Bà Tạ Thị Bích Ngọc đã bị cách chức hiệu trưởng và đang bị xem xét kỷ luật Đảng. Chưa có đủ căn cứ để nói về chuyện khởi tố, nhưng cách chức dường như là chưa thỏa đáng với sự nhẫn tâm, gian dối, lươn lẹo bên trong danh xưng “nhà giáo” – người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Thật chẳng có gì để hả hê trong câu chuyện này, bởi bà Ngọc bị cách chức, bị xem xét kỷ luật Đảng hoặc như thế nào nữa thì cũng là điều đương nhiên. Nói dối, bao che, không dám đối diện với sự thật, không dám thừa nhận lỗi lầm vì chiếc ghế mà bà đã ngồi, vì cái danh mà bà đã từng mang hay vì điều gì đi chăng nữa thì mọi hành động phản giáo dục đều không có chỗ đứng trong môi trường giáo dục.
Hiệu trưởng không trung thực sao trách chuyện thi cử lâu nay hình thức, khó xử lý. Cái gian dối trong cuộc sống đã khó chấp nhận, sợ nhất là gian dối trong quá trình học tập. Cứ nhìn vào cách hành xử không đàng hoàng, chối tội, né tránh của những người làm quản lý ở các trường mà đủ biết căn bệnh hình thức – trầm kha của ngành giáo dục nó ở mức độ nào.
Nếu không sợ vụ việc sẽ khiến cho thi đua của trường sụt giảm, kém cạnh so với các trường khác trên địa bàn, nếu không dũng cảm và thẳng thừng vứt bỏ được sự háo danh ở trong từng con người làm nghề dạy học thì bao giờ, ngành giáo dục mới đi lên tiến cùng năm châu bốn bể?
Tin rằng, kể cả là lúc chưa bị cách chức thì bà Ngọc đã không còn xứng đáng làm hiệu trưởng hay chỉ đơn giản là một nhà giáo trong lòng những thành viên gia đình cháu Trần Chí Kiên (lớp 2, trường tiểu học Nam Trung Yên, TP. Hà Nội). Họ đã phải mất 3 tháng để đi tìm lại sự thật cho con mình. Đó là hành trình vô cùng khó khăn khi cái gian dối, xấu xa được chính người gây ra tìm cách bao che bằng mọi giá.
Người ta nỗ lực cố gắng cả một đời nhưng lại có thể mất tất cả chỉ trong vòng một nốt nhạc. Bà Ngọc có lẽ đã không kịp nghĩ đến điều đó khi tai nạn xảy ra và hành xử một cách vụng về, thiếu lương tâm. Nhưng thời gian sau đó đủ để một người có hiểu biết, có nhận thức xã hội, lại là Đảng viên, là lãnh đạo như bà suy nghĩ phân biệt đúng sai. Vậy nhưng, bà Ngọc lại không mảy may đến một cơ hội sửa sai nào. Thay vào đó, bà cố tình trốn tránh và liên tiếp có những hành động nhằm bao che cho những lỗi sai trong vụ việc mà mình có liên quan.
Cái xấu xa, điều sai trái đã là đáng sợ nhưng chưa đáng sợ bằng việc người ta cố tình che giấu và tìm cách bảo vệ sai phạm của mình. Trong cách ứng xử có biểu hiện của sự không đàng hoàng. Bài học về lòng trung thực đã bị bỏ quên. Ai cũng có lúc lỗi lầm nhưng quan trọng là cách sửa sai và làm lại. Chọn gian dối, lươn lẹo để che giấu lỗi lầm không phải cách khôn ngoan mà một người xứng tầm lãnh đạo làm.
Chỉ trong vòng 3 tháng đã xảy ra 3 vụ việc nghiêm trọng, để lại những dư luận xấu không phải ở vụ việc mà ở cái cách ứng xử với vụ việc của người trong cuộc. Sau vụ học sinh tiểu học Nam Trung Yên bị gãy chân do xe taxi chở cô hiệu trưởng và hiệu phó đi vào khuôn viên trường đâm, đến vụ cô giáo mầm non Sen Vàng cầm dép đập vào đầu, thúc gối vào bụng trẻ ngày 8/1, vụ nữ sinh bị bỏng nặng trong giờ thực hành ở phòng thí nghiệm Trường THPT Phan Đình Phùng ngày 5/1…
Mọi việc sẽ bớt đau lòng hơn nếu người trong cuộc cầu thị sửa chữa sai lầm. Tự hỏi, đạo đức nghề giáo đang ở đâu? Dường như nhiều người đang tự mình tước đi sự “cao quý” đầy vinh dự, tự hào trong nghề giáo. Sứ mệnh của công việc trồng người quan trọng lắm, cao quý lắm nhưng nếu trước hết không phải là sự trung thực thì xin đừng khoác lên mình hai chữ “nhà giáo” thiêng liêng.
Biết rằng, chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng một nồi canh mà để đến lúc quá nhiều sâu thì người ta kinh hãi mà không thể ăn được. Chính các cô giáo, thầy giáo xem thường đạo đức nghề nghiệp đã tô vẽ những mảng màu kém tươi sáng lên bức tranh chung của ngành giáo dục.
Vụ việc về bà Hiệu trưởng Nam Trung Yên Tạ Thị Bích Ngọc có lẽ sẽ là một vết nhơ bằng bút mực của ngành giáo dục - khó tẩy xóa trong lòng phụ huynh và dư luận xã hội. Dù đã bị cách chức và sẽ bị xử lý kỷ luật thế nào đi chăng nữa thì việc một vị lãnh đạo cao nhất của trường không thuộc bài học về lòng trung thực cũng khiến cho ngành giáo dục cần phải nhìn lại về phương pháp đào tạo giáo viên cũng như cách dạy và học hiện nay.
Có lẽ việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo là chưa đủ mà cần một sự quyết liệt hơn nữa để lấy lại hình ảnh cao quý của người thầy trong mắt phụ huynh và dư luận xã hội.
Dương Thu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.