quả, ít nhất là tính đến thời điểm này. Tôi lấy ví dụ, trong vòng 10 năm tới, TP.HCM chống ngập được cho khu vực trung tâm thì lúc đó họ cũng sẽ đau đầu với bài toán ngập nước ở các khu vực còn lại. Thậm chí, các khu vực này cũng sẽ ảnh hưởng, tác động nặng nề tới các giải pháp chống ngập ở khu trung tâm”, TS. Dũng phân tích thêm.
Mới chỉ là giải pháp trước mắt Liên quan đến câu chuyện trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết: “Để có kết quả và đánh giá chính xác hiệu quả của hệ thống máy bơm, TP đã giao cho đơn vị tư vấn xây dựng quy trình nghiệm thu. Trên cơ sở đó sẽ xác định mức giá thuê vừa đáp ứng cho nhu cầu của TP vừa không để thiệt thòi cho nhà đầu tư. Sau khi có kết quả sẽ ký hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, TP sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chống ngập có hiệu quả”. |