Hiện tượng hoạn quan và những bí ẩn 4000 năm

Thứ 6, 28/12/2012 00:04

Không chỉ tại các triều đình phong kiến Trung Hoa xưa mà ngay tại triều đình của các quốc gia phương tây và Châu Phi từ 4000 năm về trước, hình thức “tĩnh thân” ghê rợn hay còn được gọi thiến bộ phận sinh dục của nam giới đã được thực hiện nhằm giữ một hậu cung trong sạch.

Từ trước tới nay, khi nhắc tới cụm từ “hoạn quan” là ai cũng nghĩ tới những nam giới bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, được sử dụng để làm việc trong cung vua chúa tại Trung Quốc. Tuy nhiên, không chỉ tại các triều đình phong kiến Trung Hoa xưa mà ngay tại triều đình của các quốc gia phương tây và Châu Phi từ 4000 năm về trước, hình thức “tĩnh thân” ghê rợn này đã được thực hiện nhằm giữ một hậu cung trong sạch.

Châu Phi cũng có hoạn quan

Từ hoạn quan hay thái giám - eunuch vốn bắt nguồn từ Hy Lạp cổ eunouchos, nghĩa là “giữ giường”. Tại nhiều di tích ở Ai Cập còn lưu giữ đến ngày nay, người ta đã phát hiện được những hình ảnh về những người nô lệ bị hoạn nhằm phục vụ cho những phu nhân của các gia đình giàu có.

Những hoạn quan cuối cùng của triều đình phong kiến Trung Quốc

Những dấu tích từ những di tích này cho thấy hiện tượng hoạn quan đã từng tồn tại ở Ai Cập cách đây khoảng 4.000 năm. Những người trở thành hoạn quan thường là nô lệ hoặc là kẻ phạm tội. Theo hình luật của Vương quốc Assyrie - khu vực Lưỡng Hà (1450-1250 TCN), nếu người chồng bắt được vợ mình đang ngoại tình với kẻ khác, anh ta có thể trừng phạt kẻ tình địch bằng cách thiến để biến hắn trở thành hoạn quan.

Thời Ai Cập cổ đại, nam giới bị thiến lại khá được trọng dụng là vì ở một số nhà thờ, người ta sử dụng những chàng trai có giọng nam cao vút như con gái để hát trong dàn đồng ca. Những ca sinh này sẽ được tiến hành tĩnh thân từ khi còn nhỏ vì người ta tin rằng giọng trong trẻo của họ sẽ khiến cho Thiên Chúa vừa lòng hơn những ca sinh phái nữ. Cũng vì nguyên nhân trên mà trong thời Trung cổ phụ nữ không được gia nhập các ca đoàn đặc biệt này. Thậm chí, để hết lòng phục vụ Thiên Chúa, nhiều người trong họ đã không chờ ban phát hình thức tĩnh thân mà tự hoạn để giữ được giọng hát trong trẻo như con gái.

Trong một cuốn sách có tên “Bí mật hoạn quan” của một học giả Nhật Bản có viết, thời Ai Cập cổ đại, một số người được gọi là tăng lữ sống tại các đến chùa đã bỏ tiền ra để mua các trẻ em trai với giá rẻ, sau đó đem thiến và bán lại cho các gia đình quý tộc giàu có nhằm thu món lời lớn. Sở dĩ là ở thời này người ta chuộng mốt dùng nam giới bị thiến là vì những người đàn ông này sẽ làm việc một cách trung thành, tận tụy mà không hề có khả năng làm hại đến những người phụ nữ trong các gia đình quý tộc.

Hoạn quan ở Ấn Độ và Hy Lạp

Ở Ấn Độ, người ta gọi những người đàn ông bị hoạn với những cái tên khác nhau như tĩnh thân hay yêm hoạn. Thường thì dạng người này được chia làm ba loại: loại bẩm sinh lúc đẻ ra có dương vật nhưng không có dịch hoàn, loại không có cả dương vật lẫn dịch hoàn và loại trở thành yêm hoạn sau khi giải phẫu. Ở Ấn Độ trước đây có những người chu du khắp nơi với mục đích... thiến người khác để kiếm ăn. Phương pháp của họ rất giản dị là buộc chặt bộ phận sinh dục bằng một mảnh băng rồi cắt xoẹt đi bằng một con dao thật sắc.

Một số hình ảnh hoạn quan bằng tượng tại các bảo tàng lịch sử của Trung Quốc

Theo sử sách Ấn Độ còn ghi lại, đã có thời hoạn quan trở thành một thứ “mốt” phát triển đến cực thịnh tại đất nước này. Khi được thiến để trở thành các hoạn quan trong triều đình, những người này sẽ được nhận những ưu đãi mà người bình thường khác không thể có được. Ví như được cắt cử trông coi các kho báu tư nhân hoặc là hoạn quan toàn quyền về giáo dục, tài chính. Thậm chí khi xuất cung, họ có thể thoải mái ăn uống và đi lại mà không hề mất một đồng hào nào.

Tại một số địa phương ở Ấn Độ do tin vào truyền thuyết nên có nhiều nam giới quan niệm nếu giữ mình trong sạch thì sẽ dễ được lên thiên đàng. Vì thế nhiều nam nhân của Ấn Độ xưa đã tự nguyện được thiến để trở nên “tinh khiết” cho đến lúc chết. Không những thế, việc cắt dương vật còn mang một ý nghĩa Tôn giáo sâu xa khác. Ở một số vùng theo Thiên chúa giáo, nhiều đảng phái đã đã khuyến khích các giáo đồ tự nguyện cắt bỏ bộ phận sinh dục, coi đó như là một hành vi dâng hiến cho Thiên Chúa. Và những nam giới cắt bỏ hoàn toàn bộ phận sinh dục được mang nhãn hiệu "người mang dấu ấn của Vương triều".

Thời kỳ “cực thịnh” của hoạn quan Ấn Độ kéo dài tới những năm 90 của thế kỷ 20. Ở thời điểm đó, tại các thành phố lớn của Ấn Độ như Newdelhi, Mumbai… vẫn còn tới khoảng 1 vạn hoạn quan. Họ có một số đặc quyền để lại từ mấy thế kỷ trước, như có thể đi xe công cộng không phải trả tiền.

Còn ở Hy Lạp, vào thời cổ đại, nhà lịch sử nổi tiếng đương thời Herodotus trong cuốn sách “Lịch sử” cũng nổi tiếng của mình đã ghi chép một số tình hình hoạn quan trong cung nhà vua. Heroditus còn chỉ ra, nguồn hoạn quan Hy Lạp lúc đó là từ đế quốc Ba Tư. Hơn nữa tại Hy Lạp lúc đó cũng đã xuất hiện những thương nhân chuyên buôn bán trẻ em. Bọn này đi khắp nơi dụ dỗ trẻ em vị thành niên, sau khi thiến các em liền truyền tay nhau bán cho nhà vua thu những món lợi kếch xù. Có lẽ đây cũng là những cuộc mua bán nô lệ sớm nhất trên thế giới.

Vào thế kỷ thứ 12 đến 15 trước công nguyên, lực lượng hoạn quan Hy Lạp đã trở nên rất đông đảo và phát triển một cách cực thịnh. Trong cuốn sách “Thông sử Ả Rập” của một học giả Mỹ được xuất bản trong thời gian gần đây cho biết: “Đến đầu thế kỷ 8, chế độ hoạn quan tại đế quốc Hy Lạp đã cùng hoàn thành với chế độ khuê phòng. Tại thời điểm phát triển cực thịnh, một phần ba thủ đô Athen được dành làm nơi ở cho họ hàng, thái giám và quan lại đặc biệt của vưong triều sử dụng. Theo một số sách sử có liên quan, thái giám da trắng lúc đó được gọi là Selamlik, ngoài ra còn có khoảng 600-800 thái giám da đen, quản lý công việc thường ngày của các hậu phi trong cung, do họ đã mất công năng về giới tính, nên được phép trực tiếp tiếp xúc với các hậu phi”.

Hoạn quan như con thú nuôi trong cung cấm

Căn cứ vào ký hiệu, hình vẽ trên các hiện vật cổ đã khai quật được, giới sử học Trung Hoa phỏng đoán rằng từ thời tiền sử đã có hiện tượng thiến hoạn đàn ông. Vì người ta thấy gia súc bị thiến bao giờ cũng dễ nuôi và khỏe mạnh hơn nên đã quyết định đem thiến nô lệ, tù binh đàn ông để dùng họ vào các công việc trong nhà, cung điện, dinh thất... và thường là để canh gác số thê thiếp đông đảo của chủ nhân.

Sau này không còn tù binh, các ông hoàng bà chúa phong kiến đành phải dùng dân thường bị thiến. Sử sách Trung Hoa cuối đời Minh (1368-1644) chép rằng, trong cung lúc đó chứa gần 9.000 cung nữ nhưng có tới hơn 100.000 hoạn quan. Cho đến năm 1922, sau cách mạng Tân Hợi, khi Phổ Nghi còn giữ ngôi, số hoạn quan vẫn còn 1.137 người.

Ở Trung Quốc, ngay từ khi được vài tuổi, những đứa bé trai có ngoại hình “xinh xắn” đều được bố mẹ có nguyện vọng cho tĩnh thân để tiến cử vào hậu cung. Những đứa trẻ này vì đã tĩnh thân từ khi còn rất nhỏ nên được coi là rất trong sạch chưa vương vấn một ý niệm tính dục nào và thường được cung nhân, phi tần nuôi như như người ta nuôi một con vật yêu thích. Chúng cũng được tự do hơn khi được phục vụ các cung nhân trong khuê phòng hay trong buồng tắm ở những khung cảnh kín đáo nhất. Tuy nhiên khi đã lớn, họ vẫn bị thay thế bằng những thái giám nhỏ tuổi hơn và được điều động ra làm công việc ở bên ngoài khu vực phụ nữ sinh sống.

Nhiệm vụ của hoạn quan là làm đủ thứ việc trong nội cung, như trà nước, xe kiệu, chợ búa, hầu hạ hoàng đế, thái hậu, phi tần, truyền mệnh lệnh vua, liên lạc thông tin và canh phòng, bảo vệ an ninh các cung điện. Thái giám hầu cận bên vua bao giờ cũng được tuyển chọn rất kỹ, còn lại là làm các việc vặt như quét tước nhà cửa, chăm sóc cây cối, cất giữ hóa phẩm... Như vậy, thái giám là một hệ thống nội quan chỉ phục vụ công việc hàng ngày trong cấm cung, không liên quan gì đến triều đình.

Trong lịch sử Trung Hoa, mặc dù những người bị hoạn đều mất khả năng sinh dục, tuy nhiên vẫn có những người thèm khát và đòi hỏi, nhất là những người bị thiến sau khi đã đến tuổi trưởng thành. Trong nhiều trường hợp, chính họ là nạn nhân của những cung phi lâu ngày không được gặp gỡ hoàng đế nên bị dồn nén, nhất là những thái giám còn nhỏ tuổi. Không những thế, trong một vài triều đại phong kiến, hoạn quan còn được phép ngủ chung với đàn bà trong cung để cho các phi tần có chút khí dương nhằm tránh lại bệnh tật(?)

Hải Hiền (Theo Hoàn Cầu)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.