Nhận xét về việc thương mại hóa hình ảnh Bà Tưng, ông Nguyễn Tấn Đạt, giám đốc Công ty truyền thông NEO so sánh những điểm tiêu cực của hiện tượng mạng này như đôi chân khẳng khiu của con hươu. Khi trốn chạy kẻ thù như hổ, báo..., đôi chân chính là vũ khí lợi hại dù trông nó không đẹp. Sự nổi tiếng với hình ảnh tiêu cực của Bà Tưng cũng tương tự, nếu sử dụng phù hợp, nó sẽ là vũ khí lợi hại cho việc thu hút sự chú ý của công chúng.
Chuyên gia này bình luận, một số hình ảnh 'thuần khiết' của Bà Tưng tương tự như bộ sừng hươu, nó tuyệt đẹp nhưng chỉ dùng khi vui vẻ bởi khi gặp kẻ thù cần trốn chạy, sừng sẽ vướng víu và trở thành điểm yếu. Lúc cần đem ra quảng bá, những hình ảnh tai tiếng của Bà Tưng mới là cái cần khai thác.
Trên thực tế, những bộ ảnh Bà Tưng mặc áo dài, hoặc không 'thả rông' vẫn thu hút được sự chú ý cao của công chúng khi được tung ra. Tuy nhiên, khả năng lấy hình ảnh đó để quảng bá cho một nhãn hàng hay thương hiệu gắn liền với hình ảnh trong sáng là điều không khả thi bởi rất ít người tin rằng Bà Tưng có thể là đại diện phù hợp.
Ông Phạm Minh Toàn, chủ tịch Times Universal – một công ty chuyên về marketing online chia sẻ: Bất cứ một hiện tượng mạng nào được nhiều người quan tâm đều có khả năng khai thác thương mại nhưng vấn đề là kiểm soát điều đó ra sao. Trên thế giới các trang web sex hoặc các tạp chí khiêu dâm cũng có nhiều sản phẩm, dịch vụ muốn quảng cáo; và các hiện tượng mạng không phải là ngoại lệ.
Hình ảnh 'thuần khiết' của Bà Tưng cũng như bộ sừng hươu, tuyệt đẹp nhưng chỉ dùng khi vui vẻ
Mới đây nhất, khi Bà Tưng đóng cửa tài khoản Facebook của mình và tuyên bố sẽ không quay clip sexy nữa thì khả năng cô gái này sẽ hot trở lại bằng cách gì là một dấu hỏi lớn. Cũng theo đó, việc các thương hiệu sẽ khai thác Bà Tưng ra sao khi cô này không còn gây sốc bằng 'thả rông' vòng một hoặc nhảy múa gợi cảm... là một bài toán khó. Đây là chưa kể đến việc khi gắn với Bà Tưng, nhiều cơ quan quản lý cũng để ý gắt gao thì những ngành nghề nhạy cảm như game hay kinh doanh quán bar sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước rất nhiều.
Trong khi đó, với Running Man – Vũ Xuân Tiến, khi chuyến đi Anh, tới sân Emirates xem Arsenal thi đấu kết thúc vài ngày thì độ hot của cậu cũng giảm dần. Chàng Running Man đang 'trở về mặt đất' với cuộc sống thường ngày của mình. Cơ hội khai thác tiếp theo của các thương hiệu với Vũ Xuân Tiến cũng trở nên khó hơn dù khi đăng tải Running Man vẫn là một từ khóa rất hot, thu hút bạn đọc cao.
Trao đổi với phóng viên, một đại diện trong nhóm marketing của tập đoàn Tân Hiệp Phát (người liên hệ với Vũ Xuân Tiến) cho biết, đơn vị này cũng tính toán và hiểu rõ cơ hội quảng bá tốt nhất là trước, trong và ngay sau khi Running Man đi Anh. Tuy nhiên, vì một số lý do mà thương hiệu nước uống vận động Active không kịp tổ chức bất cứ một hoạt động nào gắn với Running Man trong khoảng 'thời gian vàng' này. 'Tuy nhiên, chúng tôi đã có những kế hoạch tiếp theo và đang tích cực triển khai', ông này tiết lộ.
Trong khi đó, thương hiệu thời trang Viva từ chối cho biết thêm các kế hoạch tiếp theo với Running Man. 'Trước khi các công việc chuẩn bị hoàn tất thì chúng tôi không thể nói được điều gì. Kinh nghiệm của người bị 'ném đá' do tuyên bố trước việc chưa làm là bài học nhãn tiền. Thêm vào đó, về mặt tổ chức, những kế hoạch cần được bảo mật chứ không phải công bố rùm beng', đại diện Viva nói.
Bình luận về khả năng tiếp tục khai thác thương hiệu Running Man, ông Nguyễn Tấn Đạt – giám đốc Công ty truyền thông NEO nhận xét, với một hiện tượng mạng có hiệu ứng tức thời thì khả năng khai thác nhanh, chuyên nghiệp là quan trọng nhất. Nếu 'hớt váng' được trong giai đoạn đầu, thương hiệu gắn với Running Man sẽ thu hiệu quả cao. Còn về sau, các thương hiệu cần phải có những chiến dịch công phu hơn.
Chuyên gia về truyền thông này cho rằng, hình ảnh 'thánh cuồng' của Vũ Xuân Tiến sẽ phù hợp với những thương hiệu hơi phá cách, trẻ và tràn đầy đam mê; và nếu có kế hoạch tốt thì Running Man vẫn có thể tạo ra những cơ hội tiếp theo.
Nhìn lại câu chuyện của Vũ Xuân Tiến, ông Lương Hoài Nam – cựu CEO Air Mekong viết trên trang cá nhân: 'Câu chuyện của 'The Running Man' cho thấy một điều: Bạn là ai, giá trị của bạn thế nào phụ thuộc vào việc bạn gây được sự quan tâm của ai, bạn 'bán' được bạn cho ai? Sự quan tâm của 'Người mua' tạo ra giá trị cho bạn; giá trị của họ quyết định giá trị của bạn.
Nhiều khi, điều này không tính trước được, mà là duyên số, may rủi. Nhưng ít ra, trong chừng mực bạn có thể lựa chọn và quyết định, đừng chạy theo những gì có ít uy tín, giá trị. Nếu đó không phải là Arsenal mà là một đội bóng Việt Nam nào đó thì bạn Tiến chỉ là một chàng trai gàn, thậm chí hành động chạy theo của bạn Tiến còn bị 'ném đá' nữa'.
Theo Hoàng Ly (Tri thức trẻ)