Trong lời đồn thổi, người ta thường nhắc đến một kẻ lỳ lợm và tàn bạo, mà quên mất rằng, tướng cướp Hiền "bạc" cũng đã từng bước chân vào giảng đường đại học với bao ước mơ hoài bão...
Băng đảng náo loạn một thời của tướng cướp Hiền "bạc"
Về quê sống kiểu giang hồ
Sau khi bị đuổi học, Hiền "bạc" tiếp tục lang thang để bám trụ lại Hà Nội, bởi hắn không dám đối diện với lời dèm pha của làng quê, nơi hắn đã ưỡn ngực ra đi đầy kiêu hãnh. Nhưng xem ra, Thủ đô không phải mảnh đất cho Hiền "bạc" nương thân, bởi vốn dĩ là tay "nhà quê" đặc sệt, nên dù có vùng vẫy đến mấy, Hiền vẫn không thể che đậy được bản chất "lấm bùn" của mình bên ngoài xã hội.
Càng chơi, hắn càng nhận ra một điều, cái vẻ ngoài kệch cỡm lâu nay đang khoác trên mình chỉ là trò hề cho thiên hạ. Vì thế, Hiền "bạc" quyết định về quê làm lại cuộc đời theo đúng nghĩa: "một tay giang hồ thứ thiệt".
Trở về với một hành trang đầy rẫy trò lưu manh của thành thị, Hiền "bạc" bắt đầu lộng hành ngay chính quê hương của hắn, nơi đã quen với sự thuần phác của người nông dân. Thêm vào đó, thời điểm cuối những năm 80, khi Hiền trở về nhà, cũng là lúc vùng núi Cẩm Thủy, Bá Thước ở Thanh Hóa rộ lên lời đồn thổi về những mẻ vàng nằm sâu trong lòng núi.
Vì thế, trong một thời gian ngắn, hàng ngàn người dân tứ xứ đổ về vùng đất này mong tìm sự đổi đời trong gang tấc. Vàng thì chưa thấy, nhưng máu và mạng người đã bắt đầu đổ xuống.
Như "cá gặp nước", Hiền "bạc" bắt đầu xưng oai bằng những trò đâm thuê, chém mướn và cướp tài sản. Kinh nghiệm của những trận chiến ở Thủ đô đã đưa Hiền "bạc" vào danh sách một trong những anh chị đứng đầu lãnh thổ "vàng tặc".
Tuy nhiên, "lưới trời lồng lộng", sau một loạt hành động "đẫm máu giang hồ", đến năm 1988, Nguyễn Mạnh Hiền (tức Hiền "bạc") đã chính thức bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt và bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 8 năm tù về tội cướp và trộm tài sản của công dân.
Vượt ngục để làm tướng cướp
Vào tù, Hiền "bạc" nhanh chóng tìm kiếm tay chân để tìm đường tẩu thoát. Vào thời điểm ấy, trại cải tạo Thanh Phong - Thanh Hóa còn có 3 tên lì lợm khác là Lê Văn Thành (tức Thành "toét"), phạm tội trộm cắp tài sản; Cao Hải Chi, phạm tội trộm tài sản XHCN và Nguyễn Văn Kim bị bắt tập trung cải tạo.
Biết 3 tên này cũng đang chứa máu cùng quẫy giang hồ, không chịu giam mình trong 4 bức tường của trại giam, Hiền "bạc", tìm đến bàn với bọn chúng để trốn trại.
Ngày 26/12/1989, Hiền bàn bạc với Chi và đồng bọn trốn trại, ngay lập tức cả 4 tên đồng ý và dùng lưỡi cưa sắt cắt chấn song sắt cửa sổ để trốn. Vào khoảng nửa đêm cùng ngày, tên Kim lấy lưỡi cưa giao cho tên Chi ngồi cắt, sau một giờ hì hục, Chi cũng cắt đứt 2 chấn song.
Sau đó, Hiền cùng Chi bẻ chấn song và cùng 2 tên còn lại chia làm hai hướng tẩu thoát. Chi và Kim tìm hướng chạy vào Nam, còn Hiền "bạc" và Thành "toét" sau khi trốn thoát, ẩn náo một thời gian trong TP Thanh Hóa rồi tìm đường lên khu vực đào đãi vàng ở xã Lũng Cao (Bá Thước), nơi được ví như trốn quy tụ các anh hùng hảo hán vào tù ra tội của mảnh đất xứ Thanh. Tại đây, Hiền đã gặp Lê Văn Chiến, Nguyễn Quang Thành (tức Thành "còi") cũng là những đối tượng hình sự trốn khỏi nơi giam giữ.
Vốn bản chất lì lợm, lại có máu thủ lĩnh, ngay lập tức những cao thủ đến trước phải quỳ phục dưới chân Hiền "bạc". "Cờ đến tay" phải phất, Hiền "bạc" lập tức tổ chức đồng bọn đến cưỡng ép những người đi đào đãi vàng phải vào tổ chức của y để làm công cho y.
Một thời kỳ mới ở Lũng Cao đã được bắt đầu bằng chế độ tàn khốc, nơi mà tất cả được ứng xử với nhau theo đúng luật giang hồ của Hiền "bạc": "máu trả bằng máu và kẻ mạnh là kẻ thắng".
Trần Quyết
Kỳ 2: Đội quân ô hợp của tướng cướp Hiền "bạc"