Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội không khỏi hoang mang, lo lắng bởi môi trường sống của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động khai thác đất đồi diễn ra ồ ạt. Điều đặc biệt, bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá thì hệ thống đường sá nơi đây cũng đang bị hủy hoại nặng nề.
Khu vực đồi Đầu Rau đang bị xẻ thịt
Ngang nhiên gây ô nhiễm và vi phạm pháp luật
Có mặt tại khu vực xóm 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, PV Người đưa tin được chứng kiến những tiếng gầm thét của tập đoàn xe tải siêu trường siêu trọng tấp nập vận chuyển đất đá trên địa bàn. Từng chiếc xe tấp nập ra vào khiến nơi này chẳng khác ngày hội là mấy. Tại khu vực Đồi Rau, toàn bộ cây rừng đang được "giải phóng" để nhường chỗ cho việc xẻ thịt lấy đất từng ngày, từng giờ.
Giữa lưng chừng đồi, PV phát hiện, vài ba chiếc máy xúc, máy ủi trong tình trạng "trực chiến", chỉ cần có chiếc xe tải tới, con "khủng long" há mồm, ngoạm đất đổ vào thùng xe. Cứ quay vòng liên tục như vậy và chỉ vài phút sau là chiếc xe chở đầy đất đá mau chóng mất bóng dưới chân đồi. Và, chỉ trong khoảng thời gian từ 10-15 phút, lại có một chiếc xe được "xuất bến", với thùng đất đầy có ngọn, nhíp xe võng sâu, ì ạch bò trên đường, kéo theo bụi bay mù mịt như sương mù, khiến người đi đường chìm trong bụi đất. Đất trên thùng xe vương vãi khắp mọi nơi, gây ô nhiễm môi trường.
Bác Trần Thị H, người dân khu vực bức xúc, không hiểu cơ quan chức năng cấp phép cho người ta hoạt động như thế nào nhưng các xe trọng tải 30 - 40 tấn hoạt động suốt cả ngày gây ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng. Ngày nắng khói bụi bay mù mịt, ngày mưa nước tạo thành từng vũng khiến người dân không thể đi lại được. Từ khi Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Trường Linh khai thác đất đồi, tuyến đường bị xuống cấp nặng nề.
Theo hướng tay của bác H, cả đoạn đường ngắn của con ngõ đã bị băm nát bởi những chiếc xe siêu trường siêu trọng. Chị Nguyễn Thị T, cho biết thêm: "Chẳng riêng gì ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn mà doanh nghiệp vào khai thác đất đồi đã phá hủy cảnh quan thiên nhiên ở đây. Toàn bộ cánh rừng xanh mướt với rất nhiều cây to đã bị chặt bỏ. Hơn nữa, đất đá từ trên cao rơi xuống ruộng vườn gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Đó còn chưa kể việc ảnh hưởng tới nguồn nước, cốt nền, địa chất cũng như nguồn lợi thiên nhiên vốn lâu nay được coi là bầu khí quyển, điều hòa khí hậu của con người.
Theo ông Nguyễn Công Minh, Tổ phó xóm 2, xã Hồng Kỳ thì, hiện có 54 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc khai thác đất đồi mang lại. Để bảo vệ sức khỏe người dân, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng không hiểu sao đến nay tình trạng trên vẫn ngang nhiên tái diễn?!
Thực tế tìm hiểu, PV Người đưa tin phát hiện, trên địa bàn xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn của huyện Sóc Sơn còn có nhiều quả núi, đồi khác như: Phú Lâu, Trại Nghè, Đồng Mỏ... cũng đang bị "moi ruột" hàng ngàn mét khối đất mỗi ngày. Việc các doanh nghiệp khai thác một cách ồ ạt, không chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước khiến người dân khu vực dính đủ hậu quả như ô nhiễm môi trường, đường sá xuống cấp, lầy lội. Ngay cả tuyến đường nhựa liên xã Bắc Sơn cũng đang oằn mình chống chọi vì bị cày xới bởi xe tải. Điều đặc biệt hơn, mặc dù trên tuyến đường có treo biển cấm xe có tải trọng trên 10 tấn hoạt động nhưng không hiểu sao những chiếc xe siêu trọng tải vẫn ngang nhiên chở đất trước mặt các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông?!
Tuyến đường đang phải oằn mình chống chọi vì những xe vượt quá tải trọng
"Vừa khai thác, vừa chạy giấy tờ?
Nhằm đáp ứng nhu cầu san lấp mặt bằng cho các dự án của Trung ương và địa phương, trong năm 2009, 2010, UBND TP. Hà Nội đã cấp giấy phép khai thác đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn cho ba doanh nghiệp. Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Trường Linh được cấp phép khai thác 9,5ha đất tại xã Hồng Kỳ; Công ty cổ phần Vật liệu Phú Đạt được khai thác 9,9ha và Công ty TNHH Thịnh Hùng Thắng được cấp phép khai thác 5,4ha đất ở xã Nam Sơn.
Tại Điều 3 của Giấy phép khai thác đất, cấp cho các doanh nghiệp, ghi rõ: "Chỉ được tiến hành khai thác sau khi công ty nộp thiết kế mỏ, thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác cho Sở Tài nguyên - Môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, ký hợp đồng thuê đất và thực hiện đầy đủ các thủ tục tại các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật." Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, không có công ty nào hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định tại Điều 3 của giấy phép khai thác đất và quyết định về việc khai thác khoáng sản, nhưng vẫn cố tình khai thác, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về lĩnh vực đất đai, khoáng sản.
Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Trường Linh và Công ty TNHH Thịnh Hùng Thắng vẫn còn thiếu các thủ tục: Lập thiết kế mở mỏ, hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền thuê đất..., song vẫn khai thác đất rừng tại xã Nam Sơn và xã Hồng Kỳ. Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết: "Phòng đã nhiều lần phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện kiểm tra, xử lý việc khai thác đất trái phép trên địa bàn và tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản yêu cầu UBND xã Nam Sơn và xã Hồng Kỳ đình chỉ ngay hoạt động khai thác đất trái phép của Công ty cổ phần Đầu tư -Xây dựng Trường Linh, Công ty TNHH Thịnh Hùng Thắng".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Chiến, chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ lại cho rằng: "Chúng tôi thực hiện theo chủ trương của cấp trên, đó là cho doanh nghiệp vừa khai thác, vừa "chạy" giấy tờ?" Còn hiện trạng đường sá xuống cấp, xe tải siêu trường siêu trọng vi phạm pháp luật cũng đã được các cơ quan chức năng xử lý nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Quỳnh Chi