Ồ ạt bổ nhiệm, tách, nhập khoa phòng gây bất bình lớn
GS.TSKH.NGND Lê Du Phong, nguyên hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân khi trao đổi với chúng tôi đã chua xót nói rằng, cả cuộc đời làm khoa học, hết mình phấn đấu xây dựng nhà trường xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân dành cho một trường kinh tế hàng đầu, cánh chim đầu đàn trong hệ thống giáo dục đại học quốc dân, vậy mà bây giờ nhìn nội bộ trường “rối ren”, cán bộ, giáo viên và đội ngũ quản lý đang dần mất niềm tin, nhụt chí phấn đấu, ông đau đớn vô cùng. Điều này ông và một số hiệu trưởng tiền nhiệm không thể lường tới.
GS Lê Du Phong cho hay, chính Thanh tra Bộ GD & ĐT tại Kết luận 1255 ngày 5/12/2012 đã khẳng định hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam phải chịu trách nhiệm tới 17 vấn đề, cho thấy cung cách quản lý hoặc là yếu kém, hoặc là chuyên quyền, coi thường pháp luật của hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam. Trách nhiệm này thuộc hiệu trưởng và Phòng Tổ chức cán bộ.
Cũng theo Thanh tra Bộ, hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam đã xử lý cán bộ một cách vội vàng, quyết liệt không cần thiết, không xem xét kỹ các tình tiết liên quan (trường hợp ông Linh, ông Bình); bỏ qua, không xử lý triệt để (trường hợp ông Huệ và các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ ông Huy); điều động bố trí cán bộ bất hợp lý, thực chất là giáng chức cán bộ không có lý do, dẫn đến sự thiếu khách quan, thiếu công bằng, phát sinh các ý kiến bất bình trong một số cán bộ, viên chức và gây ra dư luận không tốt về trường. Thanh tra Bộ kết luận, để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, Đảng ủy trường và Phòng Tổ chức cán bộ.
GS.TSKH.NGND Lê Du Phong còn cho hay, sai lầm nối tiếp sai lầm của hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam là khi thực hiện kiểm điểm theo chỉ đạo của Bộ GD & ĐT, ông Nam đã giải trình không thỏa đáng, không nghiêm túc nhận khuyết điểm, biện minh, thậm chí bóp méo sự thật và bịa đặt.
GS Lê Du Phong phân tích, ông Nam là người trực tiếp phụ trách sau đại học nên để xảy ra những sai phạm liên quan đến đào tạo sau đại học, ông Nam phải chịu trách nhiệm. Vấn đề này gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được. Hơn nữa có 767 người được cấp chứng chỉ sau đại học trái phép, trong đó có nhiều người sử dụng chứng chỉ này như một minh chứng của trình độ học vấn sau đại học để thăng quan tiến chức. Lẽ ra, Bộ GD&ĐT phải ra lệnh thu hồi những chứng chỉ đã cấp trái phép nói trên. Vậy mà, ngay sau khi có kết luận thanh tra, ông Nam đã cho ký ban hành bản thành tích dài 52 trang mà không có lấy một dòng nào gọi là khuyết điểm. Bản thành tích này được gửi đến tất cả giảng viên để làm cơ sở cho việc “thí điểm đánh giá hiệu trưởng”.
Có hay không dấu hiệu hình sự ở những sai phạm về thu chi tài chính và xây dựng cơ bản?
GS.TS Nguyễn Văn Thường, nguyên hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cũng chia sẻ rằng, các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy của trường đều là người tốt, nhưng điều đáng tiếc là tập thể Thường vụ lại yếu về đấu tranh phê bình, đã để cho bí thư, hiệu trưởng mắc nhiều khuyết điểm, sai phạm lớn kéo dài từ năm 2009 đến nay.
Liên quan đến những sai phạm trong thu chi tài chính, xây dựng cơ bản, mà người đứng đầu chịu trách nhiệm là hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam, dư luận đặt câu hỏi: những tưởng, với một trường đại học đầu ngành trong cả nước, dạy sinh viên cách quản lý kinh tế theo pháp luật, thì việc quản lý đồng tiền sẽ phải được triển khai một cách bài bản, nhưng Kết luận thanh tra của Bộ GD & ĐT đã chỉ ra rằng, ĐH Kinh tế quốc dân đã thu sai, thu vượt nhiều khoản như: thu kinh phí đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ không có trong quy định số tiền hơn 22,173 tỷ đồng; thu vượt quy định về học phí nâng điểm hệ số chính quy số tiền là hơn 3,073 tỷ đồng; thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh các hệ đào tạo, số tiền là hơn 7,906 tỷ đồng; thu ngoài quy định số tiền là hơn 18,407 tỷ đồng…Như vậy, số tiền trường ĐH Kinh tế quốc dân thu sai quy định lên đến hơn 51 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc thu sai thì phải hoàn trả cho người bị thu, trường hợp không trả lại được thì phải nộp ngân sách nhà nước. Tại sao Bộ GD & ĐT chỉ kiến nghị sung công quỹ 3 tỷ đồng. Theo giải thích của Kết luận thanh tra thì 48 tỷ đồng đã được nhà trường chi hết cho các hoạt động - cũng là một điều vô cùng khó hiểu.
Cũng liên quan đến sai phạm về tài chính, Thanh tra Cục Thuế Hà Nội kết luận, đã có quyết định truy thu và xử phạt, trong hai năm 2009 và 2011 đã là 7,067 tỷ đồng, mặc dù tính đến ngày 22/10/2012, trường đã khắc phục bằng cách nộp 5.774.542.960 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, đây có phải là hành vi trốn thuế, gian lận thuế…
Dư luận đang trông chờ một thái độ kiên quyết, dứt khoát cùng một hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh của lãnh đạo Bộ GD &ĐT đối với hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam và các cá nhân liên quan nhằm thiết lập lại kỷ cương phép nước ở một trường đại học Anh hùng…
Có dấu hiệu vi phạm luật hình sự Theo phân tích của đại diện văn phòng luật sư tại Hà Nội, số tiền thu vượt, thu sai hơn 51 tỷ đồng có dấu hiệu tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “có tổ chức” được quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự phải được chuyển cho cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra một số kết luận của Thanh tra Bộ thực chất Bộ không đủ thẩm quyền cũng phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để giải quyết theo theo pháp luật (như vụ “bôi trơn” 300.000 USD và dấu hiệu “thông thầu” vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng)... |
Theo CAND Online