Phát nổ ở độ cao cần thiết của cuộc tấn công xung điện từ
Theo tờ Nikkei, thực chất cuộc thử tên lửa của Triều Tiên là lời cảnh báo ngầm rằng, Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc tấn công xung điện từ (EMP) nếu phát hiện có động thái đáng lo ngại.
Một cuộc tấn công xung điện từ gây thiệt hại nghiêm trọng cho mạng lưới điện và cũng như tín hiệu truyền thông ở các quốc gia xung quanh, tạo ra sự hỗn loạn.
Tấn công xung điện từ được dựa trên phát hiện của Mỹ và Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh, rằng một vụ nổ hạt nhân sẽ tạo ra một xung điện từ khủng khiếp.
Để tăng sức công phá của xung điện từ này, bom hạt nhân phải kích nổ ở vùng không khí loãng trên khí quyển.
Xung điện từ sẽ tạo ra một luồng điện có công suất cực lớn, tác động đến các hệ thống ăng ten và cáp điện dưới mặt đất tại khu vực bom phát nổ, khiến toàn bộ mạng điện xung quanh bị trục trặc và vô hiệu hóa.
Theo Quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên phóng thử nghiệm ngày 29/4 nổ ở độ cao 71km, thuộc tầng điện ly của khí quyển trái đất.
Thảm họa hủy diệt
Dù các thiết bị và phương tiện quân sự của Mỹ hầu hết được bảo vệ trước ảnh hưởng của xung điện từ thông qua các tấm chắn bảo vệ, cũng như nhiều biện pháp khác. Song mạng lưới điện và các hệ thống điện tử dân sự thì không được bảo vệ.
Tấn công xung điện từ có thể gây ảnh hưởng lớn tới Nhật Bản, Hàn Quốc, miền Bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga.
Cuộc tấn công có thể khiến mạng lưới điện và hệ thống máy tính ngừng hoạt động, gây mất điện trong thời gian dài. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp nước, khí đốt cũng như các thiết bị liên lạc và truyền tín hiệu.
Cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân tầm cao ngoài khơi Thái Bình Dương của Mỹ vào năm 1962 là một ví dụ. Cuộc thử nghiệm này đã gây ra một xung điện từ mạnh đến mức, toàn bộ quần đảo Hawaii bị mất điện.
Hậu quả của một cuộc tấn công xung điện từ ngày nay sẽ rất thảm khốc, vì hiện xu hướng sử dụng thiết bị điện tử phức tạp và xã hội công nghiệp hiện đại phụ thuộc rất lớn vào các thiết bị điện tử. Khó để có thể đánh giá chính xác mức độ thiệt hại từ một cuộc tấn công xung điện từ.
Và chỉ các chuyên gia quân sự mới có thể giải mã được thông điệp của hành động quân sự từ Triều Tiên.
Khi Triều Tiên phóng 7 quả tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản năm 2006, thông điệp mà nước này muốn đưa ra khi đó là nếu các tàu chiến Mỹ đến gần Bình Nhưỡng, Triều Tiên có thể dùng bom hạt nhân để phá hủy tàu Mỹ.
Gần đây nhất, ngày 25/4, Triều Tiên mở cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật quy mô lớn như một lời nhắc nhở sẽ dội đạn pháo xuống Hàn Quốc trong trường hợp Mỹ bất ngờ tấn công Triều Tiên.
Còn lần này, sự hiện diện của nhóm tàu sân bay của Mỹ ngoài biển Nhật Bản đang khiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lo ngại. Triều Tiên dường như phát đi tín hiệu nước này sẵn sàng sử dụng một vụ tấn công EMP để đáp trả các động thái quân sự của Mỹ, như sự áp sát của nhóm tác chiến tàu sân bay.
Mỹ sẽ phản ứng ra sao?
Vấn đề đặt ra là chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao với sự khiêu khích mới này của Triều Tiên?
Ông Trump bổ nhiệm rất nhiều các tướng nghỉ hưu nắm giữ các vị trí cốt cán như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cố vấn an ninh Quốc gia HR McMaster là những người có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách an ninh quốc phòng Mỹ.
Hơn ai hết, những vị tướng có kinh nghiệm thường hiểu rõ sự khắc nghiệt của chiến trường và thường rất thận trọng khi nói về chiến tranh.
Mỹ từng lật đổ chế độ của nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq và Moammar Gadhafi của Libya. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Mỹ có những hành động gây hấn với Triều Tiên.
Dưới thời Tổng thống Obama các tướng lĩnh giữ vai trò quan trọng trong quyền kiểm soát chính sách an ninh. Tuy nhiên, không rõ dưới thời ông Trump, các cựu tướng lĩnh có giữ vai trò then chốt trong việc hoạch định chính sách an ninh của Mỹ hay không.
Dẫu vậy, nếu Triều Tiên sử dụng cuộc tấn công xung điện từ với sức phá hủy khủng khiếp, rất có thể Mỹ sẽ có hành động quyết liệt.
Xem thêm >> Bí ẩn lý do TT Putin bất ngờ sa thải hàng loạt tướng lĩnh cấp cao
Đào Vũ