“Hiệp sĩ” bắt cướp và nỗi niềm phía sau chiến công

Thứ 6, 28/12/2012 00:03

Ở TPHCM khi nhắc tới tên Nguyễn Văn Minh Tiến hầu như ai cùng biết dù anh không phải là ca sĩ, diễn viên, cầu thủ… Anh chỉ là một người dân bình thường, nhưng qua 14 năm đã bắt gần 500 vụ cướp, giao cho công an hàng nghìn tên tội phạm.

Người dân yêu mến gọi anh là, "hiệp sĩ đường phố", "Lục Vân Tiên", báo chí ca ngợi sự dũng cảm, tấm lòng nghĩa hiệp của anh. Họ trân trọng gọi anh là "hiệp sĩ".

“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến

Chiến công

7 tuổi, Nguyễn Văn Minh Tiến (quê ở Long An) đã theo thầy học võ. Ước mơ lớn nhất trong cuộc đời anh là được làm công an để bảo vệ cuộc sống người dân. Năm 1992, anh đã gần đạt được ý nguyện khi thực hiện nghĩa vụ trong bộ đội biên phòng ở Cảng Sài Gòn từ năm 1992 đến năm 1994. Nhưng năm 1994, căn bệnh quái ác đã lấy đi của anh cơ hội thực hiện ước mơ đó. Anh ra khỏi lực lượng vũ trang nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm bảo vệ nhân dân.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 500 lần bắt cướp của anh Tiến là vào năm 1997, khi ấy vợ anh có bầu con trai đầu ở tháng thứ sáu, bụng vượt mặt. Lúc đó anh đang chở vợ đi chơi trên đường Phạm Văn Hai (Tân Bình) thì nghe tiếng người dân hô "cướp, cướp". Tiến quay lại thấy một thanh niên đi xe Dream chạy như bay trên đường. Biết đây là đối tượng người dân đang truy đuổi. Anh quyết đoán, nếu thả vợ xuống là nó chạy mất nên đành liều nói với vợ: "ôm chặt anh, nhắm mắt lại".

Sau đó "cả gia đình" anh cùng ngồi trên xe gắn máy lao theo tên cướp. Đuổi theo một quãng đường dài tới đoạn giao giữa Phạm Văn Hai - Lê Văn Sĩ anh bắt kịp tên cướp và đạp đổ xe, khiến tên cướp phải chạy trốn vào hẻm. Để vợ lại canh xe anh tiếp tục đuổi, tên cướp quay lại rút dao chống cự. Bằng sự nhanh nhẹn của người luyện võ, anh tránh được những nhát dao "hung hãn" và nhanh chóng hạ gục đối tượng.

Rất nhiều người dân xúm quanh coi tên cướp, nhiều người ngợi khen trước sự dũng cảm, nhanh nhẹn của anh. Nhưng cũng không ít người tỏ ra ngán ngại: "ông này liều thật, chở vợ mang bầu mà còn ham bắt cướp". Sau này, nhiều lúc vợ anh nhắc lại kỷ niệm đó một cách vui vẻ: "Con mình SBC (săn bắt cướp) từ khi còn trong bụng mẹ hèn chi giờ nó cũng có máu "anh hùng" như ba".

Anh kể thêm một kỷ niệm vui, một lần anh hóa trang đi Dream, biển số giả, đeo bông tai, ăn mặc như giang hồ. Khi chạy tới quận 5, anh thấy một người vừa đi vừa nghe Iphone, có một tên đang kè kè chạy sau. Anh đoán là hắn chuẩn bị giật điện thoại. Quả đúng như vậy, người nghe Iphone vừa chầm chậm tấp vô lề là tên kia vặn ga ào tới giật. Ngay lập tức anh tăng ga đuổi theo, với con "chiến mã" chuyên nghiệp đã được "độ nòng" thì chỉ một đoạn ngắn là đuổi kịp và khống chế được tên cướp. Lúc đó anh hỏi: "Sao mày liều quá vậy, biết có tao đang nhìn mà vẫn cố tình". Tên cướp thật thà: "Tại con tưởng chú làm nghề như con, sợ chú phỗng tay trên nên con giật trước".

Mười mấy năm tham gia bắt cướp anh nhận được không biết bao nhiêu lời dọa nạt của những tên tội phạm, không chỉ bắn tin dọa xử anh có lần 4 tên vác mã tấu đuổi theo tính chém, anh phải chạy vào công an phường mà chúng còn rượt theo. Không phải tội phạm cướp giật, mà giang hồ có "số má" cũng gai mắt vì anh. Đe dọa không được, xử không xong, chúng tìm cách mua chuộc.

Một lần, phát hiện 3 đối tượng anh theo dõi từ lâu. Chúng là những đối tượng chuyên trộm cắp xe đắt tiền. Anh đã theo chúng 2 lần nhưng bị "lỗ". Lần thứ ba, anh theo chúng từ Lê Trọng Tấn, đến ngã ba Sơn Kỳ. Khi đó, chúng phát hiện chiếc SH trước quán cà phê có người trông coi, một tên giả bộ hỏi đường để đánh lạc hướng bảo vệ, tên còn lại nhanh chóng mở khóa chiếc SH chuẩn bị lao đi, anh lập tức chặn lại bắt quả tang.

Trên đường dẫn giải tên trộm về công anh phường, nhằm lúc đoạn đường vắng hắn giở trò mua chuộc: "Anh bắt em về phường anh có được gì đâu, trong người em có 4 cây vàng em đưa cả cho anh, anh tha cho em". Lúc đó Tiến nói: "Tao không biết xài tiền, xài vàng". Tên trộm vẫn ngoan cố: "Anh bắt em anh được cái gì?". Tiến cười: "Tao được cái bằng khen thôi". Hắn hỏi lại: "Bằng khen sao bằng 4 cây vàng?". Lúc này anh Tiến nạt lớn "Mày bậy, bằng khen là danh dự của tao không vàng nào, tiền nào mua được". Sau này anh Tiến kể lại, 4 cây vàng lúc đó đối với mình là số tiền rất lớn chưa bao giờ có mình được, cũng chưa bao giờ tưởng tưởng được là có ngày mình sở hữu số vàng lớn nhường đó.

Một lần khác qua theo dõi ở quận Tân Phú, anh biết nhiều tên côn đồ có máu mặt tổ chức chăn dắt và cho đàn em đi cướp giật. Nhờ số tiền bất chính kiếm được, chúng xây nhà lầu, sắm ô tô. Cách đây không lâu, một người có vai vế tìm gặp, đề nghị Tiến bỏ qua, đổi lại chúng sẽ chung chi cho anh 300 triệu đồng/tháng. Anh kể "Tôi kiên quyết từ chối, dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, ở nhà thuê, vợ chồng phải thức khuya, dậy sớm lượm từng cắc tiền lời từ sạp báo vỉa hè. Thà chết đói chứ tôi không bao giờ chấp nhận bị tội phạm mua chuộc, bôi đen danh dự, nhân phẩm bằng những đồng tiền phi pháp".

Nỗi buồn

Lòng dũng cảm, sự hy sinh và tấm gương của anh đã được lãnh đạo, các cấp chính quyền ghi nhận với gần 100 bằng - giấy khen, huy hiệu về thành tích săn bắt cướp. Chưa hết, gần 20 tấm hình Nguyễn Văn Minh Tiến chụp chung với các đồng chí lãnh đạo cấp cao như: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa... cũng được treo trang trọng ngoài phòng khách. Nguyễn Văn Minh Tiến từng được UBND TPHCM chọn là một trong 8 đại biểu điển hình dự Đại hội Thi đua toàn quốc tại Hà Nội.

Khi đối diện với tội phạm hung hãn, anh không hề run sợ. Nhưng khi đối mặt với đời thường đôi khi anh thấy chông chênh. Anh tâm sự: "Nhiều năm SBC tôi bị tai nạn giao thông không ít lần. Năm 2009 trong lúc truy bắt 2 tên cướp, tôi bị té xe, bị trọng thương. Khi người dân đưa vào bệnh viện, với xương hàm bị rạn, gãy 4 cái răng, xoang mũi chấn thương, mặt mũi bầm giập máu... nhiều người đã tưởng tôi không qua khỏi. Những đợt truy bắt tội phạm chúng liều lĩnh chống trả bằng vũ khí, thậm chí hất cả ớt bột vào mặt khi tôi đang chạy xe. Hay những lần phải chuyển nhà liên tiếp để đảm bảo an toàn cho vợ con... tôi cũng không hề sợ".

Nhưng, nhà cho thuê ở TPHCM không thiếu, nhiều khi dù anh cam kết trả tiền sòng phẳng, đúng hạn một số gia đình vẫn không dám cho anh thuê nhà. Họ sợ nguy hiểm, sợ khó cho công việc làm ăn dù các chủ nhà đều ngưỡng mộ anh. Có những khi anh vào quán nước chủ quán liền đuổi khéo, bởi vì họ sợ bị vạ lây. "Không chỉ người lạ mà anh em trong nhà, bạn bè thân thiết cũng sợ. Nhiều người nói không dám tiếp xúc nhiều với tôi vì sợ bị côn đồ cho ăn đòn oan" - Anh thở dài.

Người dân ngại va chạm, đôi khi dẫn tới bàng quan. Còn những người thực thi pháp luật thì lại đùn đầy trách nhiệm và quan liêu gây khó khăn. Không ít vụ bắt được cướp ở vùng giáp ranh, anh Tiến phải dẫn nghi phạm đi hết phường này đến phường khác vì một số nơi từ chối vì địa bàn đối tượng gây án không thuộc quản lý của phường. Có lần một cán bộ công an phường còn quát nạt hỏi anh vì sao khi đuổi bắt lại ra đòn mạnh tay làm tên cướp bị trật gân chân và trầy xước nhiều nơi trên cánh tay trước mặt nghi phạm rồi bắt anh phải viết bản tường trình. Có vị lãnh đạo khi anh bắt được cướp trên địa bàn phường đó, còn mắng "vốn" anh làm "mất uy tín" phường của ông.

"Tôi không giận nhưng đôi lúc cảm thấy buồn và muốn rửa tay gác kiếm cho rồi. Nhưng nghĩ đến nỗi khổ của người dân, sự tin tưởng của chính quyền, của lãnh đạo dành cho mình, tôi lại không bỏ được cái nghiệp này" - Nguyễn Văn Minh Tiến cười.

Giang Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.