Thế nhưng, tại quê hương ông, người dân vẫn thường truyền miệng nhau câu nói lúc sinh thời của vị tướng quân này rằng: “Ta chết chỉ có rừng núi biết”. Và người dân nơi đây cũng đưa ra nhiều “bằng chứng” cho rằng, không có chuyện Hoàng Hoa Thám bị giặc bắt giết như trong sử sách đã ghi.
LTS: Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đã đi qua hơn 1 thế kỷ. Người anh hùng Yên Thế đã là “người thiên cổ” nhưng nhiều điều về cuộc đời ông cho đến ngày nay vẫn còn là một bí ẩn. PV báo Người đưa tin đã lần theo những “dấu xưa, tích cũ” cũng như các tư liệu mới nhất về ông để phần nào hé lộ được những bí ẩn xung quanh cuộc đời của vị anh hùng Hoàng Hoa Thám.
Tượng đài Hoàng Hoa Thám trên quê hương Yên Thế (tỉnh Bắc Giang).
“Hùm thiêng Yên Thế”
Các sử sách ghi lại rằng, Hoàng Hoa Thám (1858- 1913) quê gốc ở làng Dị Chế, (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ), sau di cư lên Sơn Tây (tỉnh Hà Tây), rồi lại lên Yên Thế (tỉnh Bắc Giang). Ông vốn là một người khẳng khái, yêu nước lại sinh ra vào thời loạn lạc, đất nước bị ngoại xâm nên vào đầu những năm 1880 ông đứng trong hàng ngũ của những đội quân chống pháp.
Trong tác phẩm Chân tướng quân, nhà chí sĩ Phan Bội Châu trên cơ sở những tìm hiểu thực tế gặp gỡ của mình với cụ Hoàng Hoa Thám, đã viết về thời thơ ấu của cụ như sau: “Hồi còn nhỏ, tính nết hết sức đặc biệt, người khỏe mạnh béo tốt, sức mạnh như hổ, khi chơi đùa đánh nhau với trẻ chăn trâu thì có thể đánh nổi vài chục đứa… Nhưng Ngài lại rất ôn hòa, được anh em yêu mến, ai cần gì cũng giúp đỡ”.
Các truyền thuyết và ghi chép còn lưu truyền lại rằng, cả cha mẹ đẻ lẫn cha nuôi của Hoàng Hoa Thám mặc dù nghèo khổ, nhưng đều là những người trọng nghĩa khí và rất nồng nàn tinh thần yêu nước. Bởi vậy, không có gì lạ khi mới 15 – 16 tuổi, Hoàng Hoa Thám đã “vứt bỏ roi trâu cởi áo