Hé lộ "ông trùm" đứng đằng sau những dự án "vịt trời" của địa ốc Alibaba

Hé lộ "ông trùm" đứng đằng sau những dự án "vịt trời" của địa ốc Alibaba

Mai Văn Minh

Mai Văn Minh

Chủ nhật, 26/11/2017 06:30

Bộ Công an đã phối hợp cùng các địa phương để điều tra hoạt động công ty địa ốc Alibaba. Từ đó, PV báo Người Đưa Tin cũng mở rộng tìm hiểu và phát hiện nhiều bất thường tại hàng loạt dự án “vịt giời” của địa ốc Alibaba cũng như nhân vật bí ẩn đứng sau.

Có thực Alibaba là “gã khổng lồ” địa ốc?

Theo tìm hiểu của PV báo NĐT, công ty CP Địa ốc Alibaba được đăng ký kinh doanh vào ngày 5/5/2016, mã số doanh nghiệp 0313788565.

Trụ sở chính của công ty đặt tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh do ông Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

Bất động sản - Hé lộ 'ông trùm' đứng đằng sau những dự án 'vịt trời' của địa ốc Alibaba

Một trong những khu đất tại khu đô thị Tây Bắc mà nhân viên địa ốc Alibaba thường dẫn khách tới xem.

Ngày 3/12/2016 thực hiện thay đổi lần thứ nhất, tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng, trụ sở được dời về số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh như hiện nay. Sau hơn 2 năm được thành lập, từ số vốn điều lệ vỏn vẹn ban đầu 1 tỷ đồng, đến tháng 9/2017, công ty CP Địa ốc Alibaba đã đăng ký thay đổi thông tin với số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng.

Công ty có 3 cổ đông gồm: Ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.

Tương tự, công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM “người anh em” với công ty CP Địa ốc Alibaba, có trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức được đăng ký vốn điều lệ lên tới 12.000 tỷ đồng.

Nhiều người không khỏi sửng sốt khi cổ đông lớn nhất là công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tuy nhiên công ty này lại cam kết góp vốn “khủng” đến 7.800 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, tại thị trường bất động sản nước ta, chỉ duy nhất 1 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng. 3 tập đoàn xếp sau chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng (tính đến năm 2016). Việc công ty Alibaba Tây Bắc TP.HCM đăng ký vốn điều lệ lên tới 12.000 tỷ đồng là đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty “chân ướt, chân ráo” bước vào thị trường bất động sản.

Theo tìm hiểu của PV, trước khi trở thành CEO của các công ty này, ông Nguyễn Thái Luyện là nhân viên bán hàng cho vài công ty môi giới đất nền trên địa bàn lân cận TP.HCM. Vào giữa năm 2016, ông Luyện bắt đầu lấn sân vào thị trường địa ốc.

Bằng khả năng “hô mưa, gọi gió” của mình, với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng ban đầu khi thành lập công ty CP Địa ốc Alibaba, hiện nay con số vốn điều lệ đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. CEO Luyện đã làm thế nào để công ty của mình hùng mạnh như thế luôn là câu hỏi khiến nhiều người tò mò, thắc mắc?

Được biết, ông Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng phương pháp huy động vốn “tổng lực”. Không chỉ tuyển nhân viên bán hàng ồ ạt, lên tới 1.500 nhân viên, Alibaba còn sử dụng hình thức cam kết lợi nhuận “khủng” để “nhử” khách hàng.

Theo đó, Alibaba cam kết mức lợi nhuận 28%/năm trên số tiền mà khách hàng đầu tư vào dự án. Với mức lợi nhuận này, nếu so với lãi suất ngân hàng, thậm chí so với nhiều kênh đầu tư tiềm năng hay hấp dẫn trên thị trường gần đây thì rõ ràng quá hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế trong bản “hợp đồng mẫu” mà Địa ốc Alibaba dành cho khách hàng lại không hề có bất cứ điều khoản nào liên quan tới việc cam kết lợi nhuận 28%/năm này.

Luật sư Nguyễn Thế Nam (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Về nguyên tắc, phụ lục hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý”. Vậy Địa ốc Alibaba đưa ra cam kết lãi suất “khủng” vô cùng hấp dẫn trên cho khách hàng đầu tư để làm gì,... Điều này chỉ có CEO Nguyễn Thái Luyện mới là người có thể trả lời rõ ràng, cụ thể nhất!

Chủ đầu tư “vịt giời”

Thời gian gần đây, công ty Địa ốc Alibaba liên tục chào bán các dự án bất động sản tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An,... Thế nhưng, đại diện chính quyền huyện Long Thành, Đồng Nai và mới đây nhất là sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra và “bóc mẽ” những chiêu trò của chủ đầu tư “vịt giời” Địa ốc Alibaba.

Bất động sản - Hé lộ 'ông trùm' đứng đằng sau những dự án 'vịt trời' của địa ốc Alibaba (Hình 2).

Một trang website có tên Alibaba cam kết lợi nhuận "khủng".

Theo ghi nhận của PV, trên trang web của công ty CP Địa ốc Alibaba (đã đóng website) có đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do công ty này làm chủ đầu tư là không đúng sự thật. Một loạt các dự án như: Khu đô thị Tây Bắc – Củ Chi (TP.HCM), khu đô thị Alibaba Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 (Đồng Nai),... đều được các cơ quan hữu trách địa phương xác nhận không có tên công ty CP Địa ốc Alibaba nào nắm vai trò chủ đầu tư.

Công ty Địa ốc Alibaba tuyên bố là chủ đầu tư nhiều dự án “khủng”, đồng thời rao bán, nhận đặt cọc của khách hàng tuy nhiên trên thực tế công ty này chỉ là chủ đầu tư “vịt giời”. Bởi công ty CP Địa ốc Alibaba vẫn chưa có pháp lý gì với dự án này. Thực chất, đây chỉ là chiêu trò huy động vốn để hoàn thành các thủ tục pháp lý dự án theo quy định pháp luật của Địa ốc Alibaba.

Sau một thời gian dài báo chí liên tục đưa tin, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, giữa tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Thái Luyện tự xưng là “CEO Cùi Bắp” đã lên tiếng phân trần Alibaba đưa ra dự án đặt chỗ để khách hàng "bình ổn thị trường, tránh mua những sản phẩm giá cao hơn". Vị này cho rằng với sứ mệnh "giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản" nên chiến lược PR hơi quá táo bạo.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lời phân trần của vị “CEO Cùi Bắp” thực chất chỉ là chiêu trò “cười huề” của vị CEO Địa ốc này. Bởi việc công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án này là trái luật. Không những thế nó còn gây ảnh hưởng, đẩy mức rủi ro tối đa về hướng khách hàng đầu tư. Và “nụ cười huề” của vị “CEO Cùi Bắp” có lẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi lá bài “hộ mệnh” của vị Địa ốc Alibaba đã bị lật tẩy.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV báo Người Đưa Tin đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Thái Luyện nhưng không tiếp xúc được với ông.

Gần 500 khách hàng “sập bẫy”?

Trao đổi với PV, một cán bộ thuộc cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46, bộ Công an) cho biết, đơn vị đã mời đại diện công ty CP Địa ốc Alibaba lên làm việc. Đại diện công ty trên thừa nhận có việc nhận đặt cọc giữ chỗ cho dự án tại khu đô thị Tây Bắc của 493 khách hàng, tương đương số tiền 16,626 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết sẽ trả lại tiền cho khách hàng vào ngày mở bán chính thức 26/11, nếu khách hàng hủy bỏ giao dịch.

Môi giới lại rêu rao là chủ đầu tư

Trao đổi với PV, ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng TN-MT huyện Long Thành xác nhận: “Về các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... ở huyện Long Thành, Đồng Nai, huyện chưa giao dự án nào cho doanh nghiệp có tên là Alibaba trên địa bàn. Đây chỉ là đơn vị môi giới nhưng lại giới thiệu với khách là chủ đầu tư”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.