Những ngày qua, dư luận hết sức kinh hoàng trước vụ nổ kho chứa thuốc pháo tại Xí nghiệp sản xuất Z4, thuộc Nhà máy Z121 ở xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Từ vụ nổ này, người dân ở những nơi có sản xuất vật liệu dễ cháy nổ thấy lo ngại. Nhiều chuyên gia băn khoăn công tác phòng cháy chữa cháy ở nhiều nơi đang được "đơn giản hoá" khiến nguy cơ tai hoạ thảm khốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Người dân vẫn chưa dám về nhà
Một buổi sáng yên bình đang diễn ra thì bỗng nhiên một tiếng nổ lớn như tiếng bom phát ra ở phân xưởng sản xuất pháo hoa, sau đó là liên tiếp các tiếng nổ phát ra ở đó khiến cho hàng ngàn người dân bỏ chạy toán loạn, nhiều ngôi nhà ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) bị rung chuyển và hư hỏng nặng... Những thống kê về số người thương vong trong vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa tại Phú Thọ càng tăng lên khiến ai nấy đều bàng hoàng.
Một góc phân xưởng sản xuất bị tàn phá sau vụ nổ.
Theo diễn biến mới nhất từ Phú Thọ, đến thời điểm hiện tại đã có 24 người chết, 97 người bị thương vụ nổ nhà máy Z4. Con số này vẫn chưa dừng lại bởi còn nhiều nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, những ca nặng hơn được chuyển lên các tuyến Trung ương. Tại bệnh viện Quân đội 103 hiện đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 16 nạn nhân. Trong số này có một nữ công nhân của nhà máy đang mang thai 6 tháng, bị thương, bỏng, đang được chăm sóc đặc biệt điều trị vết thương và dùng thuốc trợ thai. Tại viện Bỏng quốc gia đang tích cực điều trị cho 9 nạn nhân. Trong số này có nhiều ca nặng, một số bị chấn thương phần đầu và bị ảnh hưởng bởi sức ép do sóng nổ. Tất cả các nạn nhân đang được điều trị tích cực.
Sau khi xảy ra vụ việc, một số người dân sinh sống xung quanh khu vực nhà máy Z4 và Z121 đã không dám về nhà. Đến sáng 14/10, khu vực này vẫn vắng lặng vì người dân do hoảng loạn đã đi sơ tán.
Với vẻ mặt chưa hết hoảng sợ, chị Trần Thị Luân, một người dân sống ở gần khu Xí nghiệp 4- Nhà máy Z121 cho biết, nhà chị ở cách phân xưởng bị nổ chỉ khoảng 500m. Vào khoảng thời gian nói trên, khi đang ở trước sân nhà thì chị nghe thấy một tiếng nổ lớn, nhìn lên trời thấy phía phân xưởng nhà máy bung lên như pháo hoa. Cùng lúc đó, ngôi nhà cấp 4 của chị rung chuyển như muốn sập xuống. Quá hoảng sợ, chị vội vàng kêu 4 đứa con đang ngủ trong nhà cùng chạy.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng vụ tai nạn đã được khống chế hoàn toàn, không còn nguy cơ tái phát. Sau khi dọn dẹp, rà soát toàn bộ, nhà máy sẽ tiếp tục đi vào nhiệm vụ sản xuất bởi đây là phân xưởng duy nhất sản xuất pháo hoa phục vụ lễ hội cho cả nước và xuất khẩu.
Một nạn nhân bị bỏng nặng sau vụ nổ đang được cấp cứu.
Không chỉ một lần xảy ra thảm kịch
Nhìn nhận về nguy cơ cháy nổ trong các cơ sở sản xuất, kho bãi đang là mối lo lắng của các cơ quan chức năng. Không ít ĐBQH khi bàn thảo về luật Phòng cháy chữa cháy (sửa đổi) đã cho rằng: Công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, bến bãi, kho tàng đang là con số 0. Nhà sản xuất không lưu tâm nhiều đến nhiệm vụ phòng chống cháy nổ khiến "bà hoả" có thể thăm viếng bất cứ lúc nào. Bằng chứng là hàng loạt vụ cháy chợ, khu công nghiệp, khu thương mại...
Đại tá Nguyễn Văn Tươi, phó cục trưởng cục Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cho rằng: "Với chủ đầu tư tại các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp muốn giảm đầu tư ban đầu hoặc đầu tư không tương thích, đầu tư không tương ứng. Mặc dù đã đưa ra giải pháp an toàn nhưng giá quá cao chủ đầu tư không muốn, xảy ra cháy tại khu công nghiệp một phần do người sử dụng lao động sử dụng người không có trình độ hiểu biết về an toàn lao động".
Sau khi vụ nổ pháo hoa tại Phú Thọ xảy ra, theo báo cáo của cơ quan chức năng, việc pháo hoa phát nổ được lý giải là do tự bốc cháy với hai khả năng. Thứ nhất các hộp pháo hoa bị rơi đổ, cọ xát va đập dẫn đến cháy nổ. Thứ hai là do thuốc pháo hoa bị phân hủy và tự bốc cháy. Tuy nhiên, trong vụ nổ kinh hoàng này, người có trách nhiệm phát ngôn đã cho rằng khả năng nổ là tự cháy. Điều này chưa được sự đồng thuận của các chuyên gia. Không ít người cho rằng, khi nguyên nhân cháy nổ chưa được làm rõ thì khó gỡ bỏ được những mối nguy hiểm tiềm ẩn liên quan trực tiếp tới tính mạng người dân.
Trước đây, ngoài vụ nổ xe vận chuyển pháo hoa tại sân vận động Mỹ Đình vào tháng 10/2010 khiến 3 người chết cũng đã xảy ra và một số vụ việc nghiêm trọng từ sự ảnh hưởng của các nhà máy xí nghiệp sản xuất pháo hoa, vật liệu dễ gây cháy nổ. Như vậy, lo ngại của người dân sống quanh khu xí nghiệp, nhà máy sản xuất pháo hoa, chất nổ về việc sẽ còn nữa những vụ nổ tương tự xảy ra. Rõ ràng, nguy cơ từ những khu vực sản xuất những chất dễ cháy nổ là rất cao. Nhưng nhiều chuyên gia lại quan ngại: Tại sao nó không được nằm tách riêng khỏi khu dân cư và có vành đai bảo vệ!?
Vấn đề đặt ra hiện nay là các khu sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao đã bỏ qua chuyện thiết kế an toàn và đánh giá mức độ nguy hiểm khi sự cố xảy ra. Thực tế, nhiều vụ hoả hoạn, cháy nổ người dân, đơn vị sản xuất bị bất ngờ hoàn toàn. Một chuyên gia về phòng cháy chữa cháy cho rằng: "Nhiều nơi đã không đặt ra thực tế này mà cố tình lờ đi. Tôi cho rằng cần phải đánh giá sự cố tai nạn xảy ra và cách xử lý. Khi để sự cố xảy ra, nếu chiểu theo thiết kế không đúng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cả về dân sự và hình sự".
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng kiêm Chủ tịch hội Hóa học Hà Nội cho rằng: Cháy nổ trong khu vực dân cư, thiệt hại rất lớn. Trước hết đó là sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học về phòng cháy chữa cháy chưa đủ vì đặc thù cháy mỗi loại hình là khác nhau, ở mỗi vị trí khác nhau. Cái A nên phòng thế nào, cái B ra sao. Đi kèm là phương pháp chữa cháy cũng khác khau, có cái dùng nước, cái dùng khí, công tác nghiên cứu khoa học phải được đẩy mạnh.
Không tàng trữ chất cháy nổ gần khu dân cư Theo TS. Nguyễn Văn Khải, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu viện Kỹ thuật Quân sự (nay là viện Khoa học kỹ thuật Quân sự Việt Nam: Bài học của tàng trữ thuốc nổ trong khu dân cư gây nổ kinh hoàng đã từng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh trong vụ "Phương khói lửa" gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Tôi cho rằng, bất cứ cơ sở nào dù Quốc phòng hay dân sự cần phải di dời chất nổ ra khỏi khu dân cư. Đừng để người dân nơm nớp lo sợ nguy cơ từ những "khối thuốc nổ khổng lồ". |
Minh Khánh - Cao Tuân