Ngôn ngữ bị biến dạng
Dòng chữ trên được tạm dịch: "Hôm nay mày ăn cơm không, đi ăn mì vịt tiềm đi, thằng cu hôm bữa bao, 6h qua nhé?”. Đối với những học sinh, sinh viên trường quốc tế, hàng ngày tiếp xúc với tiếng Anh trong giao tiếp, sinh hoạt thì lại có kiểu viết tắt bằng tiếng Anh. Phổ biến nhất là các từ như PLZ có nghĩa là please (làm ơn), hay OMG là Oh my God (chúa ơi!)... Chỉ riêng với WC đã vận ra đủ nghĩa: Welcome (chào mừng) hay Webcam (hình ảnh). Hay từ cám ơn (thanks you) cũng được viết tắt bằng đủ mọi thể loại: Thx, Thks, Tx hay Thaxu.
Yến, gia sư tiếng Anh cho một em học sinh lớp 8 ngơ ngác không biết giải thích thế nào khi mẹ học trò hỏi: "Em dạy tiếng Anh cho cháu kiểu gì mà cám ơn nó viết thành thầy u thế?" (Thax U).
Không chỉ phổ biến trong tin nhắn, blog, diễn đàn, hay forum, trên các mạng xã hội như Zing Me, Facebook, MySpace hay Twitter, bệnh viết tắt cũng rất phổ biến. Các dòng status dùng để chia sẻ tâm trạng thường xuyên là nơi triển lãm, trưng bày các câu, từ viết tắt, ký hiệu tất nhiên, chỉ có giới trẻ mới biết, mới hiểu được. Một ví dụ trên một trang facebook cá nhân: “Hum ni, gặp ex of m tại wan café mới mở, zòm cũ như vẫn, thik hey, t hem nói j, j cứ j”. Tạm dịch: “Hôm nay, gặp người yêu cũ của mày tại quán café mới mở, nhìn vẫn như cũ, thích ha, tao không nói gì, đi cứ đi”, trích facebook Sakura _bmt.
Việc sử dụng những ký hiệu trên bàn phím máy tính dường như trở thành một “chuẩn mực” của việc bộc lộ cảm xúc người viết. Thay vì phải nói tôi buồn, chỉ cần gõ T _T, tức một khuôn mặt đang khóc với 2 hàng nước mắt là chữ T. Còn vui ư, chuyện nhỏ, chỉ cần ^^ là người đọc biết ngay chủ nhân của nó đang vui hay có chuyện hài lòng. Trạng thái tức giận thì được biểu hiện bằng >.< rất ngộ nghĩnh. Còn muốn nói yêu hay thích ai đó thì chỉ cần 2 ký hiệu đơn giản <3 là biểu tượng của trái tim.
Chưa hết, tâm trạng đang ngượng ngùng thì dấu = thật thích hợp, nó được ký hiệu là =.= . Một cô nàng đeo kính cận, làm sao để nhận diện? Chuyện quá nhỏ, chỉ cần @.@ là biết cư dân 4 mắt. Cần tiền ư, không phải dài dòng hỏi vay mượn, chỉ 1 tin nhắn với biểu tượng $_$ nghĩa là cần bao nhiêu?"...
Ảnh minh họa
"Bắt mốt thứ ngôn ngữ thời thượng với cách viết tắt triệt để, sử dụng ký hiệu sáng tạo, phong phú của giới trẻ thực sự là một bài toán khó với các vị phụ huynh, thầy cô. Ngôn từ viết tắt với cách biến tấu kinh ngạc trong giới hạn của 160 ký tự cho phép của một tin nhắn thực khiến người ta phải sửng sốt. Chỉ mất 350 đồng một tin nhắn mà có thể chép cả 1 đoạn thơ chỉ bằng cách đưa ký hiệu hay rút gọn ngôn từ chính thống. Quá hấp dẫn, vừa vui vừa yomost", Vi, 23 tuổi học trung cấp tài chính chia sẻ.
Vi thường xuyên nhắn tin cho bạn bè theo kiểu cực độc, không chỉ có viết tắt và ký hiệu, mà tiếng Anh tự chế cũng được lắp ráp vào câu cú. Chưa hết, mỗi chữ cách nhau một dấu chấm. Trích nguyên văn một tin nhắn của Vi: “A.pít.chìu.e.pan. E.j.cug.pan.ui.zia.mai.j.en.tc.cui.zoi.A.A.toi.rc.E.ok” (Anh biết chiều em bận. Em đi cùng bạn rồi về, mai đi ăn tiệc cưới với anh. Anh tới rước em nhé?).
Anh trai của Vi, Tường, 26 tuổi chia sẻ: " Hơn nó có mấy tuổi mà nhiều khi không thể hiểu nó đang nghĩ gì, viết gì, sẽ làm gì. Để chắc ăn, mình toàn phải gọi hỏi nó, sợ làm sai, hiểu sai".
“Chấp nhận” ngôn ngữ mạng?
Ngày xưa, có một loại mực đặc biệt được thế hệ cha mẹ bật mí cứ viết lên giấy nhưng không thấy gì, chỉ khi hơ trên lửa người ta mới đọc được. Đó là chiêu trò che giấu bí mật thời trước. Giờ thì những chiếc điện thoại công khai, màn hình vi tính sáng đèn, facebook online cả ngày, nhưng các bậc làm cha làm mẹ khó mà hiểu nổi con cái mình đang làm gì trên đó. Đơn giản vì những dòng chữ đã được mã hóa bằng hệ thống quy luật viết tắt, chỉ giới trẻ mới hiểu.
Xung quanh việc viết tắt, cải biên ngôn từ thuần Việt, chêm ký hiệu vào câu cú có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Tiêu biểu trong số đó là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Tư Bình, người rất nổi tiếng với bài luận "Viết tắt chữ Việt trong ngôn ngữ @". ông Bình chia sẻ: "Hiện nay, giới trẻ thường sáng tạo nhiều kiểu viết tắt chữ Việt, phần nhiều là chữ không dấu, khi chat trên mạng hoặc viết tin nhắn ở điện thoại di động. Đây là một trào lưu không ngăn chặn được và sẽ không bao giờ dừng lại, cho dù có nhiều quan ngại nó sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Người thích viết tắt cho rằng chat hoặc nhắn tin là sự trao đổi riêng tư giữa hai người, không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên cũng không cần theo những quy định về câu chữ. Do vậy, nó không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt".
TS. Nguyễn Vĩnh Tráng, tu nghiệp tại Pháp cho rằng: "Chữ viết của giới teen, giới trẻ sáng tạo ra. Nhưng giới trẻ là tương lai của đất nước. Dẫu muốn hay không, chúng ta cũng không ngăn cản được trào lưu viết tắt của giới trẻ trong thời đại Internet, điện thoại di động mà chúng ta đang trải qua".
TS. Lê Khắc Cường, giảng viên bộ môn Nhân học ngôn ngữ thì cho biết: "Viết tắt hay sử dụng ký hiệu hiện nay là một vấn đề phổ biến trong giới trẻ. Ngôn ngữ này có thể sử dụng hàng ngày, giữa bạn bè với nhau, nhưng trong bài luận, đơn xin việc thì tuyệt đối không. Cần phải biết chung tay giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Thế kỷ 21, sự bùng nổ về truyền thông, internet biến thế giới thành một ngôi làng, mọi thông tin đều được cập nhật nhanh chóng chỉ qua vài cú nhấp chuột đơn giản. Vì vậy, việc viết tắt, sử dụng ký hiệu không còn quá xa lạ nữa bởi ưu điểm tiết kiệm thời gian, công sức, nhanh, gọn và quan trọng là người đọc vẫn hiểu".
Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi? "Với tư cách một người nghiên cứu ngôn ngữ, cũng như nhiều người yêu tiếng Việt khác, tôi luôn mong muốn cho tiếng nước mình phát triển khỏe mạnh và trong sáng. Cái lo này dựa trên cả mặt cảm tính và lý tính. Cảm tính ở đây là lòng yêu nước, yêu tiếng Việt. Nhưng về mặt lý tính, chúng ta cũng nên nhìn nhận hiện tượng này một cách khách quan vì nó là một quy luật của xã hội và của cả ngôn ngữ nữa. Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi, và đến lượt mình, ngôn ngữ cũng tác động trở lại cuộc sống", tiến sĩ Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy, Viện nghiên cứu ngôn ngữ học. |
Mộc Lan