Những ngày này, nườm nượp du khách gần xa trên mọi miền tổ quốc đã trở về Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để thắp nén hương thơm, đặt những bông hoa tươi thắm lên bàn thờ của các TNXP đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đất lịch sử này.
5h30 ngày 31/10/1968, 13 trong 14 chiến sỹ thuộc Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ có 6 liệt sĩ được tìm thấy thi thể, 7 người còn lại thân thể đã hòa vào đất. Máu của các anh, các chị tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, tô thắm thêm màu cỏ cây, đất trời, hoa lá, viết nên một huyền tích anh hùng về lịch sử của Truông Bồn.
Tên các anh chị đã khắc vào sông núi, trở thành sức mạnh cho tuổi trẻ của cả đất nước trong cuộc kháng chiến vĩ đại ở thế kỷ XX. Thế nhưng các TNXP vẫn là người anh, người chị giản dị như bao người Việt Nam.
Trước khi vào tham gia chương trình Huyền thoại Truông Bồn, ông Nguyễn Võ (SN 1950), trú xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, em trai của nữ TNXP Nguyễn Thị Văn lặng lẽ bước vào thắp hương. Đứng thật lâu trước bức tượng đồng, ông Võ hồi tưởng lại những năm tháng ở cùng chị. Thế nhưng, vì đất nước nên chị Văn đã quyết tâm ra đi, cống hiến những năm tuổi trẻ của mình cho độc lập dân tộc.
“Khi biết tin chị hi sinh thì tôi cũng viết đơn nhập ngũ để trả thù nhà và tiếp tục ý chí còn dang dở của chị. Xương máu của chị đã đổ xuống không vô ích, bởi giờ đây nước nhà đã độc lập”, ông Võ cho biết. Năm nào cũng vào ngày này, ông Võ lại một mình đến đây để thắp hương, rồi mời chị Văn về nhà.
Ông Phan Văn Châu (SN 1964), trú xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là cháu của nữ TNXP Phạm Thị Dung cho biết, đến bây giờ vẫn không thể quên được những hình ảnh của một người con gái luôn tràn đầy nhiệt huyết.
“Lúc đó tôi chỉ mới 4 - 5 tuổi thôi, nhưng ấn tượng về o (cô) Dung vẫn không thể nào quên được. O người hơi thấp, rất cá tính, làm việc gì cũng mạnh mẽ, quyết đoán. O ở nhà xởi lởi và suốt ngày cười đùa, đến khi o đi TNXP thì ai cũng buồn, vắng lặng hẳn đi”, ông Châu nhớ lại.
Đối với ký ức của ông Trần Quốc Liễu (SN 1956), xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, thì chị gái - liệt sĩ Trần Thị Doãn là một người vô cùng xinh đẹp.
“Chị tôi xinh lắm, xinh nhất làng luôn. Lúc chị ở nhà, có rất nhiều người đến theo đuổi, đêm nào cũng có vài anh ở ngoài cổng. Sau một năm đi TNXP, khi trở về thì chị càng trở nên xinh đẹp, trưởng thành hơn. Đúng là mưa bom bão đạn cũng không thể nào giết nổi tinh thần tràn đầy sức sống của chị tôi được”, ông Liễu nói.
Không chỉ liệt sĩ Trần Thị Doãn, những cô gái khác trong Tiểu đội thép thuộc Đại đội 317 cũng là những bông hoa rừng bất khuất. Với gia đình, họ là những người con gái giản dị, nhưng đối với kẻ thù thì họ trở thành những dũng sĩ.
Ngày san lấp đường, đêm thay nhau làm “cọc tiêu sống”, để điều hành, cảnh giới cho những đoàn xe vượt trọng điểm chở hàng ra tuyền tuyến. Sự hi sinh của các anh, các chị đã làm nên những giá trị tinh thần bất tử, tạo nên một Truông Bồn huyền thoại.
Ngày các anh, các chị ngã xuống cũng là ngày Chiến thắng Truông Bồn. Không một sự hi sinh nào là vô nghĩa, bởi bài học để lại vô cùng to lớn, nhắc nhở thế hệ trẻ về một thời đất nước gian lao nhưng dân tộc ta, cha anh ta chưa bao giờ biết cúi đầu khuất phục.
Clip: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia chương trình Huyền thoại Truông Bồn.
Tối 29/10, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Huyền thoại Truông Bồn”. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2017) do tỉnh Nghệ An phối hợp với báo Nhân dân tổ chức.
Chương trình Huyền thoại Truông Bồn là tấm lòng thành kính và biết ơn sâu nặng, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với nước.
Đồng thời cũng là hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ tới hàng trăm cựu chiến binh, cựu TNXP và thân nhân gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn hiện sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An và hàng vạn người nói chung trên cả nước.