Sau khi cảm thấy “lạc hậu” và bị bạn bè chê cười vì “không biết Tùng Sơn” là ai. Tôi đã quyết định dành hơn 2 tiếng đồng hồ để tìm hiểu về nhân vật mà theo lời bạn bè tôi, đang được quan tâm nhất cõi mạng.
Không quá khó khăn để tìm kiếm trang fanpage chính thức của Tùng Sơn trên Facebook. Ngoài lượt like khủng làm bảo chứng, trong mục “Tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả” của trang cũng ghi rõ:
“Đây là trang Page cá nhân chính thức và duy nhất Tùng Sơn. Tất cả sự sao chép và giả mạo đều là vi phạm về sở hữu và quyền tác giả và các quyền khác.
Chúng tôi không bất kì chịu trách nhiệm nào trước những nội dung, thông tin được đăng tải ngoài trang chính thức này!”
Ngoài ra, người quản trị page đã đặt mail, số điện thoại liên hệ quảng cáo ở vị trí dễ nhìn thấy cho cá nhân có nhu cầu (được biết, số tiền mà bạn phải trả cho mỗi clip, bài viết trên trang này không kém cạnh gì so với các fanpage “khủng” hơn, hoạt động lâu hơn).
Vậy là dù chưa bắt đầu “khám phá” các sản phẩm nghệ thuật của Tùng Sơn, tôi đã ngờ ngợ về một đội ngũ chuyên nghiệp đứng đằng sau sự nổi tiếng của cậu.
Thú thực, những video clip, hình ảnh của Tùng Sơn khiến tôi cảm thấy vô cùng… sợ hãi. Và nếu ai đó thẳng thắn gọi chúng là “rác phẩm” thì cũng chẳng oan ức gì.
Có người nói: “Bắc Tùng Sơn, nam Lệ Rơi”để khẳng định chất giọng thảm họa của cậu. Xong xét ra, Tùng Sơn không cùng “đẳng cấp” với Lệ Rơi – anh nông dân giản dị từng lấy niềm đam mê hát hò làm động lực sống lạc quan, vui vẻ. Tôi thấy cậu giống Bà Tưng, Quân Kun, Kenny Sang… – những người cố tình làm “lố” để gây sự chú ý hơn!
Biệt danh “Công chúa Thủy Tề” hay những lời nhận xét như “bứt phá mọi giới hạn”, “quyến rũ”, “hài hước”… mà cư dân mạng dành cho Tùng Sơn hiển nhiên không mang ý nghĩa tốt đẹp gì. Thái độ của họ làm tôi nhớ đến mấy cậu choai choai ở quê, thường hay đập tay, cười khả ố với nhau sau khi huýt sáo trêu ghẹo các cô gái xấu. Ở đây, tiếng cười bật lên không vì sự thú vị mà là bởi cảm giác “mãn nguyện” trước kẻ thua kém mình về ngoại hình, chỗ đứng trong xã hội.
Sử dụng mạng xã hội cũng như sống trong một ngôi nhà thủy tinh, nơi mà dù không muốn, bạn vẫn phải nhìn và nghe những thứ gớm ghiếc. Tức là, kể cả bạn có chặn mọi bài viết từ Tùng Sơn, thì xác suất để khuôn mặt hay giọng hát của Tùng Sơn đột ngột xuất hiện trên facebook và ám ảnh tâm trí bạn vẫn rất cao.
Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi newsfeed ngập tràn hình ảnh thô thiển, phản cảm – hơn thế, lại do chính em trai, em gái nhỏ tuổi của bạn chia sẻ? Như thế là cởi mở, vui tính hay nông cạn, vô tâm, thưa bạn?
Bỏ mặc những vấn đề hệ trọng của xã hội, của đất nước, một bộ phận lớp trẻ giờ đây chỉ quan tâm tới dăm ba câu chuyện sốc – sex – sến rẻ tiền trên mạng và thậm chí dành thời gian quý báu để tung hô, cổ vũ các “thảm họa mạng”. Chính thị hiếu lố lăng, lệch lạc đó đã giúp “nàng mập” Happy Polla hay “trai đẹp bị trục xuất” Omar Borkan Al Gala được mời về Việt Nam… lưu diễn, quảng bá sự kiện.
Vào thời kỳ lên ngôi của MMO (kiếm tiền trên mạng) hay Facebook Marketing như hiện nay, ai ai cũng muốn tận dụng sự chú ý từ dư luận để tạo hiệu ứng truyền thông trên quy mô lớn. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, truyền thông đã có thể trở thành bệ phóng đưa bạn lên thẳng trời cao như tên lửa thì cũng có thể sẽ làm bạn rơi tự do với vận tốc cực lớn của một thiên thạch.
Cuối cùng, trong trường hợp bài viết này chưa thể tát thẳng vào những khát khao có phần điên rồ của bạn bè bạn khi sử dụng mạng xã hội, hãy bình tĩnh gửi đến họ câu rap “đỉnh” được thể hiện bởi giọng ca Sơn Tùng:
- “Nào thức tỉnh đi!”
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả